Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khẩn trương phòng dịch Covid-19 mùa Xuân năm 2022

Minh Anh - 16:11 28/02/2022 GMT+7
Mặc dù trong cả nước tỷ lệ tiêm chủng, bao phủ vắc- xin đang tăng lên liên tục, tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến mới. Số ca nhiễm vẫn không ngừng gia tăng. Trước diễn biến này, nhiều tỉnh thành đã gấp rút chuẩn bị kế hoạch phòng dịch mùa Xuân.
Nghệ An thực hiện tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19. 

Địa phương chủ động phòng dịch 

Sau khi thực hiện chủ trương của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” các địa phương đã chủ động lên kế hoạch phòng dịch dựa vào tình hình dịch bệnh cụ thể ở từng địa phương. 

Tại thành phố (TP) Hà Nội cũng đang đẩy nhanh các biện pháp phòng dịch khi mà sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán số ca F0 tăng nhanh. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số người mắc Covid-19, hơn 3 nghìn ca F0/1 ngày (số liệu thông báo hàng ngày của Bộ Y tế). 

Theo bà Trần Thị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố đang thực hiện 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội. 3 biện pháp cụ thể đó là: Tăng cường tiêm vaccine; Cung cấp thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh;  Quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.

Hiện nay, các địa phương trong thành phố đang khẩn trương triển khai tiêm vaccine tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, người có bệnh nền. Đoàn Thanh niên tiếp tục vận động xã hội hóa hỗ trợ hàng trăm bình ô xy cho công tác điều trị.

UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao năng lực quản lý, điều hành công tác phòng, chống dịch; tiếp tục chủ động nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở; chủ động phối hợp với các bệnh viện Trung ương, bệnh viện các bộ, ngành theo phân tuyến của thành phố... bảo đảm phân luồng, phân tầng hợp lý để người dân yên tâm, tập trung điều trị các bệnh nhân ở tầng 1 để hạn chế tối đa số bệnh nhân phải chuyển lên tầng trên; điều trị tích cực đối với bệnh nhân tầng 2, tầng 3 để hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine, tập trung vận động người chưa tiêm tham gia tiêm đầy đủ để hạn chế người mắc và chuyển nặng.

“Bên cạnh đó, thời gian này Sở GDĐT cũng có kế hoạch cho học sinh trở lại trường học. TP cũng đang lên kế hoạch để thực hiện công tác phòng chống dịch trong nhà trường. Phương châm là chủ động phòng dịch, không bi quan, tiêu cực quá, nhưng cũng không được lơ là”, bà Hà nói. 
Không riêng gì Hà Nội, nhiều tỉnh thành phố khác trong cả nước cũng đã lên kế hoạch đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 trong mùa xuân. 

Tỉnh Nghệ An cũng là một trong 2 địa phương có số ca nhiễm Covid-19 dẫn đầu cả nước (chỉ xếp sau Hà Nội). Tính đến ngày 10/2/2022 toàn tỉnh có hơn 1.700 ca mắc. Trước tình hình này, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp khẩn để phòng dịch sau Tết. 

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh  Nghệ An yêu cầu các cấp ngành, địa phương trong toàn tỉnh phải tập trung thực hiện các biện pháp tăng cường chống dịch ngay từ ngày đầu tháng. 
Ông Trung cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch và xây dựng kịch bản phù hợp với tình hình; Tập trung quản lí chặt chẽ biến động dân cư; Khôi phục lại hoạt động của Tổ Covid cộng đồng. Đặc biệt là tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân bởi đã xuất hiện sự chủ quan.

“Sở Y tế tập trung đẩy nhanh việc hoàn thành tiêm vaccine theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là ở cấp cơ sở chuẩn bị đầy đủ phương án phòng chống dịch; Kiểm soát lại, tăng tỉ lệ số lượng điều trị F0 tại nhà đối với bệnh nhân nhẹ. Ngành Giáo dục Đào tạo chuẩn bị phương án phòng chống dịch sau kì nghỉ Tết”, ông Trung nói. 

Phòng dịch linh hoạt, thích ứng tình hình mới 

Không riêng gì các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, Chính phủ và trực tiếp là Bộ Y tế luôn cập nhật tình hình 24/24 giờ để có những chỉ đạo kịp thời. 

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong năm 2022, toàn ngành sẽ phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục tiến hành cải cách và đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng...

Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia, đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt trước năm 2023 vì vậy với Việt Nam, công tác phòng chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng. Toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Về chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. 

Trước đó, vào ngày 8/2 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, trong đó có nhấn mạnh công tác phòng dịch trong cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, dự báo đại dịch Covid-19 thời gian tới còn diễn biến phức tạp, khó lường và biến động của tình hình quốc tế, khu vực; đất nước ta sẽ tiếp tục phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức trong khi nguồn lực còn hạn chế, sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp đã bị giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài hai năm qua. Vì thế, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ban ngành tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện thần tốc Chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân năm 2022, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và đạt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Hướng dẫn các cơ sở y tế có phương án thường trực, dự trữ cơ số máu, thuốc, dịch truyền, ôxy y tế, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy… Rà soát, thực hiện tốt chính sách, chế độ đãi ngộ, động viên đội nhân viên y tế và các lực lượng phòng dịch không để ai bị thiệt thòi, bất bình đẳng trong quá trình tham gia phòng, chống dịch. Kịp thời đề xuất tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 để tiếp tục khơi dậy lòng nhiệt huyết, tôn vinh, những người đã cống hiến, hy sinh vì sức khỏe, tính mạng nhân dân. 

“3 biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trọng tâm trong năm 2022:
Thứ nhất, tiếp tục tăng bao phủ vaccine, nhất là với mũi 3 cho những đối tượng trên 18 tuổi; đảm bảo việc tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi.
Thứ hai, vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp về y tế công cộng như 5K, trong đó biện pháp đeo khẩu trang là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19...
Thứ ba, tăng cường năng lực hệ thống y tế nhất là năng lực ứng phó với những ca bệnh diễn biến nhanh, tăng nặng... làm sao đảm bảo đáp ứng mọi tình huống về y tế trong mọi bối cảnh, hoàn cảnh”.
Ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế.