Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hưng Yên ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

22:40 26/07/2019 GMT+7

Để Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu và thực chất, tỉnh Hưng Yên đã có những nỗ lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo “đường băng” thu hút đầu tư vào nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tạp chí Nông Thôn Mới có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Tuân – Giám đốc Sở NN&PTNT để tìm hiểu về vấn đề này.

Thưa ông, ông có thể chia sẻ những trọng tâm và thành quả nổi bật của Hưng Yên khi triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm vừa qua?

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10.6.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và các văn bản hướng dẫn của Bộ NNPTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên ban hành: Quyết định số 1854/QĐ-UBND ngày 12.11.2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để tổ chức thực hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành khá nhiều cơ chế, chính sách thông qua 06 quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 50 chương trình, đề án, dự án, kế hoạch khác nhau, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo cơ chế, nguồn lực và các điều kiện đảm bảo để thúc đẩy thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Vườn nhãn VietGAP tại huyện Khoái Châu. Ảnh : I.T

Sau gần 5 năm triển khai Đề án, nông nghiệp của Hưng Yên đã có những bước chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2014-2018 đạt 2,54%/năm (trong đó, năm 2018 đạt 3,5%). Cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 15,7%, thủy sản tăng 25,86%, dịch vụ tăng 9,6% so với năm 2013; giá trị thu được trên 1ha canh tác tăng từ 106,82 triệu đồng/ha (năm 2013) lên 192 triệu đồng/ha (năm 2018); tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng từ 34,12 triệu đồng năm 2013 lên 54 triệu đồng năm 2018.

Trong trồng trọt, tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 57,6% năm 2014 lên 64,8% năm 2018; toàn tỉnh chuyển đổi được 12.200ha đất canh tác lúa hiệu quả kém sang trồng cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn 5-7 lần so với trồng lúa; xây dựng được 365 mô hình cánh đồng lớn, 430ha sản xuất VietGAP cho rau, cây ăn quả; nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và dịch bệnh được đưa vào sản xuất. Diện tích cây ăn quả hiện đạt 10.494,65ha; trong đó: Nhãn đạt 4.340ha, vải 950ha, chuối 2.158,73ha, cây có múi 2.558,5ha.

Sản xuất rau màu đạt 12.725,34ha, tăng 16,48% (1.801ha) so năm 2013, sản lượng đạt trên 288 nghìn tấn (trong đó có khoảng 50ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; thu nhập trung bình 120-150 triệu/ha/năm, cá biệt đối với vùng trồng rau gia vị có thời điểm đạt 50 triệu/sào/vụ, tương đương khoảng 1,4 tỷ đồng/ha). Diện tích trồng hoa, cây cảnh các loại đạt 1.729,6ha cho giá trị kinh tế cao (trên 1 tỷ/ha/năm), như HTX hoa cây cảnh Xuân Quan, làng nghề hoa cây cảnh Phụng Công, Văn Giang. Cây dược liệu khoảng 780ha mang lại thu nhập cao cho người dân (khoảng 600-700triệu đồng/ha/năm).

Chăn nuôi cũng có bước phát triển toàn diện, từng bước chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,7%/năm; đã xây dựng được 04 vùng GaHP với 1.000 thành viên; đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi, bước đầu ổn định tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm 2018, tổng đàn lợn đạt 590.835 con, đàn gia cầm 8,93 triệu con; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 146.700 tấn, tăng 16,8% so với năm 2013. Giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5.686 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2013.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định theo hướng đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo Hợp tác xã, doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu rủi ro; phát triển công nghệ “nuôi cá sông trong ao nước tĩnh” và nuôi cá lồng bè trên sông với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như chép lai V1, cá lăng, cá diêu hồng, trắm đen. Năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đạt 5.650 ha, tăng khoảng 29,5% (1.265ha) so với năm 2013; sản lượng tăng từ 31.704 tấn năm 2014 lên khoảng 41,400 tấn năm 2018, tăng 36,1% so với năm 2013.

