Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Món quà – ươm hạt giống, nảy mầm xanh

14:11 11/02/2021 GMT+7

Làng quê xanh thẳm màu hoa trái mới, với không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền Tân Sửu thật rộn ràng là những gì chúng tôi ghi lại được ở những vùng chịu thiệt hại nặng nề sau các đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ trong tháng 9 – 10/2020 tại Thừa Thiên Huế. Sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng đã góp phần giảm bớt khó khăn cho bà con. Đặc biệt, việc kịp thời hỗ trợ cây, con giống của Tạp chí Nông thôn mới đã thiết thực làm hồi sinh nhịp sống cho người dân nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới trao hạt giống và gà giống cho hội viên, nông dân vùng bão, lũ ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ảnh : P.V

Còn nhớ hôm chúng tôi đến xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) ngay sau bão lũ đi qua, mọi người đang tập trung tại nhà văn hóa để nhận hạt giống và gà giống do Tạp chí Nông thôn mới (thuộc Trung ương Hội ND Việt Nam) trao tặng. Dường như trên mỗi khuôn mặt của người dân đã bớt đi nét bàng hoàng, kham khổ. Anh Nguyễn Văn Lân, một nông dân ở địa phương, lúc đó bộc bạch: Nhà có 4 sào ruộng, 3 sào rau màu, tất cả 6 miệng ăn trong gia đình đều trông nhờ vào đó cả. Thế nhưng bão lũ đi qua đã “thu hoạch” hết, vật nuôi gồm gà, vịt đều bị cuốn trôi, gia đình tôi xem như trắng tay. Vì vậy, được nhận hỗ trợ gà giống và hạt giống lần này, gia đình tôi rất vui, đây sẽ là nguồn cứu cánh giúp bà con chúng tôi tổ chức lại sản xuất, ổn định cuộc sống về lâu dài.

Trở lại địa phương lần này, đi giữa ngôi làng đổ nát cách đây không lâu, thấy ngời lên sắc màu của hoa trái, rau xanh, không khí chuẩn bị vụ thu hoạch rau màu mùa Tết đang tất bật. Trong làng, người dân bắt đầu xuất chuồng vật nuôi cho thương lái. Ai nấy đều phấn khởi trước nhịp sống đã hồi sinh. Một người dân đang xuất chuồng lứa gà thịt đầu tiên sau bão lũ, gặp chúng tôi liền bày tỏ: “Em cám ơn Tạp chí Nông thôn mới hỗ trợ gà giống cho địa phương nhiều lắm. Nhờ đó mà gia đình em từng bước ổn định cuộc sống. Tết này lại có thêm nguồn thu để sắm sửa cho con cái…”.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi chia sẻ thêm, toàn bộ địa bàn xã có hơn 2.000 hộ dân bị ngập sâu và dài ngày, gần 220ha diện tích mặt nước sản xuất thủy sản, hơn 90ha các loại rau màu và hàng ngàn con gia súc, ga cầm tan tành theo lũ. Sau khi được hỗ trợ hạt giống và gà giống của Tạp chí Nông thôn mới trao tặng, Hội ND xã đã phát động bà con nhanh chóng làm vụ ngắn ngày để họ có nguồn thu vào đầu năm mới.

Quảng Thái cũng là một trong 3 xã chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Quảng Điền trong các đợt bão lũ. Toàn xã có hàng trăm căn nhà bị tốc mái, diện tích sản suất của bà con hầu như bị “xóa sổ”. Đối với người dân Quảng Thái, căn nhà hư hỏng là nỗi khó khăn, mất mát đã đành, nhưng việc mưu sinh sau bão lũ còn khó khăn bội phần. Việc được hỗ trợ hạt giống và con giống để khôi phục sản xuất lúc này được xem là món quà lớn, ý nghĩa thiết thực nhất đối với bà con nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Thanh, một người dân địa phương cho biết, sau khi di chuyển tránh bão trở về tôi hoàn toàn ngẫn ngơ trước căn nhà của mình bị bão cuốn bay mái, xiêu vẹo, tất cả đồ dùng không còn cái gì nguyên vẹn, đến cái giường không còn dựng nổi để nằm. Diện tích cây trồng đều hư hỏng, dập nát hết. Cái đáng giá nhất mà tôi có lúc đó là 20kg gạo cứu đói của huyện. Lúc đó cứ nghĩ là từ nay ai thuê chi (gì) làm nấy, rồi vừa đi kiếm củi bán để đong gạo, chứ không biết sắp tới sẽ sống ra sao… “Không ngờ trong hoàn cảnh đó được sự giúp đỡ kịp thời của các ban, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, các tổ chức hỗ trợ lương thực cứu đói, lại được Tạp chí Nông thôn mới thông qua Hội ND xã hỗ trợ cây, con giống, gia đình tôi mừng lắm vì đáp ứng đúng nguyện vọng. Chính nhờ sự hỗ trợ tái khôi phục sản xuất mà gia đình tôi đã ổn định lại cuộc sống, Tết này thêm ý nghĩa hơn” – chị Thanh chia sẻ.

