Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân Bến Tre mở nhiều lớp đào tạo nghề cho nông dân

Kiều Mai - 07:14 28/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm giúp hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã mở nhiều lớp đào tạo nghề, hướng nghiệp cho hàng nghìn hội viên, nông dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Nhờ được học nghề bài bản mà đã có nhiều hội viên, nông dân tiêu biểu, xuất sắc trở thành “Nông dân tỷ phú”.

Hội viên nông dân xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam) học kỹ thuật đan đát và đan ghế nhựa giả mây.

Nhiều lớp tập huấn đào tạo nghề được Hội triển khai trong năm 2022

Vừa qua, Ủy ban nhân dân xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam) đã phối hợp Hội Nông dân xã tổ chức dạy nghề cho 42 học viên là hội viên, nông dân ở 2 ấp Tân Hòa A và Tân Phú Đông B, xã Minh Đức tham gia lớp học kỹ thuật đan đát và đan ghế nhựa giả mây.

Tại lớp học, các học viên được hướng dẫn các quy trình đan đát, đan ghế nhựa giả mây; hướng dẫn kết các kiểu hoa văn, đan các loại sản phẩm thủ công đơn giản, đảm bảo tính kỹ thuật và mỹ thuật, đẹp mắt, phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay.

Khóa học này sẽ là tiền đề để mở rộng quy mô, số lượng cơ sở sản xuất trên địa bàn xã, hướng tới xây dựng mô hình tổ, nhóm sản xuất tập thể, mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ công nghiệp để nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân.

Thông qua dự án  “Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bến Tre phối hợp với Ban Quản lý Dự án Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các đối tác  như Tổ chức Hợp tác Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), các công ty Eurofins, Yara  tổ chức lớp tập huấn thực hành kỹ thuật lấy mẫu đất, kiểm tra đất và cách sử dụng phân bón đúng cách cho 25 hộ nông dân nòng cốt được lựa chọn tham gia dự án. Tại lớp tập huấn, học viên được các chuyên gia hướng dẫn cách phân tích, đánh giá chất lượng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp và kỹ thuật bón phân của Yara dành cho cây trồng.

 Ông Lê Thanh Tâm, hội viên nông dân ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú – học viên của lớp tập huấn cho hay, ông và các hội viên nông dân cùng tham gia đã tiếp thu được nhiều kiến thức mới, các giải pháp hiệu quả để áp dụng vào vườn bưởi của mình. Đặc biệt là từ việc lấy mẫu đất, kiểm tra đất, phân tích đánh giá đất sẽ giúp bà con nông dân tưới nước, bón phân đúng cách, đúng loại, đúng liều lượng, tiết kiệm được chi phí, từ đó tăng lợi nhuận và thu nhập, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ngoài ra, Dự án còn tổ chức Ngày hội công nghệ trái cây sáng tạo và các hoạt động nghiên cứu, kết nối thị trường nhằm giúp cho việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của hội viên nông dân ngày càng thuận lợi.

Hiện nay, trên địa bàn xã Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày) có 02 chi hội nghề nghiệp (cây giống, hoa kiểng), 03 tổ hợp tác phát triển kinh tế (bưởi da xanh, chăn nuôi dê thịt, nuôi heo sinh sản) và 20 tổ hội nghề nghiệp (chăn nuôi gia cầm, rau màu, cây ăn trái,....) do Hội Nông dân quản lý, với 328 thành viên tham gia. Khi hội viên tham gia vào các tổ liên kết, các tổ hội nghề nghiệp sẽ được hướng dẫn, chuyển giao khoa học công nghệ và các biện pháp sản xuất theo hướng mới, đạt tiêu chuẩn sạch, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có ký kết đảm bảo đầu ra, từ đó giá cả của các sản phẩm nông nghiệp được bán với giá cao hơn, ổn định hơn.

Anh Phạm Hoàng Giang – thành viên của tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ấp Phước Trung, sau 2 năm là thành viên trong tổ cho biết: ‘‘Trước đây khi chưa tham gia vào tổ hợp tác, chưa được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi theo hướng sạch, hướng hữu cơ thì trái bưởi bán ra giá cả bấp bênh, không ổn định, thường bị thương lái ép giá. Tuy nhiên khi tham gia vào tổ và được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch, nhìn chung trái bưởi được các đơn vị thu mua đánh giá cao, bán được giá hơn so với trước đây".

Nhằm giúp hội viên nông dân nâng cao năng lực sản xuất, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quy trình sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời khuyến khích nông dân liên kết, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hỗ trợ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất

Trong những năm qua, Hội Nông dân Bến Tre đã phối hợp với sở, ban, ngành trong tỉnh mở 508 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; liên kết với các công ty, doanh nghiệp, đại lý bán vật tư nông nghiệp bán trả chậm thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm cho hội viên, nông dân ước giá trị mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Hội Nông dân Bến Tre còn tham gia thực hiện một số chương trình, đề án phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của nông dân như: Làm đầu  mối tham gia tổ chức dạy nghề cho hàng ngàn lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng NNPTNT cho vay vốn trên 2.683 tỷ đồng; phối hợp các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí đưa 6 nông dân tham quan học tập mô hình kinh tế nông nghiệp tại Thái Lan.

Phụ nữ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm được đào tạo nghề đan giỏ nhựa để nâng cao thu nhập. Ảnh: tư liệu TTXVN

Hội Nông dân các cấp còn chủ động phối hợp với các ngành triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa; tạo điều kiện cho các hội viên, nông dân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp; triển khai hoạt động hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ nông sản. Hội còn phối hợp với các sở, ngành có liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn lực về con người, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Tư vấn, hỗ trợ thành lập các tổ kiên kết, tổ hợp tác và các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu và tiêu thụ nông sản địa phương.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 32 Chi hội nông dân nghề nghiệp với 855 thành viên, 3.029 Tổ hội nông dân nghề nghiệp với 35.414 thành viên. Đây chính là thế hệ nông dân mới biết học hỏi, tích cực nghiên cứu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Bình Định đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần tăng thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2021-2025, Sở LĐTB&XH và Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân, từng bước hình thành những khu chăn nuôi tập trung, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.