Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội NDVN xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi

Bảo Minh - 07:42 21/01/2022 GMT+7
Ngày 20.1.2022, Trung ương Hội NDVN đã công bố Kế hoạch số 405 - KH/HNDTW về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở Công văn số 72/LĐTBXH-BTXH ngày 10/01/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tỷ lệ người cao tuổi tuổi sẽ tăng lên 26,10% vào năm 2049

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già| hóa dân số từ năm 2011. Đến năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2020 và 26,10% vào năm 2049. Việt Nam sẽ là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già nhưng ở Việt Nam, quá trình này chỉ khoảng 26 năm. 

Khám, chữa bệnh cho người cao tuổi tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).. Ảnh: Thanh Thảo

Việt Nam hiện có trên 12 triệu người từ 65 tuổi trở lên, đến năm 2036 con số này ước tính là trên 14 triệu người. Sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế: Tuổi thọ trung bình cao (trên 73 tuổi) nhưng thời gian sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 năm. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây; Trung bình một người từ 65 tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, khảo sát nhóm trên 80 tuổi trung bình mỗi cụ mắc 6,9 bệnh, chi phí điều trị lớn.

Trong  những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi. Từ năm 2018 - 2020, cả nước có thêm khoảng 1,1 triệu người dân tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó, đa số là người cao tuổi, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên; Số lượng người cao tuổi được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cấp thẻ bảo hiểm y tế đã tăng từ 8,8 triệu người năm 2016 lên đến 12,1 triệu người năm 2020. Như vậy, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế với người cao tuổi ở nước ta là khá lớn. 

Tuy nhiên, còn một tỷ lệ khá lớn người cao tuổi không thuộc diện được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đang sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn gặp khó khăn trong mua thẻ bảo hiểm y tế, trong đó, chủ yếu là khó khăn về tài chính, bởi đây là những “đối tượng cận nghèo, mới thoát nghèo hoặc chưa đủ tuổi để được hỗ trợ 100% (80 tuổi)”; Người cao tuổi, đặc biệt là những người nghèo là hội viên nông dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người sống đơn thân. 

Tỷ lệ lao động nông thôn tham gia BHXH thấp, phần lớn không có lương hưu, phải sống nhờ vào con cháu; làm gia tăng trợ cấp xã hội trong tương lai. 

Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh, đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 như hiện nay làm trầm trọng hơn những thách thức đang gặp phải với công tác Người cao tuổi. 

Các cấp Hội xây dựng kế hoạch tổ chức “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” hàng năm

Từ những tồn tại đó, T.Ư Hội NDVN đã yêu cầu Hội ND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cộng đồng về nội dung, phương thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong giai đoạn 2021-2025, bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. 

Nâng cao nhận thức, góp phần chuyển đổi thái độ hành vi, kỹ năng của hội viên, nông dân về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần nâng cao sức khỏe của hội viên nông dân cao tuổi. 

Vận động nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi về sức khỏe, vật chất, tinh thần, chung tay giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. 

Các cấp Hội xây dựng kế hoạch tổ chức “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” hàng năm tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 

Người cao tuổi được chăm sóc, phục hồi chức năng cả về sức khỏe và tinh thần. (Ảnh: TTXVN)

Phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi. 

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi, chú trọng người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi thuộc diện nghèo không có người phụng dưỡng, người cao tuổi dân tộc thiểu số; ... 

Góp phần đạt được các mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2022-2025 thuộc Quyết định 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ như: Ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm;95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế;… 

Đối tượng thụ hưởng là cán bộ cơ sở Hội các cấp; hội viên, nông dân cao tuổi, gia đình có người cao tuổi; ưu tiên người có công cách mạng, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. 

Góp phần thực hiện các chỉ tiêu như: Ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế...

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, các cấp Hội  cần thực hiện các công việc sau:  

Biên soạn, in ấn tài liệu tập huấn, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền giáo dục cho cán bộ các cấp về nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để chỉ đạo, thực hiện tại cơ sở. 

Tổ chức các hoạt động tập huấn, hội nghị truyền thông cho hội viên, nông dân kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng; vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT đảm bảo An sinh xã hội, thích ứng già hóa dân số. Tổ chức đối thoại với hội viên, nông dân về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 

Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; về việc làm, dạy nghề, đào tạo chuyển đổi nghề phù hợp với người cao tuổi,...

Giới thiệu việc làm cho hội viên, nông dân cao tuổi có nhu cầu và có khả năng lao động; tăng tỷ lệ hội viên, nông dân cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh khi ốm đau, dịch bệnh, được sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng... ưu tiên hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ thí điểm mô hình sinh kế đối với gia đình có người cao tuổi; ưu tiên được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm, tăng thu nhập. 

Động viên, khuyến khích người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm tích cực xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội gắn kết, văn minh; nêu gương sáng, chí bền cho con, cháu noi theo; phát triển phong trào già làng, trưởng bản, người cao tuổi có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để xây dựng làng văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. 

Vận động người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội tại địa phương; tham gia dạy nghề, truyền nghề, xây dựng chuỗi sản xuất các sản phẩm OCOP... 

Trong 5 năm (2021-2025) các cấp Hội góp phần thực hiện chỉ tiêu 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế,. Ảnh Vân Anh

Kế hoạch cũng nêu ra những nhiệm vụ cụ thể để Hội ND các cấp thực hiện, đó là: Trong 5 năm (2021-2025), cán bộ cơ sở Hội của 100% xã/phường/thị trấn có nông dân (mỗi đơn vị có ít nhất 02 cán bộ cơ sở Hội) được nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động về các nội dung Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để chỉ đạo, thực hiện tại cơ sở. 14.814 hội viên, nông dân được phổ biến kiến thức về Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 

Góp phần thực hiện các chỉ tiêu như: Ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế,... 

Ban Xã hội Trung ương Hội NDVN là đơn vị đầu mối tham mưu và trực tiếp triển khai thực hiện Kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, T.Ư Hội NDVN cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp kinh phí để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2025.