Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngư dân Nghi Tiến ngóng chờ một bến thuyền mưu sinh

Bùi Ánh - 07:24 09/11/2021 GMT+7
Từ thuở khai sinh lập ấp đến nay, hàng trăm người dân Nghi Tiến (Nghi Lộc – Nghệ An) luôn mong muốn có một bến thuyền để tiếp tục kế sinh nhai.

Mỗi năm phải bỏ ra cả trăm triệu “nhặt đá” khơi thông

Nghi Tiến vốn là vùng đất không mấy thuận lợi về nông nghiệp, là xã nằm ở cuối nguồn của dòng thủy lợi Nam, đất đai nhiễm mặn, phèn chua không thể canh tác. Mỗi năm, người dân trong xã chỉ canh tác một vụ lúa Đông Xuân còn lại phải bỏ hoang đất, vụ Hè Thu hầu như không sản xuất vì hiệu quả mang lại của mùa vụ rất kém.

Cứ sau mỗi lần bão vào đá bị sóng đánh xuống lấp cả lối vào neo đậu

Thế nhưng, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông – ngư nghiệp thì điều kiện tự nhiên không được ưu đãi. Nông nghiệp khó khăn đã đành, nay muốn bám biển, kiếm kế sinh nhai từ nguồn lợi biển lại khó thêm gấp bội. Bởi từ bao đời nay, hàng trăm người dân của hai xóm Trung Thắng và Bắc Thắng bám biển chỉ với một phương tiện duy nhất là chiếc thuyền thúng đã quá lỗi thời, lạc hậu. Mỗi chuyến ra khơi của ngư dân chỉ tính bằng 3 giờ đồng hồ hoặc những hôm mặt biển phẳng lặng mới có thể ngồi thúng mà đi thả lưới được.

Nhìn về phía những chiếc thuyền thúng, phương tiện theo mình suốt hơn 40 năm qua, ông Hoàng Văn Liêm (SN 1960) ở thôn Trung Thắng (Nghi Tiến) là vạn trưởng của các ngư dân trong xã nói: “13 tuổi tôi đã bắt đầu ngồi thúng ra biển bắt cá, sau bao nhiêu năm phương tiện mưa sinh của tôi vẫn là chiếc thuyền thúng. Mỗi năm, các hộ dân ở đây phải tự bỏ tiền ra thuê máy nạo vét đá để có chỗ kéo thúng lên mỗi khi bão về. Hàng năm, tùy thuộc vào thiên nhiên, sau mỗi lần bão đều phải thuê máy để kéo phương tiện lên bờ trú bão- bình quân mỗi năm phải 3 đợt, mỗi đợt như thế hết hơn 30 triệu đồng. Để kéo được lên bờ chúng tôi còn phải dùng lốp cao su độn phía dưới đáy thuyền kéo đề phòng đá cắt đứt hoặc bào mòn gây nguy hiểm khi ra khơi đánh bắt cá”.

Bao đời nay ngư dân Nghi Tiến mong ngóng có một cái bến để không phải dùng lốp cao su kéo thuyền lên tránh bão

Để khơi thông và đưa phương tiện vào trú bão hoặc sau mỗi chuyến ra biển trở về, mỗi hộ dân cùng nhau đóng góp 2 đến 3 triệu/năm để thuê máy móc về cào đá lên, tạo lạch cho thuyền vào bờ.

“Do không có chỗ cho phương tiện neo đậu và trú bão nên chúng tôi vẫn cứ phải bám biển bằng con thuyền thúng bé tí này, nói thật chứ đi biển bằng phương tiện này chúng tôi cũng khổ lắm rồi. Người dân nơi đây không đi biển thì chẳng biết làm nghề gì mà sống. Nếu sắm thuyền lớn thì không thể kéo lên cạn trú bão được, nó nặng lắm chứ không nhẹ như loại này. Cứ mỗi lần bão vào nên đá cứ bị hất văng xuống lấp lại như cũ rồi cứ thế mà khơi thông sau mỗi lần bão”, anh Hoàng Đức Chính, thôn Trung Thắng cho biết.

Muốn đầu tư thuyền lớn nhưng khó…

Nghi Tiến là xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn, thuộc khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.  Được biết, toàn xã có 182 hộ ngư nghiệp với 200 thuyền bám biển hàng năm, giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động. Đời sống của người dân xã Nghi Tiến chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thủy hải sản là chủ yếu. Thế nhưng, hiện nay tại các bãi biển trên địa bàn xã chưa có khu neo đậu tàu thuyền cho các hộ ngư nghiệp và chưa được chú trọng đầu tư. Đặc biệt vào mùa mưa bão các hộ dân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc kiếm chỗ cho thuyền có chỗ trú bão.

Vì hạn chế về chỗ neo đậu nên cho đến nay toàn xã chưa có con thuyền nào được đóng có chiều dài từ 6m trở lên mà chủ yếu sinh nhai bằng thuyền thúng. Đó cũng là một sự bất lực của các ngư dân trong việc sắm sửa phương tiện phục vụ kế sinh nhai của cả gia đình. Dẫu biết ra biển bằng thuyền thúng nguy hiểm, không an toàn nhưng chẳng còn cách nào khác đành chấp nhận đương đầu để sinh tồn.

Truyền đời bám biển chưa thể thoát khỏi loại phương tiện vốn đã cũ kỹ, không an toàn

“Sở dĩ ở đây cứ phải sử dụng phương tiện là thuyền thúng vì toàn xã không có chỗ nào có thể neo thuyền tránh bão mặc dù bờ biển dài và cũng có lợi thế để xây dựng bến nhưng chưa được đầu tư. Ngày nào chúng tôi cũng ngóng có được cái bến nhỏ nhỏ như ở xã Nghi Thiết - xã bên cạnh. Chúng tôi muốn bám biển vì nghề biển là kế sinh nhai của cả xã. Muốn sắm sửa một con thuyền có công suất lớn một chút để vươn khơi xa nhưng không có chỗ neo, mỗi lúc bão tố cũng không thể kéo thuyền lên cạn được”, ông Thắng nói.

Những chiếc thuyền hiện đại vươn khơi nhiều ngày và có thể đương đầu với sóng lớn dường như chưa bao giờ ngư dân Nghi Tiến dám nghĩ tới vì điều kiện để neo đậu, trú bão gặp nhiều khó khăn. Nên những chiếc thuyền thúng được làm bằng tre đan chặt và quét lớp dầu rái ngăn nước chảy vào, cùng chiếc mái chèo và tấm lưới 2 (loại lưới chuyên bắt cá loại vừa, những cá nhỏ sẽ không dính lưới) là dụng cụ theo suốt bao đời nay của ngư dân Nghi Tiến.

Cứ mỗi lần nghỉ ngơi hay trốn bão đều phải gồng gánh thuyền thúng lên bờ hoặc dùng độn cao su kéo nếu không đủ người

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Phi – Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến cho biết: “Các hộ dân trong xã, kể cả bản thân tôi cũng rất mong muốn có một bến bãi neo đậu thuyền để tạo điều kiện cho người dân có cơ hội đóng thuyền lớn ra khơi bám biển. Phần lớn người dân trong xã sống bằng nghề khai thác thủy sản nhưng lại không có chỗ cho tàu thuyền vào neo đậu. Đã rất nhiều lần người dân kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền cao hơn, còn nguồn lực để tại chỗ thực hiện việc này là rất khó khăn đối với xã. Tôi cũng chỉ biết đề cập nguyện vọng thiết thực của người dân lên cấp trên để có một phương án tốt nhất hỗ trợ phần nào cho người dân muôn đời bám biển trên địa bàn”.