Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tỉnh Yên Bái:

Lễ hội Gầu Tào được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Hoàng Tính - 13:42 14/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vừa qua Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 2318/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Theo đó, Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã được đưa vào Danh mục dDi sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ở loại hình Lễ hội truyền thống.

Huyện Mù Cang Chải có 13 dân tộc cùng sinh sống với trên 68.000 người, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 90% dân số toàn huyện. Huyện Trạm Tấu có 12 dân tộc cùng sinh sống với trên 37.000 người, trong đó dân tộc Mông chiếm 79% dân số toàn huyện. Huyện Văn Chấn có dân số khoảng 117.000 người, gồm 18  dân tộc cùng sinh sống, người Mông chiếm 7,84% dân số toàn huyện.

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức ở huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái)

Đã thành thông lệ, Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn được tổ chức hàng năm mỗi dịp đầu Xuân năm mới, thường trong khoảng từ ngày mồng Một đến ngày 15 tháng Giêng.

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức trong thôn làng với mong muốn: Cầu tự, cầu con, cầu mệnh và cầu phúc; Ngoài ý nghĩa cầu tự ban đầu còn: Cầu sức khỏe, cầu may mắn, cầu cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no, thịnh vượng…

Theo người Mông quan niệm số 4 thể hiện cho 4 vị thần là thần trời, thần đất, thần sông và thần núi. “Gầu Tào” với mục đích là cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ đã ban cho gia đình, dòng họ, bản làng, người người sự khỏe mạnh, thịnh vượng, không ốm đau, bệnh tật. Cầu cho dân làng no ấm, ăn nên làm ra, thóc lúa đầy đồng, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng...

Giữ gìn nét đẹp truyền thống qua các điệu múa đặc trưng trong Lễ hội Gầu Tào ở huyện Mù Căng Chải

Lễ hội Gầu Tào có thể do một gia đình, một dòng họ hay một làng bản đứng ra tổ chức, mang đến sự náo nhiệt và thu hút sự tham gia đông đảo từ các tộc người khác nhau.

Cây nêu được người Mông khá tôn sùng, xem là cây thiêng, biểu tượng trời đất cho sức sống trường tồn. Chính vì vậy, nó là linh hồn của lễ hội Gầu Tào.

Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần chính: Phần lễ với nhiều nghi thức thiêng liêng tạ ơn các vị thần linh và phần hội là thời điểm vui chơi và giải trí, tổ chức các hoạt động thể thao, trò chơi hấp dẫn như: Thi dã bánh giày, đánh cù quay, kéo co, đẩy gậy... giao lưu đánh cầu lông gà, ném pao và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Múa khèn, tấu sáo, kéo nhị, hát đối, hát giao duyên, đàn môi, kèn lá... Những tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát dân ca... được vang lên náo nức khắp làng bản, báo hiệu một mùa xuân mới đã về và cũng hứa hẹn một năm mới mùa màng bội thu, một cuộc sống ấm no, sung túc và thịnh vượng.

Có thể nói lễ hội Gầu Tào của người Mông là một nét đẹp văn hóa tâm linh đặc trưng của người dân ở vùng cao có ý nghĩa rất cao đẹp, đó không chỉ là nơi bà con người Mông gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng về một cuộc sống mới tươi đẹp hơn, là một trong những phong tục tín ngưỡng riêng biệt mà lễ hội còn là nơi gắn kết tình cảm của người dân, là dịp để những người con xa xứ được tìm về hội tụ với gia đình, thôn bản; là không gian giải trí, vui chơi lành mạnh sau những tháng ngày lao động vất vả.

Du khách sẽ có dịp để tìm hiểu các nét đẹp truyền thống của người Mông.

Việc Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn của tỉnh Yên Bái được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia là niềm tự hào, khẳng định giá trị cũng như vinh danh nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc của đồng bào Mông nói chung, đồng bào Mông tỉnh Yên Bái nói riêng.

Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn cùng tỉnh Yên Bái sẽ có những hoạt động bảo vệ, phát huy, khai thác giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể độc đáo này để phục vụ du lịch văn hóa, trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, duy trì, củng cố khối đại đoàn kết các cộng đồng, dân tộc.

Du khách trong và ngoài tỉnh Yên Bái sẽ có thêm điểm du lịch đặc sắc mỗi dịp Xuân về; được tìm hiểu, khám phá các nét đẹp trong văn hóa, văn nghệ và đời sống của người Mông, từ đó sẽ góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất: “Chuyện của Sen” và “Sắc sen Hà Nội”
Với chủ đề "Sắc sen Hà Nội," lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất tổ chức từ ngày 12-16/7/2024 tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, quận Tây Hồ, sẽ mang đến cho du khách thập phương những trải nghiệm hấp dẫn về hoa sen và đặc sản trà sen của Hà Nội. Đặc biệt tại Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ Nhất, nghề ướp trà sen Tây Hồ sẽ vĩnh dự đón nhận Di sản Văn hóa phi Vật thể cấp Quốc gia và chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen” hứa hẹn nhiều hấp dẫn.