Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Huyện Nghi Xuân đẩy mạnh liên kết phát triển bền vững sản phẩm OCOP

Bùi Ánh - 08:19 17/12/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau thời gian triển khai Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), đến nay, trên địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã có 33 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Trong đó có 2 sản phẩm OCOP 4 sao và 31 sản phẩm OCOP 3 sao.

Hiện nay, huyện Nghi Xuân đang tập trung phát triển đúng mục tiêu, định hướng, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất. Trọng tâm của chương trình này là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, mà chủ thể là do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Sản phẩm Đông trùng hạ thảo Phú Nhân đạt chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Nghi Xuân. Ảnh: ĐĐ

Trong số các sản phẩm OCOP có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biểu như: Đông Trùng hạ thảo Phú Nhân (thị trấn Xuân An), tôm nõn của HTX Hoa Linh Chi (xã Cương Gián), là 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; Giò Hiên Bình, xúc xích Hiên Bình (xã Xuân Giang), dưa lưới Ngọc Khuê (xã Xuân Viên), dưa hồng muối Nga Thông (xã Xuân Mỹ), rau sạch An Tâm (xã Xuân Hải), bánh chưng xanh Hoàng Gia (xã Xuân Phổ),... đều đạt chuẩn 3 sao.

Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Nghi Xuân không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đồng thời, tạo vùng liên kết sản xuất, kích cầu vì sự phát triển chung của địa phương. Để nhìn nhận rõ hơn về điều này, có thể điểm qua sản phẩm tôm nõn của HTX Hoa Linh Chi để giải mã cho vấn đề này.

Quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Ảnh: ĐĐ

Từ một vùng đất ven biển, có lợi thế về đánh bắt cũng như nuôi trồng con tôm, chị Phạm Thị Hoa đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc để xây dựng cơ ngơi trên hành trình dám nghĩ dám làm của mình. Cũng từ đây, nguồn lợi hải sản sau khi đánh bắt về của ngư dân địa phương được HTX thu mua với giá ổn định, đều đặn nên các ngư dân an tâm sau mỗi chuyến ra khơi không còn phụ thuộc cảnh chờ thương lái đến mua.

Ông Nguyễn Văn Minh, ngư dân ở xã Cương Gián cho hay: “Từ khi có HTX Hoa Linh Chi, chúng tôi đánh bắt được bao nhiêu đều được cơ sở thu mua bấy nhiêu, giá cả ổn định nên chúng tôi yên tâm ra khơi bám biển hơn”.

Sản phẩm dưa lưới Nga Hải đạt chuẩn 3 sao. Ảnh: ĐĐ

Hiện nay, HTX Hoa Linh Chi không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho cơ sở mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.

Ngoài sản phẩm tôm nõn đạt chuẩn 4 sao, HTX Hoa Linh Chi còn có sản phẩm cá ngần và mực khô cũng đạt chuẩn OCOP. Nhờ phát triển sản phẩm chú trọng vào chất lượng, mẫu mã đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho HTX và chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, đây cũng là những sản phẩm góp phần đưa xã Cương Gián nói riêng và huyện Nghi Xuân nói chung xây dựng chuỗi sản phẩm hàng hóa thủy sản ngày càng phong phú và chất lượng.

Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Nghi Xuân thực sự đã trở thành phong trào sâu rộng và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của huyện dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại, chất lượng, giá trị, thu nhập ngày càng cao góp phần đưa diện mạo nông thôn tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao toàn huyện.

Chả cá sông Lam đẹp mẫu mã, ngon chất lượng. Ảnh: ĐĐ

Qua trao đổi, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, 100% các sản phẩm OCOP của huyện Nghi Xuân là đều có ứng dụng chuyển đối số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, cụ thể như: Thiết lập hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc đảm bảo các yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin ở mỗi công đoạn từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến và thương mại sản phẩm. Hơn nữa, hiện nay các chủ cơ sở đã và đang tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm ra thị trường trên cả nước.

Huyện Nghi Xuân được xác định là khu vực giao thoa giữa hai trục phát triển kinh tế - đô thị dọc theo quốc lộ 8B và quốc lộ 1A của tỉnh Hà Tĩnh. Đây sẽ là điểm thuận lợi hàng đầu để Nghi Xuân trở thành một bộ phận quan trọng của chuỗi dịch vụ - thương mại - du lịch kết nối với hầu hết các đô thị lớn của tỉnh Hà Tĩnh và cửa khẩu quốc tế Cầu Treo góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Dựa vào đây, Chương trình OCOP có cơ hội tạo đà bứt phá trong tương lai nhờ điều kiện địa hình, giao thương nổi trội của địa phương.

Nghi Xuân: Dân hiến đất làm đường xây dựng Nông thôn mới
Xác định phát triển cơ sở hạ tầng, là động lực để đưa Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới sớm về đích.  Thời gian qua, nhiều gia đình trên địa bàn xã Xuân Hội (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất. Ngoài