Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

75.000 đại biểu tham dự Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024

Anh Kiều - 14:48 15/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng ngày 15/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024. Đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị báo cáo viên Trung ương tại điểm cầu tại Trung ương Hội NDVN, . Ảnh: Trần Quảng

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp từ điểm cầu chính trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương, kết hợp trực tuyến đến 2020 điểm cầu trên cả nước với gần 75.000 đại biểu tham dự, trong đó có 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương, 57 điểm cầu các tỉnh, 647 điểm cầu cấp huyện và 1313 điểm cầu ở cấp xã.

Tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham gia hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN: đồng chí Phan Như Nguyện, Ủy viên dự khuyết T.Ư đảng; đồng chí Phạm Tiến Nam, đồng chí Đinh Khắc Đính, đồng chí Bùi Thị Thơm, đồng chí Nguyễn Xuân Định,; cùng toàn thể cán bộ, đảng viên cơ quan Trung ương Hội NDVN.

10 điểm nổi bật của nền kinh tế- xã hội

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin chuyên đề: “Tình hình kinh tế- xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội những tháng cuối năm 2024”.

Báo cáo chuyên đề nêu rõ: Tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố, diễn biến mới phát sinh, vượt ngoài khả năng dự báo; Thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu tiếp tục biến động mạnh; đồng tiền của nhiều quốc gia, như Nhật Bản, Hàn Quốc… mất giá mạnh, thấp nhất trong nhiều năm so với đồng USD; An ninh mạng, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu… ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại nặng nề tại nhiều quốc gia.

Trước những khó khăn, thách thức, biến động khó lường từ bên ngoài, nhờ các bài học kinh nghiệm quý rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành những năm gần đây, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta đã chủ động tập trung ứng phó, thích ứng nhanh, hiệu quả, “từ sớm, từ xa” với những biến động từ bên ngoài, nhất là của thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu, nguồn cung, giá cả hàng hóa, xăng dầu thế giới…

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, khái quát thành 10 điểm nổi bật. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai quyết liệt, với tinh thần cải cách, phát triển trong từng bộ, ngành, địa phương, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn, trong đó Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời gian có hiệu lực ban đầu.

Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, đạt nhiều kết quả rõ nét, trong đó dự án đường dây 500kV mạch 3 trở thành hình mẫu điển hình trong tổ chức thi công, thực hiện các dự án đầu tư công. Nhiều công trình đưa vào khai thác, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các vùng, cả nước và địa phương.

Tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4%.

Chính phủ đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Tính đến hết tháng 7/2024, 63/63 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch, 60/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên, trong đó cải cách chính sách tiền lương được tập trung triển khai; đã hoàn thiện các quy định để nâng mức lương cơ sở cho khu vực công, lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm phát triển. Đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất và toàn diện hơn, có dấu ấn nổi bật, cụ thể hóa thành các dự án cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá.

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm: khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới 3 động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyền truyền trọng tâm

Điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị báo cáo viên Trung ương

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu nghe thông tin chuyên đề: “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới," do ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ trình bày.

Về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay, Đảng và nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Đồng bào các tôn giáo có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo thời gian gần đây còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. 

Phát biểu kết luận hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo cáo viên tại các cơ quan Trung ương và địa phương tập trung hai chuyên đề, trong đó nhấn mạnh tuyên truyền làm nổi bật các chỉ tiêu kinh tế- xã hội những tháng đầu năm, phát triển kinh tế vĩ mô, chú trọng các lĩnh văn hoá- xã hội, đẩy mạnh an ninh quốc phòng…

Bên cạnh đó nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai, tuyên truyền những cách làm mới có hiệu quả… Tích cực tuyên truyền sâu rộng về công tác phòng, chống tham nhũng. Các tuyền truyền viên cần bám sát vào Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới để tuyên truyền... Đặc biệt là tuyên truyền tấm gương đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, trong sáng, liêm khiết, cách làm tận tuỵ, khoa học, sâu sắc, nhưng tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về xây dựng Đảng...

Ngoài ra, tập trung tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Trong đó chú trọng tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024); tuyên truyền kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024)…

 

Đề xuất áp thuế VAT 5% với phân bón: Nông dân có chịu thiệt?
Hiện vẫn còn quan điểm khác nhau trước đề xuất đưa phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất VAT 5%.