Để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh có chính sách gì nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thưa ông?

Nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ngoài tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách Trung ương, tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như: Nghị quyết số 49/2016/NQ-HĐND ngày 06.10.2016 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 08.12.2017 về khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp, hàng hóa theo quy mô lớn; Quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 08.3.2019 ban hành các ngành hàng, sản phẩm khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên…

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhiều quy trình sản xuất tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như: Chọn tạo thành công giống lúa Nếp Thơm Hưng Yên (được Bộ NNPTNT công nhận là giống quốc gia), là giống lúa chủ lực đưa vào sản xuất đại trà trên địa bàn tỉnh; bình tuyển lựa chọn được 28 cây nhãn, 01 cây vải đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng, 21 cây nhãn đạt tiêu chuẩn cây nhân giống cung cấp nguồn giống tốt để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất nhãn của nông dân trong và ngoài tỉnh.

Nhân viên chăm sóc các khu trồng rau của Công ty CP rau, củ, quả Nhật Việt. Ảnh : T.Đ

Hưng Yên cũng đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, cải tạo đất, phòng trừ dịch hại cho các loại cây trồng, vật nuôi như: Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng thử nghiệm các loại phân bón công nghệ nano Bạc, nano Đồng để phun trên cây nhãn nhằm hạn chế nấm bệnh, nâng cao mẫu mã chất lượng sản phẩm; ứng dụng công nghệ tưới phun tự động, tưới tiết kiệm nước, đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính trong sản xuất rau màu, hoa, cây cảnh; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thụ tinh nhân tạo giống bò, giống gà Đông Tảo; xử lý chất thải trong chăn nuôi… Áp dụng bước đầu có hiệu quả công nghệ “nuôi cá sông trong ao nước tĩnh”.

Chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Hiện nay, khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 95,6%, cơ giới hóa trong chăn nuôi lợn ở khâu nước uống đạt 73,5%… Đặc biệt, năm 2017, tỉnh đã cho thành lập Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên với nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng và vật nuôi; chọn tạo, khảo nghiệm, lưu giữ, bảo tồn giống cây trồng nông nghiệp và tuyển chọn, phục tráng, nuôi giữ giống gốc gia cầm, giống gốc lợn, bò ngoại cấp ông, bà; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cung ứng giống cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên có những ưu tiên nào để phát triển những vùng nông sản thế mạnh và xây dựng vùng sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao?

Trước tiên, tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông nghiệp, cũng như các quy hoạch lĩnh vực đã được duyệt. Trong đó, tỉnh định hướng những vùng, sản phẩm thế mạnh, vùng sản xuất tập trung của tỉnh để đầu tư nguồn lực phát triển; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất của các vùng này nói riêng, phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung thông qua các cơ chế chính sách như: Chính sách tích tụ tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn (Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 08.12.2017 của HĐND tỉnh Hưng Yên); ban hành các ngành hàng, danh mục sản phẩm khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm (Quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 08.3.2019); Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa năm 2018 đến năm 2020 (Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 05.3.2018), Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018-2020, định hướng 2025; Danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (đã trình HĐND tỉnh ngày 09.7.2019)…

Từ đó, tỉnh tập trung phát triển một số nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Nhãn tập trung ở một số xã của huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động và tp. Hưng Yên, cây có múi tập trung ở huyện Văn Giang, Khoái Châu, Văn Lâm, Yên Mỹ… vải tập trung ở huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Hưng Yên, chuối Tiêu Hồng tập trung ở Khoái Châu, Kim Động, tp. Hưng Yên, sản phẩm hoa cây cảnh tập trung ở Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, tp. Hưng Yên, gà Đông Tảo tập trung ở Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ…

Tới nay, Hưng Yên đã có một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, vấn đề xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?

