Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hưng Yên chú trọng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Ngọc Hà - 15:58 29/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh và khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đã xây dựng được hơn 180 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 3.790ha...

Giá trị sản xuất đạt 230 triệu đồng/ha canh tác
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên tiếp tục có những chuyển biến tích cực theo hướng nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị, hiệu quả và an toàn và chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong hai năm 2021-2022, tỉnh đã hỗ trợ nông dân khoảng 4,3 tỷ đồng mua máy móc, nông cụ, góp phần đưa khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch lúa đạt 95,9%, cấy bằng máy 880ha.
Ngành Trồng trọt của tỉnh tập trung chuyển sang sản xuất theo hướng chất lượng cao. Đến nay đã có hơn 3.100ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ; chuyển đổi 1.238ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nâng tổng số diện tích đã chuyển đổi lên gần 19 nghìn héc ta, đưa diện tích nhiều loại cây trồng có giá trị thu nhập cao tăng nhanh nhất là: Cây nhãn đạt khoảng 5.000ha, vải hơn 1.100ha, cây có múi hơn 4.600ha; diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 70,1%. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2022 đạt 230 triệu đồng.

Thu hoạch nhãn tại hộ nông dân Nguyễn Thị Thương, thành viên HTX nhãn lồng Miền Thiết (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu).
Nhiều mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa. Ngành Chăn nuôi, thủy sản chuyển sang sản xuất an toàn sinh học chiếm tỷ lệ ngày càng cao, hơn 52% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trong đó, nuôi thủy sản chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang nuôi theo tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp. 
Theo ông Lưu Quang Phúc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Khoái Châu: Xác định kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX có vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM bền vững tại địa phương, những năm qua, huyện luôn chú trọng thực hiện các giải pháp phát triển mô hình kinh tế HTX. Đến nay, huyện đã thành lập được 1 liên hiệp HTX; có 88 HTX, 150 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX, tổ hợp tác đã xây dựng và duy trì 30 liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giúp các thành viên, hộ nông dân tham gia liên kết phát triển sản xuất, từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung quy mô lớn.
Thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, đến nay toàn tỉnh có 199 sản phẩm OCOP, trong đó có 157 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 42 sản phẩm 4 sao. Chương trình OCOP đã giúp nông dân trong tỉnh từng bước chuyển đổi sang sản xuất theo VietGAP, theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp. Chương trình đã góp phần thúc đẩy hình thành 180 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoạt động có hiệu quả.
Tăng cường liên kết sản xuất cây trồng chủ lực theo chuỗi giá trị
Hiện nay toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 4,8 nghìn héc-ta trồng nhãn - cây trồng đặc sản chủ lực của địa phương. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ để người trồng nhãn yên tâm sản xuất như: Đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; mở rộng vùng trồng nhãn an toàn theo quy trình VietGAP, OTAS; phát triển, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động sản xuất theo chuỗi của các HTX, tổ hợp tác… Đến nay, toàn tỉnh có 1,5 nghìn hécta trồng nhãn được chứng nhận VietGAP, 19 vùng trồng được cấp mã vùng xuất khẩu OTAS. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập các HTX, THT, góp phần liên kết người trồng nhãn, xây dựng vùng trồng nhãn tập trung, thuận lợi cho quá trình chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhiều HTX, THT đã phát huy hiệu quả liên kết sản xuất, tiêu thụ nhãn như: HTX nhãn Miền Thiết (Khoái Châu); HTX nhãn lồng Nễ Châu, HTX nhãn lồng Tiên Châu (TP. Hưng Yên)…
Ông Nguyễn Quang Điện, Giám đốc HTX nhãn lồng Tiên Châu (xã Hồng Nam - địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của TP. Hưng Yên) cho biết: “HTX xác định, áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng, cạnh tranh đáp ứng nhu cầu khách hàng. Vì vậy, HTX đã áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP,  thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, quá trình thu hoạch… Đến nay, diện tích sản xuất của HTX đạt 24 héc-ta, 100% diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, OTAS. Nhờ áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất nên việc sản xuất của HTX đã chủ động hơn, năng suất tăng gấp 2 lần so với sản xuất truyền thống”. 

Một hộ gia đình trồng cây ăn quả được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ).


Huyện Tiên Lữ hiện có hơn 950 héc-ta cây ăn quả trồng tập trung ở các xã: Nhật Tân, Hưng Đạo, Thủ Sỹ... mỗi năm cho thu hoạch hàng nghìn tấn quả, trong đó có trên 150 héc-ta diện tích cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đã có nhiều kỹ thuật mới được các phòng, ban chuyên môn của huyện nghiên cứu, áp dụng thành công để thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả như: Công nghệ chiết, ghép mắt và ghép đoạn cành nhằm tăng hệ số nhân giống và cải tạo giống trên cây ăn quả các loại; sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt; sử dụng chế phẩm nano bạc để phòng, trừ sâu bệnh trên cây nhãn; quy hoạch vùng trồng khoa học để thuận lợi chăm sóc và thu hoạch… bước đầu mang lại hiệu quả cao. 
Ông Đào Duy Nhất, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Duy Nhất (xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ) chia sẻ: “HTX đang có hơn 14 héc-ta trồng cây có múi như cam, bưởi được áp dụng sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGAP, giúp cho cây ít sâu bệnh hơn, mẫu mã quả đẹp, to hơn và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh thu trung bình của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng”.