Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Năm 2022 sẽ có 3 gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện

08:01 16/12/2021 GMT+7
Mặc dù xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; khó khăn do thói quen, tập quán kinh doanh, thiếu nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ số…

Trong năm 2022 sẽ có 3 gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện nhằm khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 15/12.

Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, đại dịch Covid-19 và hậu quả từ đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Từ đầu năm đến nay dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đơn hàng giảm mạnh, chi phí tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, mất khả năng thanh toán và trên bờ vực phá sản, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khảo sát online của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, tính đến tháng 10 vừa qua đã có 61% doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh, khó khăn về đứt gãy nguồn lao động, 56% doanh nghiệp đối mặt giá nguyên liệu đầu vào cao, 60% doanh nghiệp đang hoạt động bị chậm đơn hàng, 48% đơn hàng bị huỷ…

Yêu cầu mỗi lãnh đạo doanh nghiệp phải chủ động thích ứng linh hoạt, thực hiện chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, để thích ứng với trạng thái bình thường mới do đại dịch Covid-19 đặt ra những vấn đề mới cho quản lý trên bình diện quốc gia và toàn cầu. Yêu cầu này đang đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp, ứng phó với dịch Covid -19 và phục hồi phát triển kinh tế là trung tâm, trong đó lãnh đạo doanh nghiệp phải chủ động thích ứng linh hoạt, thực hiện chuyển đổi số. Quá trình này cần phải dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa kinh doanh, công nghệ và con người để tạo ra những hướng đi mới đột phá hơn.

"Covid-19 là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi. Cùng với đó, doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong trạng thái bình thường mới, kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường" - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Mặc dù xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; khó khăn do thói quen, tập quán kinh doanh, thiếu nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ số…

Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch Covid -19 là cú hích để thúc đẩy chuyển đối số khi hiện nay sự thay đổi hành vi tiêu dùng khách hàng sang hình thức tiêu dùng online, bởi sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch khiến giao dịch số, online tăng mạnh… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy mạnh triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Trong năm 2022 tới đây, chương trình sẽ tập trung vào 3 gói chính, cụ thể là hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số cho có quy mô nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 triệu đến 50 triệu đồng/năm. Gói thứ 2 là Tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa. Gói thứ 3 là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

"Doanh nghiệp sẽ tìm đến các cơ quan hỗ trợ, trong đó có Cục Phát triển doanh nghiệp để tiếp tục là đề xuất chương trình chuyển đổi số, cũng như là các nhu cầu hỗ trợ của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam để triển khai các nội dung hỗ trợ cho cộng đồng doanh  nghiệp trong thời gian tới. Với những nỗ lực của toàn bộ hệ thống từ Chính phủ cho đến các cơ quan các doanh nghiệp ta sẽ sớm khôi phục được để có thể là duy trì tồn tại và bứt phá phát triển trong thời gian tới" - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nói.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu được giới thiệu về việc xây dựng một số mô hình kinh doanh hướng số hóa cho hoạt động hiệu quả trong thời kỳ bình thường mới như: Kết nối nhân viên theo hướng số hóa, tăng tốc số hóa, quản lý dữ liệu và số hóa quy trình kinh doanh, truy cập thông tin cần thiết từ mọi nguồn dữ liệu của doanh nghiệp… qua đó nhằm đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn./.

Theo VOV

Số hóa để OCOP nâng tầm và lan tỏa
Không còn giới hạn trong phạm vi làng, xã, các sản phẩm OCOP đã tạo vị thế riêng trên các sàn thương mại điện tử và trên các mạng xã hội như facebook, zalo... Đẩy mạnh số hóa các sản phẩm OCOP sẽ rút ngắn lộ trình đến với khách hàng và góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm.