Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lai Châu tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn

16:48 04/09/2020 GMT+7
Là tỉnh miền núi, biên giới còn rất nhiều khó khăn nhưng khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) Lai Châu đã nỗ lực đưa ra các giải pháp phù hợp. Vừa tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đồng thời huy động nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ

Là tỉnh miền núi, biên giới còn rất nhiều khó khăn nhưng khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) Lai Châu đã nỗ lực đưa ra các giải pháp phù hợp. Vừa tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đồng thời huy động nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.

Với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số… từ bao đời cái khó, cái nghèo bủa vây. Khi triển khai xây dựng NTM, tỉnh Lai Châu xác định đây là cơ hội để đẩy lui cái đói, cái nghèo. Cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng bản, làng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong hành trình 10 năm thực hiện xây dựng NTM, những thành quả đạt được đã cho thấy những khát vọng đang thành hiện thực.

Triển vọng từ hiệu quả sản xuất

Nhận định về những thành tựu trong xây dựng NTM, ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, sau gần 10 năm xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân các vùng nông thôn trong tỉnh Lai Châu đã được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 16 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,74% năm 2011 xuống còn 20,12% năm 2019. Hiện nay, toàn tỉnh có 36/96 xã đạt chuẩn NTM và bình quân đạt 14,8 tiêu chí/xã. Có được kết quả tốt này, một phần là toàn tỉnh đã tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để có cây trồng giá trị kinh tế cao, quy mô hàng hóa tập trung chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Đến nay, tỉnh đã triển khai được 3.021ha cánh đồng lúa gạo chất lượng cao sản xuất tập trung; hơn 6.000ha cây ăn quả, trong đó cây chuối là trên 3.300ha ở huyện Phong Thổ, cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận) 650ha tập trung tại Tam Đường, Sìn Hồ… Tổng diện tích chè trên địa bàn toàn tỉnh là 6.996ha; cây dược liệu là 8.000ha, một số loại cây dược liệu qúy được người dân bảo tồn, phát triển như Sâm Lai Châu, Đương quy…

Tại huyện Mường Tè, để tháo gỡ những khó khăn, thực hiện thành công xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện tăng cường chỉ đạo Ban Chỉ đạo các xã thực hiện phương châm “2 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng đồng bào) để tuyên truyền sâu, rộng mục đích, ý nghĩa, vận động bà con góp sức để quá trình xây dựng NTM đạt kết quả.

Những vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Lai Châu.

Vừa đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về NTM, huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Huyện đã lồng ghép triển khai hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ như 30a, 135; tích cực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đưa các loại giống lúa có chất lượng vào sản xuất như: PC6, DS1, Thiên ưu 8,… Diện tích đất sản xuất không ngừng mở rộng, thâm canh tăng vụ với sản lượng lương thực đạt 17.500 tấn/năm. Nhiều loại cây công nghiệp, dược liệu như: mắc ca, quế, sa nhân tím, dong riềng, sả, nghệ, thảo quả, cỏ thơm được các địa phương đưa vào trồng với diện tích gần 5.000ha, bước đầu mang lại thu nhập cao cho người dân và góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, người dân các xã còn tham gia làm công nhân trồng cây cao su với diện tích trồng 418,1ha. Các xã hình thành mô hình trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ với quy mô đàn lợn trên 6.000 con, chăn nuôi gia súc từ 50 – 150 con. Tận dụng quỹ đất vườn, ruộng thuận nguồn nước và diện tích mặt nước lòng hồ Thủy điện Lai Châu, bà con đào 52,1ha ao cá, nuôi 80 lồng cá với sản lượng đánh bắt và nuôi trồng trên 180 tấn. Chú trọng trồng, bảo vệ rừng nên nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được hưởng trong năm 2019 toàn huyện đạt gần 230 tỷ đồng. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95,74%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 43%, thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm…

Đến nay, huyện Mường Tè đã có 3 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đang chờ quyết định công nhận của UBND tỉnh, 2 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 5 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí và 3 xã dưới 10 tiêu chí NTM. Huyện cũng đang phấn đấu đến hết năm 2020, sẽ có thêm xã Kan Hồ và Vàng San đạt chuẩn NTM.

Chung sức mở đường ấm no

Từ bao đời, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu phải đối mặt với tình trạng đi lại khó khăn, giao thông chia cắt. Bởi vậy, khi triển khai xây dựng NTM, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm xây dựng, phát triển nông thôn, cải thiện, nâng cao mức sống của người nông dân, đặc biệt nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi khó khăn.

Trong đó, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã tạo điều kiện thuận lợi, huy động sức dân cùng tham gia. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên bản được mở rộng, bê tông hóa đã làm cho phong trào xây dựng NTM không ngừng phát triển, để lại nhiều hình ảnh tốt đẹp trong lòng người dân. Đến nay, 100% xã có đường giao thông rải nhựa, bê tông, cứng hóa đến trung tâm xã, xe ô tô đi lại thuận lợi 4 mùa; 88,5% thôn, bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi; 100% xã, 93% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, cao hơn trung bình cả nước; 87% hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch, 85% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Người dân các thôn, bản trong tỉnh góp công, góp sức tham gia làm đường giao thông nông thôn để xây dựng NTM.

Sau khi chia tách và thành lập huyện Nậm Nhùn còn gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn xa, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là các tuyến đường từ huyện tới xã và hệ thống giao thông nông thôn. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Quang Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” huyện Nậm Nhùn đã huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Ngoài nguồn vốn của tỉnh và Trung ương, huyện đã huy động các nguồn vốn 30a, 135CP, Chương trình NTM, Đề án 3 dân tộc… vào phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn. Đến nay, 10/10 xã trong huyện đã có đường ôtô đến trung tâm. Hơn 110km đường huyện đã được cứng hóa, đạt hơn 99% kế hoạch. Hơn 94% số bản có đường xe máy đi lại thuận lợi, trong đó có nhiều tuyến đường nội bản đã được cứng hóa.

Anh Ngô Hồng Kiên – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng cho biết: Những năm gần đây, hệ thống giao thông nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc. Ngay cả những xã khó khăn như Nậm Pì, Nậm Chà, Nậm Ban cũng có những đổi thay nhất định. Khi mới thành lập huyện, 3 xã này vẫn chưa có đường ô tô đến trung tâm xã.

Với những kết quả đạt được trong thực hiện Phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng NTM”, tỉnh Lai Châu đã được Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc bình xét là đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua; được Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương lựa chọn là đơn vị có thành tích xuất sắc trong Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; giai đoạn 1 (từ năm 2011- 2015) được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và giai đoạn 2 (từ năm 2016 – 2020) được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Tỉnh Lai Châu đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu tốt; nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến được áp dụng (biện pháp IPM, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt…) và cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất. Qua đó, người dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ và hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Bài, ảnh: Bích Đông