Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khi người Trung Quốc quan tâm tới bảo vệ môi trường nội địa

15:14 12/07/2017 GMT+7

Trung Quốc vừa ngừng kế hoạch xây dựng hơn 100 nhà máy nhiệt điện chạy than mới trong năm nay. Tuy nhiên, theo một dữ liệu mới công bố, các công ty năng lượng của Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa sản lượng điện than sản xuất ra trong thập kỷ tới.

Phá hủy nhà máy nhiệt điện Nam Kinh số 2, ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc (Ảnh Internet)

Giảm trong nước, tăng nước ngoài

Theo số liệu của Urgewald, một tổ chức môi trường có trụ sở ở Berlin, các tập đoàn Trung Quốc đang xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng hơn 700 nhà máy nhiệt điện chạy than mới ở Trung Quốc hoặc tại nhiều nước trên thế giới, nơi gần như không hoặc tiêu thụ rất ít điện than.

Số liệu của Urgewald cũng cho thấy, có tất cả 1.600 nhà máy nhiệt điện chạy than đang được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng tại 62 quốc gia. Các nhà máy mới khi đi vào hoạt động sẽ tăng công suất nhà máy nhiệt điện chạy than trên thế giới lên 43%.

Một loạt các nhà máy mới được xây dựng này sẽ khiến việc đạt được các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu gần như không khả thi. Thỏa thuận này có hiệu lực từ năm 2020, nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

Tại Trung Quốc, mối quan ngại về ô nhiễm môi trường đã thúc đẩy sự chuyển hướng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sang tiêu thụ năng lượng tái tạo. Điều này cũng một phần là do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại trong những năm gần đây và sự chuyển dịch dần từ một nền kinh tế nặng về sản xuất sang nền kinh tế hướng tới tiêu dùng. Do đó, các nhà máy nhiệt điện dùng than trong nước hiện nay đang hoạt động dưới công suất.

Nhưng ở nước ngoài, Trung Quốc đang có chiến lược hoàn toàn khác.

Tập đoàn Shanghai Electric, một trong những nhà sản xuất thiết bị điện lớn nhất Trung Quốc, đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở Ai Cập, Pakistan và Iran với tổng công suất lên tới 6.285 MW, gần gấp 10 lần con số 660 MW mà tập đoàn này lên kế hoạch sản xuất trong nước.

Tổng công ty Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc không có kế hoạch phát triển điện than trong nước nhưng lại đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất lên tới 2.200 MW ở Việt Nam và Malawi. Cả hai công ty trên đều không trả lời yêu cầu bình luận của The New York Times.

Theo dữ liệu Urgewald công bố, trong số 20 tập đoàn, công ty xây dựng nhà máy nhiệt điện than lớn nhất thế giới, có 11 đơn vị đến từ Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng đứng sau kế hoạch mở rộng điện than trên toàn thế giới từ 340.000-386.000 MW.

Ông Kevin P. Gallagher, giáo sư về chính sách phát triển toàn cầu tại Đại học Boston và là chuyên gia về đầu tư năng lượng của Trung Quốc ở nước ngoài, cho biết nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng lớn ở các nước đang phát triển và sự sụt giảm tài trợ cho các dự án nhiệt điện than của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đã mở ra cơ hội lớn cho Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực này.

Theo dữ liệu về đầu tư năng lượng của Trung Quốc công bố năm nay của Đại học Boston, tính từ năm 2000 đến nay, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, đã cho vay hơn 43 tỉ đô la cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài.

Còn theo dữ liệu của Urgewald, ở Ai Cập, các dự án sản xuất nhiệt điện từ than của Shanghai Electric và các doanh nghiệp khác ​​sẽ làm tăng công suất điện than của nước này lên 17.000 MW, từ mức gần như không có gì. Ở Pakistan cũng vậy, công suất điện than của nước này dự kiến sẽ tăng lên 15.300 MW từ con số 190 hiện nay.

Không “đơn độc”

Thực tế, các công ty Trung Quốc không phải là động lực duy nhất “giúp” tăng công suất điện than toàn thế giới.

Mỹ hiện cũng có kế hoạch trở lại thời kỳ điện than. Tuần rồi, Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn dỡ bỏ quy định giới hạn tài trợ cho các dự án than ở nước ngoài. Những chính sách năng lượng mới của ông Trump sẽ tập trung hỗ trợ xuất khẩu năng lượng.

“Chúng đa đã có gần 100 năm sử dụng khí đốt tự nhiên và hơn 250 năm sử dụng than”, ông Trump nói. “Chúng ta sẽ chiếm ưu thế. Chúng ta sẽ xuất khẩu năng lượng Mỹ đi khắp thế giới, trên toàn cầu”.

Tập đoàn AES có trụ sở tại Arlington, bang Virginia đang xây dựng các nhà máy điện than ở Ấn Độ và Philippines với tổng công suất 1.700 MW.

Ở Ấn Độ, tập đoàn National Thermal Power, đơn vị xây dựng các nhà máy nhiệt điện than lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch xây dựng hơn 38.000 MW điện than mới ở Ấn Độ và Bangladesh. Dù vậy, Công ty cũng không bình luận về thông tin này của The New York Times.

Tập đoàn Marubeni của Nhật đang tham gia vào các công ty liên doanh để sản xuất điện than với tổng công suất 5.500 MW tại bốn nước gồm Myanmar, Việt Nam, Philippines và Indonesia. Nhật Bản cũng tăng cường năng lực sản xuất điện than trong nước nhằm bù đắp lượng thiếu hụt do thảm họa hạt nhân Fukushima gây ra. Người phát ngôn của Marubeni đã xác nhận thông tin trên.

Các nhà đầu tư phương Tây cũng tiếp tục đóng vai trò quan trọng rót vốn cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Trái phiếu và cổ phần của các tập đoàn xây dựng nhà máy nhiệt điện than lớn nhất thế giới, như National Thermal Power của Ấn Độ và Marubeni của Nhật Bản, thường có trong danh mục đầu tư của các tổ chức và ngân hàng lớn này.

(Theo The New York Times)