Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

HTX – mô hình hay để nông dân dạy nông dân cùng làm giàu

07:09 05/08/2021 GMT+7

Với mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm nghiệp tổng hợp đã đem lại cho anh Nguyễn Xuân Oanh – Giám đốc Hợp tác xã Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (TT. Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng, 20 – 25 lao động theo mùa vụ với mức thu nhập từ 170 – 200 nghìn đồng/ngày.

Anh Nguyễn Xuân Oanh (bên phải) giới thiệu sản phẩm cao ngựa bạch Phong Thổ với Đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN.

Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp

Để có được thành quả như ngày nay là cả một quá trình dài vừa làm, vừa học hỏi, anh Nguyễn Xuân Oanh cho biết: Trước đây, nhiều hộ gia đình trong thôn được giao đất rừng để trồng và chăm sóc, nhưng do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu nên thu nhập thấp. Được cán bộ Hội Nông dân (ND) các cấp tỉnh Lai Châu tuyên truyền vận động, năm 2014, Hợp tác xã (HTX) Xuân Oanh được thành lập, có 13 thành viên, ai có tiền góp tiền, ai có đất thì góp đất nhưng trong quá trình hoạt động còn nhiều khó khăn, nên có 5 thành viên đã rút. Hiện tại, HTX còn 8 thành viên vẫn đoàn kết, đồng lòng, chung sức và tin tưởng vào người “thuyền trưởng” là anh Nguyễn Xuân Oanh. Ngoài việc trồng và bảo vệ chăm sóc rừng, HTX còn trồng dược liệu, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc.

“Được sự tin tưởng của các thành viên và xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu, nên sau khi HTX được thành lập đã được các cấp chính quyền giao 219ha rừng để trồng, chăm sóc và bảo vệ. Tận dụng tán rừng, tôi thử nghiệm trồng cây thảo dược sa nhân tím với diện tích 8ha, đem lại hiệu quả ngoài mong đợi, hiện nay cây đã cho thu hoạch, có thể thu về khoảng 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, tôi còn trồng thêm giống chuối tây Thái Lan, thu từ 3 – 5 tấn chuối, đạt trên 450 triệu đồng/năm; các loại cây ăn quả khác như thanh long, mít, bưởi… cũng thu lãi 150 triệu đồng/năm” – anh Oanh chia sẻ.

Không chỉ có vậy, anh Oanh còn đầu tư chăn nuôi đại gia súc. Hệ thống khu chuồng trại được xây dựng khang trang, đặc biệt khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng được anh hết sức chú trọng, anh đầu tư xây dựng hầm Biogas liên hoàn vừa tận dụng chất thải làm chất đốt, phân bón vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thời gian đầu anh nuôi trâu và bò thịt nhưng do địa hình của tỉnh khó tiếp cận nên không có thương lái đến mua, đầu ra khó khăn và thường xuyên bị ép giá. Anh Oanh lại tiếp tục tìm hướng đi mới. Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, anh mạnh dạn đầu tư nuôi ngựa bạch nấu cao và đến nay cũng được hơn 3 năm. Với mô hình này, theo anh mặc dù nguồn vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thu lại cao và có nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng. Hiện HTX đã hình thành việc sản xuất theo chuỗi từ việc nhân giống đến khâu chế biến ra thành phẩm là cao ngựa bạch Phong Thổ. Tổng đàn ngựa bạch có khoảng hơn 20 con. Mỗi năm, có thể xuất ra thị trường 60kg cao xương ngựa bạch, doanh thu đạt 900 triệu đồng. Trên thực tế lượng cao ngựa vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm đưa ra thị trường vẫn còn hạn chế do tổng đàn còn ít, chưa đầu tư với quy mô lớn.

Ông Mùa A Trừ – Chủ tịch Hội ND tỉnh Lai Châu cho biết thêm: Từ khi HTX Xuân Oanh được thành lập, Hội ND đã tạo điều kiện để hội viên Nguyễn Xuân Oanh được tham các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tham quan học tập mô hình phát triển kinh tế, và đặc biệt cho vay vốn từ nguồn Quỹ HTND để HTX tập trung nuôi trâu và ngựa bạch. Hiện nay sản phẩm cao ngựa bạch Phong Thổ đã đăng ký được sản phẩm OCOP. Đây là được coi là mô hình điểm về hoạt động chăn nuôi bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả, đặc biệt là mô hình hay để ND dạy ND làm giàu. Hiện nay, việc giao đất rừng theo năm chưa được giao lâu dài nên HTX cũng vẫn còn những băn khoăn và mong muốn được giao 50 năm để có hướng tiếp tục đầu tư và yên tâm phát triển sản xuất.

Đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN thăm vườn táo đại của HTX Xuân Oanh.

Chi hội nghề nghiệp – giúp ND thoát nghèo

Theo anh Nguyễn Xuân Oanh chia sẻ, mặc dù HTX đã có được kết quả nhất định tuy nhiên vẫn còn những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến doanh thu và mở rộng quy mô như tiếp cận khoa học công nghệ mới, chi phí vận chuyển tốn kém do địa hình vùng núi xa xôi; nguồn lực tài chính ít và đầu ra cho các sản phẩm nông sản. Chính vì vậy, HTX cũng chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ đáp ứng cho nhu cầu trên địa bàn của tỉnh, chưa đủ nguồn hàng cung cấp ra thị trường lớn hơn. Mong muốn được hỗ trợ sản xuất theo vùng hàng hóa để có điều kiện phát triển.

Trong thời gian tới, HTX sẽ thành lập 2 chi hội nghề nghiệp, Chi hội chăn nuôi sẽ kết nạp thêm thành viên để tạo thêm tiềm lực, mở rộng quy mô phát triển mạnh hơn nữa. Chi hội trồng trọt gồm những hộ ND đã tham gia trồng táo đại trước đây. Được biết, mô hình trồng táo đại do Nhà nước hỗ trợ, giao cho Viện Rau củ quả trực tiếp xây dựng, hướng dẫn kỹ thuật và bàn giao sau 1 năm hình thành. Trong thời gian đầu, cây táo đại cho năng suất rất cao, hy vọng đem lại nguồn sinh kế cho bà con. Nhưng sau khi bàn giao, bà con lại canh tác theo cách riêng của mình nên cây táo bị thoái hóa, mất mùa. Chính vì vậy UBND TT. Phong Thổ đã giao cho anh Oanh phụ trách liên kết với các hộ ND để phục hồi lại vườn táo rộng 3ha. Kết hợp với việc khôi phục vườn táo, chi hội sẽ trồng thêm rau sạch phục vụ cho nhu cầu tại chỗ của người dân và trên địa bàn tỉnh.

Ông Teo Văn Kho – Chủ tịch Hội ND huyện Phong Thổ cũng cho biết: Đây là một trong những mô hình được UBND huyện chỉ đạo làm điểm về phát triển mô hình kinh tế tổng hợp và bảo vệ rừng. Trong thời gian tới, Hội ND huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX thành lập chi hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu thương phẩm và Chi hội trồng trọt để góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, giúp ND thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trong chuyến thăm và làm việc với Hội ND tỉnh Lai Châu, khi đến thăm HTX Xuân Oanh, ông Đinh Khắc Đính –

Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN cho rằng: HTX đã có bước phát triển đúng hướng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Lai Châu là một tỉnh có 35% diện tích rừng so với diện tích tự nhiên, trong khi đất nông nghiệp có 9,28%. Hội ND các cấp đã có những hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là nguồn lực từ Quỹ HTND, tuy nhiên, HTX cần xác định đây chỉ là chất xúc tác để thúc đẩy quá trình tìm nguồn lực phát triển, cái chính là làm sao tiếp tục tuyên truyền vận động để mở rộng thêm các thành viên để tạo nguồn lực và phát huy nội lực của nhóm mình. Nhiều thành viên tham gia thì tập thể sẽ lớn mạnh hơn, nhiều vấn đề sẽ triển khai thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, có thể phát triển đảng viên, có chi bộ trong HTX, hoặc từ mô hình HTX, hình thành chi hội, tổ hội nghề nghiệp theo từng nhóm việc theo đúng tinh thần của Nghị quyết 04 của T.Ư Hội NDVN là chi hội nghề nghiệp “3 trong 1” hoặc “4 trong 1”.

Ngoài hoạt động phát triển kinh tế, anh Nguyễn Xuân Oanh còn nhiệt tình hưởng ứng các phong trào do địa phương cũng như Hội ND phát động như: Xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ các hộ nghèo có việc làm ổn định, ủng hộ Quỹ do địa phương phát động… Nhờ những việc làm thiết thực, hiệu quả và tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành như Liên minh HTX Việt Nam, Bộ NN&PTNT; Hội ND và UBND tỉnh Lai Châu, …

Bài, ảnh: Lương Thuỷ