Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân khuyết tật chế tạo thành công thiết bị giúp động cơ tiết kiệm xăng

Đức Vượng - 14:20 05/04/2024 GMT+7
Dù bị mù một bên mắt và cụt một cánh tay, nhưng người nông dân ấy vẫn không đầu hàng số phận, ông quyết tâm làm một việc gì đó có ích cho đời. Thứ mà ông chọn, đó là nghiên cứu ra thiết bị tiết kiệm xăng dầu, giúp người dân tiết kiệm chi phí, giúp trái đất "xanh hơn" khi tiết kiệm được nguồn tài nguyên quý giá nhưng không thể tái tạo này.

Vượt qua chính mình

Tuy không được may mắn như nhiều người, nhưng ông Tạ Tuấn Minh (sinh năm 1964, ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) bằng tình yêu và đam mê luôn thôi thúc trong suy nghĩ của người nông dân khuyết tật ấy ý chí và nghị lực để vượt qua với chính mình.

Nhiều năm nghiên cứu mày mò, năm 2010, ông Minh đã chế tạo thành công và cho ra đời bộ sản phẩm động cơ tiết kiệm xăng. Với phương pháp này có thể giúp tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành chi phí cho động cơ, khiến người dân yên tâm hơn rất nhiều trong đời sống kinh tế hàng ngày. Nhìn vào thành quả có được ngay từ những thành công bước đầu, ông rất vui và cho rằng mình cần phải làm nhiều điều tốt hơn thế nữa. Bằng những bộ phận này, lượng xăng tiêu thụ trên xe máy giảm được hơn 50%, đồng thời công suất máy cũng tăng lên 7-9%. Ông gọi đó là “giải pháp tiết kiệm xăng”, vì bộ phận này có tác dụng khắc phục các nhược điểm do nguyên lý hoạt động của động cơ. Buồng đốt có đủ tỷ số nén và nhiên liệu được đốt cháy một cách triệt để.

Ông Tạ Tuấn Minh bên cạnh bộ sản phẩm tiết kiệm xăng do mình tự chế tạo (ảnh Đ.Vượng)

Sau khi chế tạo thành công bộ máy tiết kiệm xăng, ông đã tiến hành thử nghiệm nhiều lần (bằng cách chạy trên đường trường) trên 10 xe gắn máy có dung tích xi lanh từ 50 đến 110cc. Kết quả là với xe hộp số tự động, trước khi lắp bộ phận tiết kiệm có mức tiêu thụ 36km/lít xăng và tốc độ tối đa 85km/h. Sau khi lắp đã tăng lên 58km/lít xăng, và tốc độ tăng lên 92km/h. Với xe hộp số cơ có dung tích xi lanh từ 90-100cc, thì mức tiêu hao nhiên liệu sau lắp bộ phận tiết kiệm nhiên liệu là 90-102km/lít xăng, và xe có dung tích trên 110cc là 85-90km/lít xăng.

Theo ông Minh, thì bộ phận tiết kiệm xăng này nếu được sản xuất theo dây chuyền công nghệ thì giá thành khoảng 100 ngàn đồng/chiếc, gọn nhẹ hơn rất nhiều so với phương pháp sản xuất thủ công. Nếu sản phẩm này được đưa vào sản xuất hàng loạt, đây sẽ là tin vui rất lớn cho người dân khi đi xe máy trong thời buổi giá xăng cứ thay đổi liên tục như hiện nay.

Bằng những thành quả có được mà mình nghiên cứu, đã có rất nhiều đơn vị không ngần ngại đường xá xa xôi, tìm về vùng quê nghèo heo hút thuộc tỉnh Bình Phước để gặp và trò chuyện trực tiếp với người nông dân khuyết tật và đầy nghị lực ấy. Việc ông Tạ Tuấn Minh chế tạo thành công bộ phận tiết kiệm xăng, bằng những phương pháp thủ công sẵn có, quả là chuyện có một không hai từ xưa tới nay. Với sự sáng tạo đó, ông đã được nhiều tổ chức khoa học kỹ thuật từ nhiều nơi đến để kiểm chứng, ghi nhận.

 Rất nhiều người nể phục ông

Năm 1984, trong một lần làm việc, vì không cẩn thận nên ông bị tai nạn làm mất đi một cánh tay trái, và hỏng một bên mắt. Dù bị khuyết tật, nhưng chưa bao giờ ông chịu lùi bước trước số phận. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu với quyết tâm sẽ thành hiện thực.

