Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những nông dân thu tiền tỷ nhờ mạnh dạn chuyển đổi

08:19 25/02/2021 GMT+7

Xã Ea Sol (huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk) vốn có thế mạnh về phát triển cây cà phê và hồ tiêu. Tuy vậy những năm gần đây cà phê và hồ tiêu rớt giá, dẫn đến giảm thu nhập, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác. Nhờ đó, nhiều nông dân đã thu về tiền tỷ.

Anh Lê Thảo chăm sóc cho dê ăn.

Mát tay thu trái ngọt

Điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương phải kể tới gia đình ông Nguyễn Văn Liêm. Nhà có 4ha trồng tiêu và cà phê nhưng cũng như nhiều nông dân khác, ông Liêm từng điêu đứng vì cảnh mất giá, thu nhập không được bao nhiêu.

Ông cho biết, sau rất nhiều trăn trở, phải làm gì để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống. Cơ hội để ông quyết tâm thay đổi là sau một lần đi thăm mô hình trồng bưởi da xanh ở Đồng Nai. Ông nhận thấy cây bưởi có nhiều ưu điểm như ra trái quanh năm, giá cả và đầu ra ổn định. Đầu năm 2016, ông khăn gói xuống miền Tây để mua 400 gốc bưởi da xanh. Về nhà ông phá bỏ 2ha cà phê, chuyển sang trồng bưởi da xanh theo mô hình chuyên canh.

Nhờ cần cù, chịu khó và học tập từ kinh nghiệm, sau 3 năm trồng và chăm sóc vườn cây phát triển tốt và cho năng suất cao. Từ những thành công ban đầu, ông đã mở rộng diện tích trồng thêm 500 gốc bưởi da xanh và 300 cây quýt đường. Hiện nay, gia đình ông chuyển đổi toàn bộ 4ha đất trồng cà phê và hồ tiêu sang trồng 900 gốc bưởi da xanh và 300 cây quýt đường. Năm 2019, 400 gốc bưởi da xanh ông thu hoạch được 40 tấn, với giá bán bình quân từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg và 300 gốc quýt đường, thu hoạch được 9 tấn với giá bán từ 10.000-12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lợi 1,2 tỷ đồng.

Mô hình trồng bưởi da xanh và quýt đường của ông Liêm đã được nhiều nông dân trong và ngoài địa phương học hỏi và làm theo. Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện nay ông còn cung ứng giống bưởi da xanh và hướng dẫn cho nhiều nông dân ở tại địa phương có nhu cầu chuyển đổi từ trồng cà phê, hồ tiêu sang trồng bưởi, đồng thời hỗ trợ về mặt kỹ thuật canh tác, để nông dân sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Liêm (thứ hai từ trái sang) giới thiệu về hiệu quả của mô hình trồng quýt.

Nuôi dê mở hướng đi mới

Không lệ thuộc vào những cây trồng truyền thống, nhiều nông dân xã Ea Sol còn mạnh dạn tìm những vật nuôi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó mô hình nuôi dê bán giống và lấy thịt của vợ chồng anh Lê Thảo là một điển hình.

Anh Thảo kể rằng, năm 2012, sau khi cưới vợ ra ở riêng được bố mẹ cho 4 sào đất, vợ chồng anh trồng được gần 600 trụ tiêu. Khi tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì bị dịch bệnh chết hàng loạt. Anh Thảo suy nghĩ nếu tiếp tục trồng lại tiêu thì độ rủi ro cao nên anh đã quyết định chuyển đổi hướng làm ăn mới.

Sau khi đi tham quan một số mô hình nuôi dê trên địa bàn xã anh nhận thấy hướng đi này mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn. Vào năm 2017, vợ chồng anh đã dùng số tiền tích lũy cùng với vay mượn thêm đầu tư làm chuồng trại và mua 5 con dê mẹ về nuôi. Nhờ chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc chu đáo nên đàn dê ngày càng phát triển và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh.

