Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Món nộm da trâu vạn người mê ở Mù Cang Chải

08:01 12/02/2021 GMT+7

Du khách xa gần trên cả nước biết tới huyện miền núi Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái với những hình ảnh ruộng bậc thang, cánh đồng lúa chín vàng, nhiều món ăn mang đậm bản sắc dân tộc như thịt gà đen, thắng cố, thịt lợn kẹp cây rừng nướng… nhưng từ da trâu khô chế biến thành món nộm giòn sần sật sẽ làm lưu luyến những thực khách khó tính thì nhiều người chưa biết, bởi món ăn này thường được người Mông thiết đãi bạn bè trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Giờ đây món nộm da trâu đã trở thành thực đơn chính ở nhiều nhà hàng huyện Mù Cang Chải.

Đặc sản nơi núi rừng

Khi nhắc tới da trâu người ta hay nghĩ tới những miếng da được phơi khô để làm những chiếc trống trường. Nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Mông ở huyện miền núi vùng cao Mù Cang Chải, món nộm da trâu đã trở thành đặc sản trong mâm cỗ mỗi dịp lễ tết, đón khách quý nơi đây.

Trong mỗi gia đình người Mông ở huyện Mù Cang Chải, trên những khu bếp chúng ta sẽ thấy ngay có những miếng thịt khô từ lợn, bò, trâu và không thể thiếu đó là những miếng da trâu. Đây không chỉ là những thực phẩm tích trữ cho gia đình được các bà, các mẹ, các chị chế biến rất cẩn thận: Thịt, da sau khi được làm sạch, sẽ được tẩm muối, ớt, thảo quả… và đặt trên cao của khu bếp, khói từ củi mỗi ngày sẽ giúp cho nhưng miếng da, miếng thịt luôn khô, để cả năm mà không bị hỏng.

Anh Giàng A Lù – người dân xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải cho biết: Để có được món nộm da trâu giòn, khâu chế biến là quan trọng nhất. Bởi những miếng da trâu đều được để từ vài tháng hay cả năm trên gác bếp, da trâu rất khô và cứng. Vì vậy khi chế biến, sẽ phải ngâm da khô trong nước ấm từ 1-2h để cho miếng da trâu mềm ra, rồi đem nướng lại trên bếp lửa để có được màu vàng óng và mùi thơm đặc trưng riêng.

Mâm cỗ Tết của người Mông huyện Mù Cang Chải, nộm da trâu là món không thể thiếu.

Sau đó đem da trâu ra rửa sạch, cạo kĩ lớp màu đen ở ngoài cùng và ngâm giấm hoặc nước măng chua 1h, rồi sau đó mới cho da trâu vào nồi luộc chín, khi luộc phải để ý không cho miếng da chính nhừ qua, nếu không sẽ không giòn. Khi vớt ra phải ngâm da vào ngay nước lạnh để tăng thêm độ giòn. Sau đó mới đem da trâu da thái mỏng.

Khi thái xong đem da trâu trộn với các gia vị gồm có: Gạo tẻ rang vàng say nhỏ; ớt chỉ thiên thái mong; tỏi, riềng đập dập; đường, nước cốt chanh, chút rau mùi. Sau đó trộn đều tất cả lên là đã có được món nộm da trâu ngon tuyệt.

Đang nhanh tay trộn nộm da trâu chị Vừa Thị Lanh cho biết thêm: Món ăn thường được sử dụng vào dịp Tết bởi món ăn với hương vị cay nồng không chỉ góp phần làm ấm lòng người dùng trong tiết trời mùa Đông lạnh giá. Món ăn còn được biết tới với tác dụng giải rượu, giảm độ ngấy của bánh chưng, của thịt.
Tết đến Xuân về, trong các gia đình người Mông ở huyện Mù Cang Chải, cùng với các món ngon khác, món nộm da trâu đã làm cho mâm cỗ ngày Tết đầy đủ đầy hương vị.

Da trâu được nướng vàng hấp dẫn mọi du khách gần xa.

Hài lòng mọi thực khách

Anh Lê Văn Thành – Chủ Nhà hàng Thành Oanh có địa chỉ tổ 1, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho chúng tôi biết: Nắm bắt nhu cầu của khách du lịch mà khi mở nhà hàng kinh doanh ăn uống, vợ chồng anh chị đã chủ động làm những món ăn dân tộc, đặc biệt là những món ăn ở địa phương được chế biến theo đúng cách của người dân chính vì vậy những món ăn như: Nộm da trâu, thắng cố, cá suối nướng… ở nhà hàng của anh chị được du khách đón nhận rất nhiệt tình, nhiều thực khách sau khi thưởng thức đã đặt hàng đem về để làm quà biếu, tặng bạn bè. Riêng về món nộm da trâu được chế biến không quá cầu kỳ như các món ăn khác nhưng phải có thời gian và nguyên liệu chính là da trâu phải được hun trên khói bếp củi thì mới có mùi vị đặc trưng.

Sơ chế da trâu làm nộm ở Mù Cang Chải.

Vừa cầm trên tay 1 triệu đồng ông Giàng A Sua xã Dế Su Phình huyện Mù Cang Chải cho hay đây là số tiền tôi vừa bán 3kg da trâu khô cho nhà hàng, trước đây da trâu khô chỉ để gia đình dùng, các nhà hàng chỉ mua thịt nhưng giờ đây du lịch ở huyện phát triển nhiều người ở phương xa tới họ muốn thưởng thức đặc sản, vì vậy mà nhà hàng họ mua cả da để chế biến món ăn cho du khách.

Chị Nguyễn Thị Mai – du khách đến từ Hải Phòng cho biết: Chị đã đi nhiều nơi du lịch, đến nơi đâu chị cũng mong muốn được tìm hiểu những văn hoá, bản sắc của từng vùng miền, đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Với món nộm da trâu ở Mù Cang Chải khi ăn cảm thấy miếng da trâu giòn sần sật, quyện với vị cay của ớt, vị thanh bùi của rau rừng, mùi thơm của gạo rang đã tạo nên một hương vị núi rừng mê đắm lòng người.

Nộm da trâu Mù Cang Chải giờ đây không chỉ còn là món ăn trong ngày Tết cổ truyền của người Mông, mà đã trở thành một món ăn trong thực đơn không thể thiếu ở các nhà hàng huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái. Du lịch là cầu nối để ẩm thực toả hương và ẩm thực đã góp phần làm du lịch Mù Cang Chải phát triển.

Hoàng Tính