Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngư dân gặp khó, đi biển thua lỗ khi giá dầu vẫn ở mức cao

11:16 15/12/2021 GMT+7
Giá xăng dầu vẫn ở mức cao trong những tháng cuối năm đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có nghề khai thác biển.

Theo ngư dân, trong hoạt động đánh bắt thì nhiên liệu chiếm đến 80% chi phí cho mỗi chuyến biển, trong khi tính từ đầu năm đến nay, giá dầu DO đã tăng tương đương 6.000 đồng một lít đã làm tăng chi phí rất lớn trong hoạt động đánh bắt của ngư dân.

Sóc Trăng hiện có 986 tàu khai thác biển, trong đó có 338 tàu đánh bắt xa bờ nên khi giá nhiên liệu tăng thì hoạt động đánh bắt của ngư dân phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Đối với phương tiện cào đôi thì mức tiêu hao nhiên liệu mỗi ngày từ 1.500 lít đến 1.800 lít dầu DO. Việc giá dầu tăng dẫn đến chi phí đánh bắt tăng lên và mức lợi nhuận của ngư dân giảm xuống.

Ngư dân Sóc Trăng gặp khó khăn trước sức ép giá dầu cao.

Anh Phạm Thành Huy, ngư dân ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề chỉ có một tàu xa bờ, chưa có sự liên kết với tàu vận tải, thời gian bám biển không dài nên chi phí ra vào cảng cá thường xuyên làm phát sinh chi phí rất lớn, nguy cơ thua lỗ rất cao. Không chỉ gia đình anh mà nhiều hộ đánh bắt riêng lẻ cũng rất lo lắng cho từng chuyến biển.

Một mùa biển dù có sản lượng tốt nhưng chi phí nhiên liệu phát sinh, trong khi nhiều mặt hàng hải sản khó khăn tiêu thụ giá không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng sụt giảm.

“Bà con ở Trần Đề chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt khai thác thuỷ sản, nguồn lợi đánh bắt thu được đem vào bán rất thấp. Thứ hai giá dầu cao, so sánh nguồn lợi đánh bắt với giá dầu thì bà con không có lãi. Hàng đợt ghe vào, bà con phải tu bổ, ghe cộ máy móc trang thiết bị, chi phí tu bổ rất nhiều, cho nên năm nay bà con làm rất khó khăn” - anh Phạm Thành Huy nói.

Trước tình hình giá dầu vẫn ở mức cao trong những tháng cuối năm, tàu đánh bắt xa bờ đã kéo dài thêm thời gian bám biển từ 20 - 30 ngày để hạn chế chi phí nhiên liệu ra vào ngư trường. Ngoài ra, ngư dân Sóc Trăng cũng đang khai thác tối đa 21 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ để tiết kiệm nhiên liệu, đối phó trước biến động của giá xăng dầu.

Tuy nhiên, cái khó là lực lượng tàu đánh bắt ven bờ và gần bờ của Sóc Trăng có trên 800 phương tiện phải đối mặt với thua lỗ nếu đánh bắt không đạt sản lượng, chính vì vậy, hiện tỉ lệ tàu đánh bắt gần bờ và ven bờ ra khơi chỉ từ 40 - 50%.

Anh Trần Minh Thành, ngư dân thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Mùa dịch bà con đi đánh bắt ít lắm, giá dầu tăng cao đi đánh bắt được 70% thôi, không được nhiều. Tôi cũng gắng đi làm để cho người lao động có thu nhập chứ giá dầu tăng như vậy khai thác lời ít lắm, có tàu đi về còn bị lỗ luôn. Đi phải đi lâu ngày, dài hạn phải 3 tháng trở lên mới có lời nhưng không được nhiều, đạt trung bình trở lại chứ không được như mọi năm”.

Năm 2021, sản lượng khai thác biển dự kiến đạt khoảng hơn 70.000 tấn, tuy vẫn đạt được kế hoạch đề ra, tuy nhiên mức lợi nhuận của ngư dân giảm nhiều do chi phí nhiên liệu tăng cao, giá hàng hóa đánh bắt không tăng, thậm chí bị sụt giảm.

Đối phó với tình hình giá dầu tăng, số lượng tàu xa bờ Sóc Trăng đa phần là kéo dài thời gian bám biển. Tuy vậy, không khí vận chuyển hàng hóa trên cảng vẫn hoạt động sôi động nhờ vào đội tàu vận tải thường xuyên ra vào ngư trường để cung ứng nguyên nhiên liệu và đưa hàng hóa đánh bắt vào bờ thường xuyên./.

Theo VOV

Ngư dân Nghi Tiến ngóng chờ một bến thuyền mưu sinh
Từ thuở khai sinh lập ấp đến nay, hàng trăm người dân Nghi Tiến (Nghi Lộc – Nghệ An) luôn mong muốn có một bến thuyền để tiếp tục kế sinh nhai.