Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Liều” nuôi vịt, Bí thư Đoàn thu nửa tỷ mỗi năm

14:40 26/03/2021 GMT+7

Người ta thường nói: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Nhưng anh Hoàng Văn Cảnh (SN 1990) – Bí thư Đoàn thôn Ba Lẹng (xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi vịt đẻ trứng, thu nhập trên nửa tỷ đồng mỗi năm.

Trứng vịt lộn giúp đa dạng hoá các sản phẩm của gia đình anh Hoàng Văn Cảnh

Vịt đẻ sòn sòn, đếm tiền mỏi tay

Là người năng động, chịu khó tìm tòi nên Hoàng Văn Cảnh cùng với vợ là Hoàng Thị Suy (SN 1994) đã cùng nhau trải qua nhiều nghề: Bán hàng tạp hoá, mở hàng ăn sáng, đi làm công nhân… Đến năm 2017, 2 vợ chồng anh đã “khởi nghiệp” thành công với mô hình nuôi vịt đẻ trứng.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Cảnh cho biết, tận dụng đập nước gần nhà, năm 2017, anh đã bàn với vợ để đầu tư nuôi vịt đẻ trứng. Thuận lợi chưa thấy nhưng khó khăn thì hiện rõ ngay. Lúc này trong nhà chỉ có 10 triệu đồng, vậy là 2 vợ chồng lại phải chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền của anh em, hàng xóm, bạn bè tích góp lại, cuối cũng đủ tiền mua 300 con vịt về thả nuôi. Vừa làm vừa học hỏi trên mạng, sách báo, kênh Youtube, rút kinh nghiệm từ thực tiễn đến nay gia đình anh đã có quy mô nuôi gần 1.500 con vịt.

Theo chia sẻ của anh Cảnh, để nuôi vịt đẻ trứng cho hiệu quả cao nhất thì chất lượng con giống phải đặt lên hàng đầu. Bản thân anh đã phải tìm đến những nhà cung cấp giống ở Bắc Giang có uy tín, chất lượng; chọn con giống tốt, khỏe mạnh, không có dấu hiệu dịch bệnh…

Trong quá trình nuôi, chăm sóc vịt cần chú trọng tới nguồn thức ăn và vệ sinh chuồng trại. Đồng thời phải thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vacxin cho đàn vịt để phòng dịch bệnh, như vậy đàn vịt luôn được khỏe mạnh, đẻ trứng đạt hiệu quả.

Với kinh nghiệm chăn nuôi như vậy nên đàn vịt của gia đình anh Cảnh rất ít khi bị bệnh, tỷ lệ đẻ trứng đạt 90%, các quả trứng to đều, lòng đỏ nhiều, khi chế biến không tanh, nên được người dân rất ưa chuộng. Nhờ vậy trứng vịt của gia đình tiêu thụ rất nhanh.

Vịt cứ qua đêm lại đẻ 1 quả, vậy là bình quân mỗi ngày gia đình thu về trên 1.000 trứng. Với giá bán hiện tại 2.500 đồng/quả, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu về 45 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Suy cho biết: Khác với nhiều mô hình chăn nuôi vịt khác, với lợi thế là nhà gần đập nước vì vậy vịt vừa có chỗ để bơi lội hàng ngày, lại kiếm thêm được tôm, cá nhỏ và ốc làm thức ăn vì vậy vịt nuôi rất sạch lại bớt tiền thức ăn.

Anh Vũ Huy Tùng – Phó Bí thư huyện Đoàn huyện Hữu Lũng cho biết: “Hoàng Văn Cảnh là Bí thư đoàn thôn Ba Lẹng. Không chỉ năng nổ trong công việc, anh Cảnh cũng luôn là người đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Khởi nghiệp với mô hình nuôi vịt đẻ trứng – đây là mô hình đầu tiên của thanh niên huyện Hữu Lũng – nhưng Cảnh đã khẳng định được thành công qua 4 năm phát triển. Năm 2020, mô hình của Cảnh đã đạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp của Huyện Đoàn Hữu Lũng. Mô hình không chỉ góp phần tạo động lực cho gia đình Cảnh phát triển kinh tế mà còn khẳng định thanh niên Hữu Lũng sẽ làm giàu được ngay trên chính quê hương mình nếu chúng ta thực sự mong muốn phát triển”.

Được chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ đàn vịt lcủa gia đình anh Cảnh luôn phát triển khoẻ mạnh.

Đa dạng hoá sản phẩm

Không chỉ dừng lại ở mô hình nuôi vịt đẻ trứng, với bản tính ham học hỏi, đầu năm 2021 vợ chồng anh Cảnh lại đầu tư thêm 18 triệu đồng để mua thêm máy ấp trứng vịt về để phục vụ nhân giống, ấp trứng vịt lộn để bán.
Anh Lương Văn Bính – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết thêm: Nuôi vịt ấp trứng không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Theo đó, để có đàn vịt đẻ tốt, người nuôi nên tìm mua giống ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; tiếp đó cần đảm bảo tỉ lệ đực cái trong đàn để đạt tỉ lệ trứng vịt ấp cao.

Cụ thể đối với đàn vịt của gia đình anh Cảnh, luôn đảm bảo tỉ lệ 1 vịt đực – 8 vịt mái. Sau 5 – 5,5 tháng nuôi, vịt bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong vòng hai năm. Để vịt đẻ đều, trứng to, vịt đẻ cần được cung cấp thêm ánh sáng, chiếu sáng nhân tạo bổ sung vào ban đêm để kích thích vịt đẻ trứng. Sau hai năm nên tiến hành thay đàn vịt mới nhằm tăng năng suất và chất lượng trứng.

Anh Cảnh cho biết thêm: Trứng ấp vịt lộn từ 16-18 ngày là cho ra một mẻ, nhưng nếu có khách hàng yêu cầu ăn trứng già hay non thì mình lại để thêm ngày. Vì vậy khách hàng rất ưa chuộng trứng vịt lộn của gia đình, trứng ấp đến đâu bán đến đấy.

Chăn nuôi vịt tuy không còn là mô hình mới, thế nhưng, hiệu quả mà nó mang lại là điều không ai có thể phủ nhận được. Kết quả mà anh Hoàng Văn Cảnh và chị Hoàng Thị Suy có được hôm nay chính là thành quả của nỗ lực làm giàu từ nông nghiệp. Với những gì đạt được, anh Cảnh – chị Suy xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần khởi nghiệp cho các đoàn viên, thanh niên khác noi theo.

Trong quá trình nuôi, chăm sóc vịt cần chú trọng tới nguồn thức ăn và vệ sinh chuồng trại. Đồng thời phải thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vacxin cho đàn vịt để phòng dịch bệnh, như vậy đàn vịt luôn được khỏe mạnh, đẻ trứng đạt hiệu quả.

Hoàng Tính