Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lúa ế: Giải cứu, sau đó thì sao?

21:31 24/02/2019 GMT+7
Những ngày qua, giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp, từ 4.200-4.400 đồng/kg (IR50404), các giống hạt dài-thơm nhẹ có giá 4.500 đồng/kg. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Đợt này, các doanh nghiệp phải thực hiện thu mua ít nhất 5% tổng số lúa được sản xuất tại

Những ngày qua, giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp, từ 4.200-4.400 đồng/kg (IR50404), các giống hạt dài-thơm nhẹ có giá 4.500 đồng/kg. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Đợt này, các doanh nghiệp phải thực hiện thu mua ít nhất 5% tổng số lúa được sản xuất tại đây. 

Lúa đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có hợp đồng xuất khấu

Ông Nguyễn Minh Toại -Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ, cho biết: Hiện chưa có các hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp để thu mua lúa gặp khó khăn do lượng hàng còn tồn kho khá lớn. Trong khi đó, hầu hết diện tích lúa đến kỳ thu hoạch hoặc chuẩn bị thu hoạch, nếu doanh nghiệp không có vốn, việc thu mua lúa sẽ gặp khó khăn.

Tại cuộc họp với 11 doanh nghiệp xuất khẩu gạo và 12 chi nhánh ngân hàng nhằm tìm giải pháp tiêu thụ lúa do UBND TP.Cần Thơ vừa tổ chức, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng: Thu mua lúa tạm trữ thời điểm hiện tại chờ khi có hợp đồng để xuất khẩu sẽ lãi cao vì chất lượng lúa vụ Đông Xuân năm nay tốt, và giá thu mua ở mức thấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều thiếu vốn vì hiện nguồn vốn đã đầu tư vào cở sở vật chất.

Ông Phạm Thái Bình -Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nêu rõ: “Giải pháp duy nhất giải quyết bài toán tiêu thụ lúa cho nông dân là nguồn vốn cho doanh nghiệp. Hiện vốn vay ngắn hạn được các ngân hàng cho vay chưa tới 100 tỉ đồng, không đáp ứng đủ nhu cầu mua lúa của nông dân”.

Với tình hình lúa đến kỳ thu hoạch, các doanh nghiệp cần tập trung thu mua ngay, không nên chờ có hợp đồng xuất khẩu mới thu mua, nhưng hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều thiếu vốn. Riêng Công ty Trung An đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng nên thiếu vốn để thu mua tạm trữ. Doanh nghiệp đề xuất ngân hàng cần mạnh dạn cho doanh nghiệp vay vốn.

Nhiều diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã quá kỳ thu hoạch nhưng vắng bóng doanh nghiệp thu mua.

Ngân hàng vận dụng nhiều giải pháp

Ông Trần Quốc Hà -Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.Cần Thơ, chỉ đạo: Các chi nhánh ngân hàng nên làm việc với các doanh nghiệp về hạn mức cụ thể hoặc bổ sung định mức tín dụng nếu được. Phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân để doanh nghiệp có vốn mua lúa cho dân. Các ngân hàng có thể vận dụng giải pháp tăng định mức vay, đồng thời trình Hội sở để tăng vốn vay cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

Ông Hà kiến nghị UBND TP.Cần Thơ phối hợp với các tỉnh trong khu vực cùng kiến nghị với ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ vốn chung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tổng dư nợ của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn TP.Cần Thơ khoảng 7.000 tỷ đồng.

Hội Nông dân đia phương cần có công văn gửi Hội Nông dân Việt Nam để có văn bản gửi Hội sở Ngân hàng có kế hoạch hỗ trợ. Các chi nhánh ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải ngân thu mua lúa của nông dân trong thời gian sớm nhất, và xin Hội sở tăng thêm định mức vay cho các doanh nghiệp.