Với thành công bước đầu, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi và tăng quy mô đàn dê. Đến nay, gia đình anh có 300 con dê lớn, nhỏ, trong đó có hơn 50 con dê mẹ. Bình quân mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, đặc biệt có những lứa lên đến 3 – 4 con. Dê nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 25 đến 30kg. Dê được các nhà hàng trong và ngoài địa bàn tiêu thụ với giá bán giao động từ 120.000 đến 135.000 đồng/kg. Không chỉ bán dê thịt, gia đình anh Thảo còn bán con giống, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Anh Thảo cho biết: “Dê là động vật ăn tạp nên việc kiếm thức ăn cho chúng không khó. Người nuôi có thể tận dụng thức ăn có sẵn như keo, gòn, bơ, mít hoặc có thể trồng cỏ voi, dây khoai lang để cho dê ăn. Việc nuôi dê cũng không khó, chủ yếu người chăn nuôi cần nắm được các đặc tính của loài dê để phòng ngừa dịch bệnh. Trước tiên, chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, sàn gỗ cách mặt đất khoảng 1m vì loài dê không ưa độ ẩm cao. Với lợi nhuận cũng như việc chăm sóc thuận lợi, anh đang tính sẽ mở rộng quy mô chuồng trại để tiếp tục phát triển kinh tế từ chăn nuôi dê”. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh Lê Thảo còn sẵn sàng giúp đỡ người dân ở địa phương về con giống, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi.

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi

Toàn xã Ea Sol hiện có 13.927ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 674ha cây ăn quả, tăng 73ha so với năm 2019. Hiện UBND xã Ea Sol đang tiếp tục vận động nông dân tổ chức sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững mang lại giá trị kinh tế trong thời gian tới.

Theo bà Vương Thị Hạnh- Chủ tịch Hội ND xã Ea Sol cho biết: Mô hình chuyển đổi từ cây hồ tiêu, cà phê sang cây ăn trái và chăn nuôi là hướng đi đúng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Để giúp nông dân trên địa bàn huyện nhân rộng mô hình, vừa qua, Hội ND huyện đã tổ chức cho chủ tịch Hội ND 12 xã, thị trấn và một số hội viên, nông dân các thôn, buôn trực tiếp đến tham quan mô hình để học hỏi kinh nghiệm.

Bên cạnh việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Ea H’leo cũng hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật để nông dân tái canh nâng cao năng suất cây cà phê. Theo ông Bùi Công Lăng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea H’leo cho biết: Đến năm 2020, trên địa bàn huyện Ea H’Leo được triển khai trồng 18 mô hình trồng tái canh cà phê, trong đó có 7 mô hình ghép chồi cà phê vối tại 03 xã (Ea Nam, Ea Ral, Ea H’Leo) với quy mô từ 300-500 cây cà phê/hộ và 11 mô hình sản xuất và tái canh cà phê vối cho 11 hộ tại 5 xã (Ea Nam, Dliê Yang, Ea Ral, Ea Khal, Ea Hiao) với tổng diện tích 9,7ha. Qua đánh giá hiệu quả trồng tái canh: tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, đảm bảo đúng chủng loại giống, chất lượng cây giống, cây phát triển mạnh và đạt năng suất cao”.

Trong số diện tích cà phê tái canh trên địa bàn huyện, hiện có khoảng 1.438ha đã bước vào giai đoạn kinh doanh. Chất lượng giống đảm bảo, cộng với được đầu tư, chăm sóc kỹ nên nhiều vườn cây cho năng suất rất cao, đặc biệt tại các xã Ea Nam, xã Dliê Yang, xã Ea Hiao nhiều vườn cho thu bói đã đạt 3-4 tấn nhân/ha cao hơn nhiều so với trước đây”. Giai đoạn 2021-2025 huyện Ea H’leo xây dựng Kế hoạch tái canh 2.690ha, nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân và góp phần duy trì diện tích, ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng và thương hiệu cà phê trên địa bàn huyện.

Hoài Nam