Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lục Nam quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao

Việt Tùng - 07:52 27/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Là một trong những huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang nên khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Lục Nam gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay Lục Nam đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Lục Nam đang nỗ lục, quyết tâm xây dựng huyện NTM nâng cao.
Huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023.

Những mốc son đáng nhớ

Lục Nam là huyện một miền núi còn nhiều khó khăn, giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Lục Nam còn 4 xã khu vực III, nằm trong diện đầu tư của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi. Xác định xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của huyện nên lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Lục Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Năm 2021, để tổ chức, chỉ đạo thực hiện chương trình, UBND huyện, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, Phòng NN&PTNT đã ban hành 77 văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình. Theo đó, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, như hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP, in tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nhà màng, nhà lưới, có cơ chế hỗ trợ các xã xây dựng cơ sở hạ tầng, cứng hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng bãi rác thải và cơ chế hỗ trợ riêng cho xã đăng ký về đích NTM, NTM nâng cao và thực hiện thôn NTM kiểu mẫu.

Một góc thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang nhìn từ trên cao.

Theo đó, với mỗi xã về đích NTM được hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, xã về đích NTM nâng cao 1 tỷ đồng, xã thực hiện thôn NTM kiểu mẫu 200 triệu đồng ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các xã để đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện; hàng tháng tổ chức giao ban, kiểm điểm và yêu cầu Ban quản lý xã báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện chương trình. Qua các cuộc kiểm tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các xã trong quá trình thực hiện.

Tại các xã, Ban giám sát cộng đồng được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả; thực hiện tốt việc giám sát thi công đối với các công trình có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ Chương trình NTM. Vì vậy các công trình sau khi hoàn thành đều đảm bảo chất lượng.

Khép lại năm 2022, theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 - HĐND huyện Lục Nam, huyện đạt vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển KT-XH của năm; trong đó có 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng giá trị sản xuất; tổng sản lượng lương thực có hạt; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; giải quyết việc làm mới; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.

Hết năm 2023, huyện Lục Nam cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đối với cấp xã có 23/23 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 thôn NTM kiểu mẫu.

Nông dân xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang làm "con đường hoa".

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng; rau an toàn, rau chế biến; vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao… Toàn huyện có 16 sản phẩm cấp chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 14 sản phẩm 3 sao (chè hoa vàng túi lọc, rượu núi Huyền, rượu nếp cái hoa vàng, nhãn Lục Sơn, dầu lạc, dưa lưới, dưa leo quê, dứa Lục Nam, na dai Nghĩa Phương, na dai Lục Nam, bưởi Mai Sưu, hạt dẻ, long nhãn Đan Hội, rượu mầm Lục Sơn), 2 sản phẩm 4 sao (Trà hoa vàng, Đông trùng hạ thảo).

Xây dựng NTM trước hết là phát huy nội lực

Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho rằng, xây dựng NTM trước hết phải từ nội lực, có cách làm, chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa; biết lựa chọn những nội dung trọng tâm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ rất quan trọng; phải làm cho người dân xác định được chính họ là chủ thể của việc xây dựng NTM thì Chương trình mới thật sự thành công.

Cùng với đó, huyện đã ban hành chủ trương hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu. Theo đó, huyện hỗ trợ 2,5 tỷ đồng/xã đạt NTM, 2 - 4,5 tỷ đồng/xã đạt NTM nâng cao... Các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng NTM được quan tâm triển khai, phổ biến sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng về nội dung, phong phú, sáng tạo về hình thức để cán bộ, nhân dân nhận thức sâu sắc về xây dựng NTM.

Đường giao thông nông thôn ở xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp.
 

Đặc biệt, để hoàn thành về đích NTM, huyện đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế... Điều này không chỉ cải thiện đời sống vật chất của người dân mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Lục Nam còn chú trọng hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế như: khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp. Đồng thời, huyện cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội.

Qua thực tiễn đã xuất hiện một số cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tạo động lực ban đầu cho việc xây dựng NTM tại huyện. Các tổ chức đoàn thể chính trị của huyện như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh đã tích cực vận động đoàn viên, hội viên của mình tham gia xây dựng NTM. Cụ thể,  Hội Nông dân với phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình”; Hội Phụ nữ với phong trào “Năm không ba sạch”, Đoàn Thanh niên với phong trào “Thanh niên chung tay xây dựng NTM”... các phong trào đã thu hút hàng nghìn hội viên, đoàn viên trên địa bàn huyện tham gia thực hiện.

Điển hình tại xã Bảo Đài, Trường Giang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất làm đường giao thông; Thôn Muối xã Lam Mẫu, thôn Giáp Sơn xã Cẩm Lý, thôn Long Lanh xã Bảo Đài tuyên truyền vận động người dân thực hiện thôn NTM kiểu mẫu đảm bảo sáng xanh, sạch, đẹp với những đường hoa, vẽ tranh khu vực trung tâm văn hoá xã…

Mô hình trồng na dai của ông Bùi Văn Ba (bên phải), thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Nhàn, quá trình xây dựng NTM, huyện Lục Nam đã nhận được sự quan tâm của hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện tới cơ sở với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nên đã tạo niềm tin cho người dân. Trong khi triển khai, Trung ương và tỉnh ưu tiên nguồn lực giúp huyện hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí.

Đơn cử như việc tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, thành lập Tổ công tác hỗ trợ Lục Nam xây dựng huyện NTM. Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng quan tâm, phối hợp hướng dẫn thực hiện, lập hồ sơ chứng nhận tiêu chí xây dựng NTM, nhất là Sở NNPTNT cùng Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang, đã tham mưu cho huyện Lục Nam thực hiện nhiều giải pháp, nội dung hiệu quả.

Để tiếp tục xây dựng NTM đạt kết quả cao hơn nữa, đưa Lục Nam ngày càng phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam đã đặt ra tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; khắc phục những mặt còn hạn chế, khó khăn… phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao trong giai đoạn 2026-2030.

Trong đó, sẽ tập trung nâng cao các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như: Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh hiện hữu; chuyển đổi số…

Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Bảo Đài, Đông Phú, Đông Hưng, Yên Sơn, Thanh Lâm), đạt 21,7%; có thêm từ 7-10 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn NTM kiểu mẫu đạt 25-30 thôn…

Hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh ở Yên Khánh
Đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2018, năm 2024 đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đang phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu, thông minh, với điểm khởi đầu từ những “hạt nhân” thôn, xóm…