Để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh, Ngành NN&PTNT đã chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về XTTM, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Trung ương, cũng như của tỉnh; tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản với các tỉnh và TP. Hà Nội. Qua các hội nghị, các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm được đối tác tại Hà Nội và các tỉnh trên địa bàn toàn quốc để hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Từ đó, đã hình thành và phát triển các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như: Liên kết sản phẩm rau của xã Trung Nghĩa với Công ty THG (Hà Nội); Sản xuất lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Đạo huyện Tiên Lữ với Công ty Cổ phần giống Thái Bình; Tiêu thụ sản phẩm cá với bếp ăn tập thể của Công ty Cổ phần Đay và May Hưng Yên; Công ty TNHH và Thương mại Thái Sơn, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam; liên kết sản xuất nhãn của HTX nhãn lồng Nễ Châu với Hệ thống siêu thị BigC…

Đến nay, tỉnh đã xây dựng và được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận được 12 nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho các nông sản có thế mạnh của tỉnh như: nhãn lồng, tương bần, quất cảnh Văn Giang, chuối tiêu hồng Khoái Châu, gà Đông Tảo, vải lai chín sớm Phù Cừ, Mật ong hoa nhãn Hưng Yên, cam Quảng Châu, Rượu Lạc Đạo, Rươụ Trương Xá, nghệ Chí Tân, cam Văn Giang; đã tổ chức xuất khẩu (thăm dò thị trường) sản phẩm nhãn sang thị trường Mỹ, xuất khẩu sản phẩm chuối sang thị trường Trung Quốc, Nga, xuất khẩu tinh bột nghệ sang Nhật Bản.

Nhãn lồng Hưng Yên đã được cấp chỉ dẫn địa lý hàng hóa, gồm 04 vùng: Thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Tiên Lữ, huyện Kim Động. Việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý không chỉ có ý nghĩa với địa phương, doanh nghiệp, với các hộ nông dân trồng nhãn, mà còn có ý nghĩa thiết thực với chính những người dân, người tiêu dùng và các nước nhập khẩu nhãn.

Trong 2 năm 2017-2018, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ tem xác thực ứng dụng Quy trình chống hàng giả số lượng 1.185.000 chiếc cho các sản phẩm (Rau, củ, quả, thịt cá…) đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp đã được tỉnh Hưng Yên triển khai từ nhiều năm nay, xin ông cho biết đến nay quá trình này đạt hiệu quả như thế nào?

Hiện, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong tỉnh xây dựng được 80 mô hình HTX liên kết sản xuất có hiệu quả, trong đó HTX và THT làm nòng cốt, điển hình như: HTX dịch vụ nông nghiệp xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ liên kếtvới siêu thị Co.opmart, siêu thị BigC, công ty VinECo… tiêu thụ toàn bộ sảnphẩm rau, củ, quả của các thành viên HTX. HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú liên kết với công ty sao Thái Dương, công ty dược phẩm Hà Nam… tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cây dược diệu của các hộ thành viên và hộ nông dân trong xã.

HTX TMDV sản xuất nghệ Đại Hưng liên kết Công ty Hoàng Minh Châu tiêu thụ sản phẩm nghệ của các thành viên. HTX Nuôi trồng Thủy sản xã Hạ Lễ (huyện Ân Thi); HTX Thủy sản Hưng Phát (huyện Phù Cừ) liên kết với Công ty TNHH Cá sạch Việt Nam, Hà Nội, tiêu thụ mỗi ngày khoảng 10 tấn cá thương phẩm; HTX Thủy sản Hòa Phong (huyện Mỹ Hào) liên kết với Công ty An Việt tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên…

Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân yên tâm với sản xuất, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng cao, lợi nhuận tăng 10-20%, chi phí trung gian giảm 5-7%. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị sản phẩm được sản xuất, chế biến tiêu thụ qua hợp đồng vẫn còn hạn chế, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bình Châu (thực hiện)