Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nguy cơ thiếu thịt lợn dịp cuối năm do giá thức ăn tăng cao

Duy Mạnh - 10:42 02/08/2022 GMT+7
Giá thức ăn tăng cao khiến người chăn nuôi e dè trong việc tái đàn khiến cho áp lực thiếu thịt lợn vào cuối năm tăng cao. Trong tổng số 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sử dụng trong nước hàng năm, Việt Nam chỉ tự chủ được khoảng 13,1 triệu tấn (chiếm 37%), còn lại phải nhập khẩu.

Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 60 – 70% giá thành sản phẩm

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT): Từ tháng 7/2020, khi giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (chủ yếu nhập khẩu) liên tục tăng cao, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, đưa ra giải pháp góp phần nâng cao tính tự chủ nguồn cung thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.

Có thể nói, chăn nuôi là một ngành kinh tế và kỹ thuật, có mối quan hệ hữu cơ với ngành trồng trọt, thủy sản và công nghiệp chế biến. Sản phẩm đầu ra của ngành trồng trọt và thủy sản là đầu vào của ngành chăn nuôi (ngô, sắn, thóc, đậu tương, đầu tôm, đầu, ruột cá…) còn sản phẩm đầu ra của ngành chăn nuôi được tái sử dụng để làm phân bón.

Hiện tại, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 – 70% giá thành sản phẩm. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm thịt lợn, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 59 – 65%, chi phí giống chiếm 22 – 24%, còn lại là các chi phí khác (khấu hao thiết bị, chuồng trại, điện, nhân công, thuốc thú y…). Đối với sản phẩm gia cầm, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm từ 69 – 75% giá thành. Do đó, đối với lợn và gia cầm, thức ăn chăn nuôi có vai trò quyết định đến hiệu quả sản xuất.

Giá thức ăn quá cao, người nuôii giảm bớt quy mô chăn nuôi lợn bởi lãi suất không có. Ảnh minh họa

Hiện nay, trong tổng số 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sử dụng trong nước hàng năm, Việt Nam chỉ tự chủ được khoảng 13,1 triệu tấn (chiếm 37%), 21,9 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm 63%) chủ yếu để phục vụ chăn nuôi lợn (chiếm 55,7%) và gia cầm (40,6%), còn lại là các vật nuôi khác. Do đó, ngành chăn nuôi phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu rất lớn.

Trong cơ cấu sản lượng thịt sử dụng trong bữa ăn của người Việt Nam, tỷ lệ thịt lợn chiếm 62% (trong khi bình quân của thế giới chỉ khoảng 38%); Như vậy, thông qua việc cơ cấu lại giỏ thực phẩm theo hướng giảm tỷ lệ sử dụng thịt lợn, tăng tỷ lệ sử dụng thịt gia cầm và động vật nhai lại, chúng ta sẽ từng bước giảm lệ thuộc vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu.

"Giá thức ăn quá cao, chúng tôi giảm bớt chăn nuôi bởi lãi suất không có, áp lực lãi suất quá lớn. Nuôi bao nhiêu thì tiền cám ăn hết bấy nhiêu, chúng tôi không có lãi. Hiện chúng tôi chỉ nuôi nhỏ lẻ một ít thôi, cố gắng giữ lấy đàn", bà Nguyễn Thị Thọ - người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, mà ngay với các hộ có mô hình trang trại như gia đình anh Hồng ở xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng đang băn khoăn cho việc có nên vào đàn thời điểm này hay không. Để duy trì thức ăn cho đàn 500 nái và 300 lợn thịt thời điểm này mỗi tháng cũng tiêu tốn cả trăm triệu đồng.

"Cũng mong giá bán thịt ổn định bởi giá tăng cao thì sau đó sẽ xuống nhiều. Mong Nhà nước duy trì chính sách ổn định giá để ngành chăn nuôi yên tâm", anh Phạm Quang Hồng  cho biết.

Tại nhiều tỉnh trọng điểm chăn nuôi lớn trên cả nước, nguồn cung lợn ra thị trường cũng đang có chiều hướng giảm hơn so với các tháng trước đây từ 5-10%. Một phần cũng do nhiều trang trại đợi giá lợn hơi tăng cao chờ xuất bán.

"Vừa qua, chúng tôi đã cùng với các doanh nghiệp lớn đã tổ chức hội nghị trên toàn quốc để làm sao đảm bảo được nguồn cung thị lợn cho thị trường 100 triệu dân", ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm.

Bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá

Nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào dịp Tết, thời điểm tiêu thụ thực phẩm nhiều nhất trong năm, thì việc giá thịt lợn hơi tăng vượt mức 100.000 đồng/kg lợn là khó tránh khỏi. Điều này đã từng xảy ra sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi năm 2019. Khi đó cả người chăn nuôi, lẫn người tiêu dùng sẽ đều phải chịu thiệt.

Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá. Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn;

Thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước; tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT và các địa phương, cơ quan liên quan chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.