Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khởi nghiệp thành công từ mô hình cây đặc sản

13:32 27/03/2021 GMT+7

Anh Trần Ngọc Thanh là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp BKF (huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) với doanh thu hàng năm trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. HTX có 12 thành viên chính thức và 20 hộ liên kết, sản xuất trên diện tích 50ha chuyên trồng bơ, tiêu, sầu riêng, … Đây là mô hình nông nghiệp tiêu biểu và là gương điển hình cho tuổi trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp tại địa phương.

Anh Trần Ngọc Thanh, Giám đốc HTX BKF bên mô hình trồng bơ theo hướng hữu cơ.

Chàng trai trẻ với khát vọng làm nông nghiệp sạch

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp tại nhiều tỉnh thành có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều dự án khởi nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đã tạo động lực cho nhiều bạn trẻ theo hướng khởi nghiệp nông nghiệp với nhiều mô hình tiêu biểu, mang lại thu nhập cao, nâng tầm nông sản Việt. Theo anh Trần Ngọc Thanh, với mỗi vùng miền trên cả nước, nơi nào cũng có những đặc sản riêng.

“Bởi vậy, đã thôi thúc ý tưởng trong bản thân mỗi thành viên chúng tôi tạo nên điều khác biệt trên chính mảnh vườn của mình thay vì chỉ riêng cây cà phê, cao su, sầu riêng, bơ, mít, macca… được chăm sóc từ các sản phẩm sinh học cho ra chất lượng khác biệt nhất. Một mô hình sản xuất đa canh, đa tầng theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng là hướng đi khát vọng của HTX chúng tôi” anh Thanh chia sẻ.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX luôn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại như: Hệ thống tưới tự động, quản lý sâu bệnh bằng smatphone; ghi chép nhật ký nông vụ. Đồng thời, thực hiện sơ chế đóng gói 1 số sản phẩm sau thu hoạch đã và đang giúp HTX tiết kiệm chi phí đầu tư hơn, bền vững với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại kinh tế cho mỗi thành viên và hộ liên kết trong HTX. Anh Thanh dẫn chứng: Chẳng hạn như đầu tư một hệ thống tưới cho 1ha xen canh giữa sầu riêng, bơ, và hồ tiêu chi phí khoảng 15 triệu. Chi phí tiết kiệm nhân công tưới 1 năm khoảng 5 triệu. Bón phân qua hệ thống tưới giúp tiết kiệm phân bón và nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường hơn đồng thời tiết kiệm chi phí 5 triệu đồng/năm.

Với tiêu chí sản xuất nông sản sạch, HTX chủ động sản xuất phân bón sinh học tận dụng từ chất thải nông nghiệp như: ủ dánh dầu, đạm cá với rỉ mật, làm chitosan từ vỏ tôm cua để tăng đề kháng cây trồng, dùng dung dịch tỏi ớt ngâm IMO để làm thuốc trừ sâu cho cây trồng. Sử dụng vỏ trấu lúa hun, vỏ hạt sachi bón gốc để bổ sung kali cho cây trồng, dung dịch chùm ngây ủ cùng men chuối… giúp nâng cao chất lượng sản phẩm tốt nhất phù hợp với xu thế người tiêu dùng. Tất cả các sản phẩm của HTX BKF đều phải tuân theo quy trình sản xuất theo định hướng hữu cơ để tạo sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường.

Trong năm 2021, HTX đã có kế hoạch thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP cho vùng sản xuất của HTX và đăng ký chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP. Hiện tại HTX đã và đang thực hiện liên kết với các hộ nông dân và người đồng bào Ê đê để tạo ra sản phẩm, truyền đạt cách sản xuất mới bền vững, thu mua sản phẩm giúp các hộ liên kết dần ôn định hơn.

Vườn sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ sai trĩu quả.

Giải pháp phát triển đặc sản địa phương

Theo anh Thanh cho biết: Trong thời gian tới HTX tập trung vào khâu sản xuất để tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng đồng thời từng bước tham gia vào chuỗi liên kết để để xây dựng đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hình ảnh của HTX đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo anh Thanh, những khó khăn, vướng mắc của HTX hiện nay là: Thiếu kiến thức, kỹ thuật, chi phí xây dựng kho xưởng xử lý và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Việc vận chuyển hàng hóa nông sản trái cây lạnh đi các tỉnh thành cũng rất khó khăn, chế biến các phản phẩm gia tăng để tránh thời kỳ cung vượt cầu.

Để tháo gỡ, HTX luôn phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm, tham gia hội chợ, phiên chợ, Festilval, ký kết hợp đồng, áp dụng công nghệ số, xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… để sản phẩm có truy nguyên nguồn gốc đáp ứng nhu cầu lớn trên các thị trường. Đồng thời, HTX luôn rà soát kết nạp các thành viên đủ các điều kiện tham gia, có sự phù hợp về liền vùng, liền khoảnh và tuân thủ quy trình sản xuất. Trong những năm tới HTX sẽ đưa các loại giống cây ăn quả được Bộ và Sở NN&PTNT công nhận vào trồng tại các vườn của các thành viên, trên cơ sở cải tạo các vườn cà phê, hồ tiêu kém hiệu quả thậm chí cải tạo các vườn tạp thành vườn kinh tế.

Anh Thanh cũng nhận định: Để nông sản của HTX nói chung và các loại trái cây đạt chất lượng theo tiêu chuẩn chiếm lĩnh được thị trường thì việc đầu tư cho thiết bị công nghệ chế biến tiên tiến là rất quan trọng. Hiện tại, trên địa bàn đã có khu công nghiệp và có nhà máy chế biến chanh leo cấp đông. Do vậy để nâng cao giá trị nông sản, HTX quan tâm thực hiện việc liên kết với doanh nghiệp chế biến để tăng giá trị sản xuất. HTX chủ trương chọn lọc sản phẩm có chất lượng và trực tiếp hướng dẫn cho người dân sử dụng một cách hiêụ quả và bền vững. Hiện nay, vấn đề tiêu thụ các sản phẩm của người dân vẫn còn nhiều bất cập như giá cả, thị trường tiêu thụ các sản phẩm không ổn định, thiếu sự liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Bà Vũ Thị Xuân, Trưởng Ban Kinh tế – Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thực phẩm sạch, an toàn ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm và lựa chọn để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, nhất là trước thực trạng thực phẩm bẩn, thiếu an toàn đang tràn lan trên thị trường hiện nay. Nắm bắt xu thế này, nhiều thanh niên ở Đắk Lắk đã mạnh dạn lựa chọn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn làm hướng đi để khởi nghiệp. Qua đó, góp phần tạo thu nhập, cải thiện kinh tế cho bản thân, đồng thời, dần làm thay đổi cách suy nghĩ và lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch của người dân, HTX BKF là gương điển hình cho các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp đặc sản của địa phương.

HTX luôn phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm, tham gia các hội chợ, phiên chợ, Festilval, ký kết hợp đồng, áp dụng công nghệ số, xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… để sản phẩm có truy nguyên nguồn gốc đáp ứng nhu cầu lớn trên các thị trường.

Vân Nguyễn