Ông Tạ Tuấn Minh trò chuyện với phóng viên.

Gặp ông, chúng tôi được ông kể cho nghe rất nhiều những câu chuyện về quá trình mày mò nghiên cứu bộ sản phẩm ấy của mình. Ông cho biết: “Để có được kết quả như hôm nay, tôi phải mất rất nhiều công sức và tiền của cho công tác nghiên cứu. Thậm chí, tôi đã liên hệ với các sinh viên Trường Đại học Bách Khoa - TP. HCM để nhờ họ hỗ trợ những phần kĩ thuật, mà tôi không thể sản xuất được. Hiện tôi đang gửi toàn bộ hồ sơ sản phẩm lên các cơ quan chức năng như: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước, Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký bản quyền. Tôi cũng đã liên hệ các cơ quan kiểm định kỹ thuật để tiến hành giám định sản phẩm của mình”.

Được biết, vào năm 2010, ông Tạ Tuấn Minh chế tạo thành công động cơ tiết kiệm xăng, và bắt đầu đưa vào sử dụng trong động cơ xe gắn máy. Theo ông với phương pháp giảm lục nén, tăng lực đẩy cho động cơ xăng là quy trình khuếch đại thể tích nhiên liệu cho động cơ xăng nhằm khắc phục được nhiều nhược điểm của bộ chế hòa khí như: Sự phân tán không đều của áp suất; nhiên liệu khuếch tán không đều; tỉ số nén bị hạ thấp dẫn đến công suất không đạt; lượng không khí đi vào bị cửa ga khống chế; nhiên liệu cháy không hết, dẩn đến hiệu suất thấp ở vòng tua cao; lượng khí thải hydro cacbon quá cao dẫn đến ô nhiễm môi trường; sự dội ngược nhiên liệu hỗn hợp trở ra bộ chế hòa khí làm tổn thất đến 20% nhiên liệu.

Để khắc phục những nhược điểm trên, làm hẹp đường hút nhiên liệu phía sau bộ chế hòa khí thêm từ 15-40% thể tích và diện tích nguyên bản của chúng bằng cách đưa cơ cấu vào trong ống hút. Tuỳ theo động cơ mới hay cũ (động cơ mới chiếm 15% còn động cơ cũ thì giới hạn ở mức 40% diện tích và thể tích của ống hút). Đặc biệt, khi gia tăng áp suất cần phải kiểm soát không để cơ cấu rơi vào buồng nổ, chi tiết nhỏ tối thiểu phải lớn hơn cửa xút-pắp nạp lúc mở tối đa. Tiếp đến là cho gia nhiệt nhiên liệu, để làm được điều này thì gia tăng áp suất thiết kế dạng như chiếc lò xo có kết cấu hình nón được đặt từ cửa xút-pắp nạp đến phần tiếp giáp với bộ chế hoà khí (đường kính đầu lớn của lò xo lớn hơn đường ống hút). Khi nhiên liệu thoát ra khỏi vòi phun bị cấu dạng của hình nón đẩy nhiên liệu trượt qua hai biên gây cọ xát với nguồn nhiệt của lò xo, ống hút làm nóng hóa hơi nhiên liệu.

Ông Tạ Tuấn Minh nói: “Qua thời gian dài nghiên cứu, tôi đã thành công một phương pháp tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ xăng. Công nghệ này mang tên GTM3, với nguyên lý hoạt động theo những bước như: Gia tốc nhiên liệu lên vận tốc mạch, làm phân giãn chuỗi hydro cac bon tăng nhanh tốc độ cháy. Kết quả là tiết kiệm được từ 12% - 17% nhiên liệu trên động cơ phun xăng điện tử  (FI), tiết kiệm thêm từ 20% - 40% động cơ chế hòa khí (động cơ mới) tùy chỉ số nén mà hiệu suất giao động khác nhau.

Điểm đặc biệt của GTM3 là những động cơ xuống cấp, sau khi lắp đặt, GTM3 phục hồi đến 20% công suất mà không phải sửa chữa, đồng thời làm hạ cường độ nhiệt giúp tăng sức bền vật liệu trên động cơ.

Sản phẩm này đã được Bộ khoa học và Công nghệ chọn tham gia triễn lãm hội chợ Công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam (International Techmart Vietnam ) tại Hà Nội”.