Tất cả cùng nhập cuộc

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 20/2/2019, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã vào cuộc thu mua lúa cho nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ…

Đại diện Công ty lương thực Sông Hậu (Cần Thơ) cho biết, Công ty có hơn 700ha vùng nguyên liệu hợp tác với các hợp tác xã sản xuất giống lúa Jasmine 85 và hiện đang đàm phán về giá thu mua. Công ty Sông hậu đã thực hiện thu mua được 10.000 tấn, còn lại 50.000 tấn sẽ tiếp tục triển khai từ nay đến hết vụ.

Ông Lê Thanh Khiêm -Phó giám đốc Công ty lương thực Tiền Giang, cho biết: Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Công ty bắt đầu mua lúa của nông dân với giá cao hơn giá ngoài thị trường. Tuy nhiên, dù mua cao hơn bên ngoài nhưng số lượng cũng chỉ khoảng vài trăm hecta.

Vụ Đông Xuân ‘kém vui’ vì trồng lúa gần như không lãi. Ảnh: Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long

Ông Nguyễn Hữu Dũng -Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp khuyến khích doanh nghiệp có kho bãi tạm trữ còn trống thì cho nông dân gửi tạm để chờ giá lúa tăng trở lại.

Song song đó, UBND TP.Cần Thơ yêu cầu Sở Công Thương TP.Cần Thơ theo dõi chặt chẽ hoạt động thu mua lúa gạo, có giải pháp ngăn chặn việc ép giá đối với nông dân, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh lúa gạo, đặc biệt là xuất khẩu gạo.

Nhận diện nguyên nhân

Ông Phạm Thái Bình cho biết: Việc sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất cho tới chế biến, xuất khẩu vốn đã được Chính phủ, Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện từ rất lâu và nếu làm được việc này thì không có doanh nghiệp nào bỏ nông dân. Ngành hàng lúa gạo sẽ tiếp tục đối diện với câu chuyện “giải cứu” nếu không giải quyết được vấn đề sản xuất theo chuỗi vốn đã được nói từ rất lâu.

Ông Lâm Thành Kiệt -Tổng giám đốc CTCP nông sản Vinacam, phân tích: Tình trạng thương lái “bỏ của chạy lấy người” trong bối cảnh giá lúa xuống thấp vì họ không có khách hàng ổn định, đến khi khó khăn thì kêu cứu doanh nghiệp, doanh nghiệp thì kêu cứu chính quyền. Trên thực tế, những doanh nghiệp làm bài bản thì vẫn rất khả quan.

Theo ông Kiệt, một trong những nguyên nhân làm giá xuống thấp như hiện nay là có sự thay đổi cơ cấu giống: Giống Jasmine đã giảm 50% trong 6 tháng cuối năm 2018, thay vào đó giống lúa Đài Thơm 8 sản xuất tràn lan, không theo một kế hoạch nào. Ngoài ra, một số doanh nghiệp làm ăn bát nháo, ký hợp đồng với đối tác giống lúa Jasmine nhưng giao Đài Thơm 8 làm thị trường thêm khó khăn.

Theo một doanh nghiệp mua lúa tại tỉnh Sóc Trăng, những nông dân sản xuất giống lúa ST24 và ST24 hữu cơ vẫn bán được giá 8.000 đồng/kg nhờ 2 doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang và Hồ Quang Trí ký kết đầu tư bao tiêu ngay từ đầu nên nông dân trồng 2 giống lúa này vẫn không bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, lúa thơm ST21 và RVT giảm sâu từ 1.200-1.500 đồng/kg. Theo lý giải của doanh nghiệp, hai giống lúa này chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, nhưng hiện Trung Quốc tạm ngưng mua khiến nông dân trồng giống lúa này lao đao.

Ông Võ Nguyên Nam -Giám đốc Sở Công Thương An Giang, thông tin: 80% nông dân An Giang đang tự trồng tự bán nên bắt buộc phải qua tay thương lái mới bán được, từ đó khó tránh khỏi việc bị ép giá. Nông dân nên tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Đại Hữu