Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

HND Bình Thuận đưa nguồn vốn ưu đãi về với nông dân

03:00 15/09/2018 GMT+7

Nghị định 78 (ngày 04/10/2002) của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách có tác động tích cực đến đời sống nhân dân. Qua 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các cấp Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần vào công việc xóa nghèo cho người dân.

Thủ tục đơn giản giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng. Nguồn Internet

Vay vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích

Trong 5 năm qua, Ngân hàng đã giải ngân trên 64,5 ngàn hộ gia đình, với số tiền cho vay là 950,6 tỷ đồng; doanh số thu nợ trong kỳ đạt 678,1 tỷ đồng.

Dư nợ thực hiện đến 31/7/2018 do Hội Nông dân quản lý gồm 14 chương trình tín dụng là 683,2 tỷ đồng cho 28,8 ngàn hộ vay, với 692 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng dư nợ 249,7 tỷ đồng đạt tỷ lệ 57,6% so với năm 2013.

Với phương châm “Tăng trưởng dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng”, NHCSXH và Hội Nông dân các cấp đã phối hợp và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Cụ thể, nợ quá hạn đến 31/7/2018 là 4.415 triệu đồng, chỉ có 0,64%.

Hội Nông dân cấp xã tập trung rà soát và củng cố các tổ hoạt động trung bình yếu; kết quả đến 31/7/2018, Hội Nông dân quản lý 692 tổ TK&VV, trong đó có 599 tổ xếp loại tốt, 74 tổ xếp loại khá, và 19 tổ xếp loại trung bình, yếu. Chất lượng hoạt động của tổ ngày càng được nâng lên, việc giao dịch với các ngân hàng của các ban quản lý tổ giao dịch ngày càng thuận lợi, tỷ lệ thu lãi, số tiền gửi tiết kiệm và ý thức trả nợ của họ vay ngày càng nâng cao…

Hội Nông dân các cấp đã có nhiều chuyển biến, chú trọng đến chất lượng và bám sát các nội dung nhận ủy thác, chỉ đạo của HĐQT và Hội đoàn thể cấp trên, góp phần hạn chế tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn, từng bước củng cố, nâng cao chất lượng nhận ủy thác, hoạt động tín dụng chính sách và ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương

Công tác bình xét đối tượng vay vốn, mức cho vay công khai và sát thực tế đã phát huy được tính dân chủ, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã giúp hội viên Hội Nông dân nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tạo động lực hỗ trợ cho Hội viên hăng hái thi đua sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống…. Đặc biệt, nguồn vốn cho vay HSSV đã tiếp sức cho hàng chục ngàn con em hội viên Hội Nông dân đến trường an tâm học tập.

Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, việc xây dựng tổ chức Hội ngày thêm vững mạnh, Hội cũng góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh – chính trị, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trong tỉnh.

Cần nâng cao hiệu quả, sử dụng vốn cho người vay

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng vẫn phát sinh những khó khăn, tồn tại, cụ thể như hoạt động lồng ghép Chương trình phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cách thức sản xuất của Hội Nông dân với nguồn vốn tín dụng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của người vay. Một số hội cấp xã chưa chủ động phối hợp với NHCSXH cấp huyện xử lý nợ đến hạn, dẫn đến phát sinh tăng nợ quá hạn.

Vẫn còn một số Hội cấp xã chưa tham gia vào buổi giao dịch xã, điển hình trong tháng 7 năm 2018: chỉ có 116 hội tham gia giao dịch xã/120 Hội Nông dân cấp xã nhận ủy thác, trong đó có 41 hội thực hiện chưa tốt các công việc ủy thác tại điểm giao dịch xã như  chưa chứng kiến giải ngân, chưa kiểm tra Bảng kê 13/TD và không hướng dẫn Tổ trưởng Tổ TK&VV lập bảng kê tiền….Công tác giao ban tại điểm giao dịch lưu động tại xã vẫn chưa được khắc phục: nội dung họp chưa chuẩn bị kỷ, chưa đề ra giải pháp xử lý tồn tại, không nắm sát họat động quản lý vốn dẫn đến chất lượng quản lý vốn kém hiệu quả.

Trong thời gian tới cần Hội Nông dân các cấp quan tâm hơn nữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cách thức sản xuất cho hộ vay nhằm mang lại hiệu quả sử dụng vốn cho người vay, hội viên.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Hội cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt các nội dung ủy thác, nhằm mang nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh – chính trị, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trong tỉnh.

Sỹ Công