Không chỉ thiệt hại về nhà cửa, các đợt bão lũ vừa qua đã đẩy hàng trăm hộ ND ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… của Thừa Thiên Huế rơi vào cảnh khó khăn. Thành quả lao động sau bao nhiêu năm chắt chiu, tích góp để phát triển sản xuất, xây dựng ngôi nhà trở thành đống nợ. Sau đợt thiên tai đã có hàng ngàn tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước đến với nông dân Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, cơ quan Trung ương Hội ND Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc đã kịp thời giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người dân, làm hồi sinh những vùng sản xuất cho nông dân. Đây quả là món quà lớn, ý nghĩa đối với người dân vùng bão lũ ở Thừa Thiên Huế trong dịp Tết đến, Xuân về này.

Hồi sinh vùng sản xuất rau màu cho nông dân bị thiệt hại trong bão. Ảnh : Bá Trí

Đến các xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ… của huyện Phong Điền, đi dọc các khu vực chịu ảnh hưởng nặng của bão lũ, nhìn sự hồi sinh đời sống sản xuất mới thấy ấm lòng cho những hộ nông dân nghèo nơi đây.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội ND xã Phong Xuân, nhớ lại những khó khăn của địa phương sau bão lũ đi qua: Toàn huyện có gần 90% số hộ sống bằng nghề nông nghiệp thì sau bão lũ, nhiều gia đình đã bị thiệt hại nặng nề do cây cao su và rừng tràm bị gãy đổ, diện tích hoa màu hư hại, vật nuôi bị chết… nên đẩy người dân vào chỗ nợ nần. Để có được sự hồi sinh đời sống cho bà con thông qua việc hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị như hôm nay là điều tưởng chừng như không thể.

Anh Nguyễn Văn Nam, ở xã Phong Xuân đang thu hoạch diện tích rau màu, phấn khởi bộc bạch: Nhờ sự giúp đỡ của Tạp chí Nông thôn mới và các cấp Hội ND ở địa phương, bà con chúng tôi mới khôi phục lại được những diện tích hoa màu này. Đây là nguồn sống chính của gia đình tôi, nên tôi mang ơn nhiều lắm…

Theo anh Nam, đa số người dân ở địa phương sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá nước ngọt. Sau đợt bão lũ, nhiều gia đình đã mất hết thành quả lao động, vật nuôi chết hết, nhiều sản lượng cá nuôi bị nước cuốn trôi nên đẩy người dân vào chỗ túng quẫn. Sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các tổ chức, cơ quan, ban, ngành đối với bà con, nhất là khôi phục đời sống sản xuất đã tạo cho bà con tìm lại được niềm tin giữa bao mất mát, đau thương sau bão lũ.

Chủ tịch Hội ND huyện Phong Điền, ông Trương Diên Hùng bày tỏ, địa phương đã dốc hết nguồn lực để kịp thời cứu đói cho dân và sửa chữa, dựng lại các nhà tốc mái, siêu vẹo. Ngay sau bão, chính quyền địa phương, tổ chức Hội ND và người dân cùng đoàn kết, đồng lòng để khắc phục hậu quả, tất cả các chính sách, các chương trình của địa phương đều hướng sự ưu tiên đến các hộ nông dân bị thiệt hại trong bão lũ. Tuy nhiên, nếu không có sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, đơn vị… trong cả nước, e rằng việc ổn định đời sống cho nông dân sẽ còn lắm gian nan.

Lứa gà thịt đầu tiên (giống do được ủng hộ) sau bão lũ được bà con xuất chuồng dịp áp Tết. Ảnh : Bá Trí

Cùng với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, ban, ngành trong cả nước, Cơ quan Tạp chí Nông thôn mới trực thuộc Trung ương Hội ND Việt Nam đã có nhiều hoạt động hướng đến hỗ trợ các hộ nông dân ở Thừa Thiên Huế bị thiệt hại trong bão lũ vừa qua, góp phần từng bước khôi phục sản xuất, giảm bớt khó khăn cho địa phương. Hơn 6.000 con gà giống và trên 40kg hạt giống, 40kg hạt ngô giống trong tổng số gần 4 vạn gà giống và hàng tạ hạt rau giống, ngô giống ủng hộ đồng bào miền Trung đã được Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn mới tổ chức đến trao tận tay nông dân bị thiệt hại trong bão lũ ở các huyện huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… của tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần giúp bà con “hồi sinh” vùng sản xuất.

Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch Hội ND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: Được sự quan tâm giúp đỡ từ phía Trung ương Hội và cơ quan Tạp chí Nông thôn mới trong việc giúp nông dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, Hội ND tỉnh đã xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông, lâm nghiệp cho nông dân bị thiệt hại trong bão lũ để chuyển đổi sản xuất cho các hộ. Đồng thời, nghiên cứu chính sách, lồng ghép hỗ trợ thêm về cây, con giống và phân bón, thức ăn chăn nuôi để các hộ khôi phục sản xuất đạt hiệu quả, từng bước ổn định cuộc sống. Qua đó, bà con đã có điều kiện về thu nhập nhằm đón một cái Tết đủ đầy, sung túc.

Bá Trí