Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những đổi thay tích cực trong chuyển đổi số ở Ninh Bình

Thiện Quang - 07:08 01/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngay từ những ngày đầu triển khai chủ trương về chuyển đổi số, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo quyết liệt, quan điểm rõ ràng, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành. Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đã được thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân được thụ hưởng.

Huyện Yên Mô đi đầu trong chuyển đổi số cấp xã  
Ngày 20/4/2021, BCH Đảng bộ tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về “Xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, Nghị quyết xác định ưu tiên tập trung đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ở 8 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa thể thao, du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, tài chính; Hàng năm bố trí 1,0% tổng chi cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển hai các hoạt động, chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số, đặc biệt là công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ về chuyên ngành công nghệ thông tin. 
Khi bắt đầu triển khai thực hiện chuyển đổi số phải xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng được điều kiện về con người, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương để từ đó xây dựng được các nội dung cần triển khai có tính sát thực và phù hợp. Tỉnh quyết định chọn 6 địa phương của huyện Yên Mô triển khai mô hình chuyển đổi số cấp xã năm 2021 là Yên Thành, Yên Đồng, Yên Từ, Yên Mạc, Khánh Thịnh và thị trấn Yên Thịnh. 
Một trong những thuận lợi cơ bản của huyện Yên Mô trong thực hiện mô hình điểm này là năm 2020 huyện đã có xã Yên Hòa được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là một trong 12 địa phương trong toàn quốc triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã nhằm hướng tới xây dựng mô hình “xã thông minh”. 
Theo ông An Đôn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô: Một trong những giải pháp quan trọng mà huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đó là phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các xã, thị trấn. Chú trọng sử dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ số của Việt Nam để đảm bảo sẵn sàng kết nối với các hệ thống dùng chung của tỉnh. Đặc biệt, phải lấy người dân làm trung tâm để thực hiện. 

Làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Một cửa huyện Yên Mô. Ảnh Bảo Lâm
Một trong những chuyển biến tích cực thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở Yên Mô, đó chính là nhiều người dân đã dần thay đổi về nhận thức, trở thành những nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: thực hiện giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám, chữa bệnh; thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; nộp học phí tại các trường học; sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa… 
Đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình có trên 63.000 người có tài khoản định danh điện tử; hơn 587 nghìn người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; trên 289.800 địa điểm có địa chỉ số. Trong lĩnh vực cải cách hành chính, việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp với 806 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công hiện nay đạt trên 50%. 
Triển khai nhân rộng chuyển đổi số cấp xã và thí điểm mô hình Chính quyền số
Cổng dịch vụ công của tỉnh đã triển khai hiệu quả trên cơ sở kết nối liên thông với hệ thống một cửa của tỉnh và các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, các đơn vị ngành dọc. Quá trình chuyển đổi số cũng được thể hiện rõ trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và hoạt động của các cấp chính quyền của tỉnh. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ (LAN) để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các hệ thống thông tin của tỉnh; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có máy tính sử dụng tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, tại cấp xã đạt khoảng 85%. 
Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai cho 197 cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh; đã hình thành mạng diện rộng nội tỉnh (WAN) dựa trên hạ tầng của mạng truyền số liệu chuyên dùng. Hiện đã đấu chuyển cơ bản cho các cơ quan, đơn vị để sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh vào mạng truyền số liệu chuyên dùng và kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng quốc gia do Cục Bưu điện Trung ương quản lý. Đặc biệt, công nghệ số, các ứng dụng và nền tảng số đã gần như hiện diện trong tất cả các hoạt động phòng, chống và chăm sóc sức khỏe người dân khi dịch COVID-19 bùng phát. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp cũng chuyển dần mô hình và phương thức quản lý hành chính, kinh tế, xã hội truyền thống sang nền tảng chuyển đổi số. 
Việc hoàn thành thí điểm chuyển đổi số cấp xã tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô được xem là điểm sáng về chuyển đổi số cơ sở trong cả nước, tạo tiền đề quan trọng để Ninh Bình triển khai nhân rộng tại 13 xã và thí điểm mô hình Chính quyền số tại thành phố Tam Điệp. Nếu như trước đây, tại các địa phương việc triển khai hạ tầng số còn những hạn chế như: Đường truyền mạng chưa ổn định, hệ thống mạng chưa được cấu hình và phân chia lớp mạng, khó khăn trong quá trình sửa chữa và mất mỹ quan công sở; việc cấp chữ ký số còn chưa đầy đủ, trong khi đó công chức sử dụng chưa thường xuyên. Việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả; số tài khoản được cấp để sử dụng ít, tỷ lệ văn bản chưa xử lý trên môi trường mạng còn nhiều. 
Đến nay, hạ tầng số của các đơn vị đã được cải thiện, hệ thống mạng Internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý và không còn tình trạng in văn bản ra xin ý kiến lãnh đạo. 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình (cán bộ tiếp nhận - lãnh đạo ký duyệt - văn thư đóng dấu - trả kết quả), qua đó giảm tình trạng chậm trễ hồ sơ của tổ chức và công dân.