Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những sai lầm thí sinh thường mắc khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

08:11 26/07/2023 GMT+7
Theo chuyên gia, không ít thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học vẫn mắc phải những sai lầm phổ biễn dẫn đến không trúng tuyển những nguyện vọng mong muốn

Theo lịch của Bộ GD-ĐT, thí sinh còn 5 ngày nữa để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023. Nói về những nhầm lẫn thí sinh thường gặp phải khi đăng ký nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, thí sinh có thể có những sơ suất khi điều chỉnh, sắp xếp nguyện vọng xét tuyển. Về mặt kỹ thuật, nhiều em quên không kết thúc quy trình điều chỉnh, dẫn tới hệ thống không ghi nhận.

Không ít thí sinh vẫn mắc sai lầm khi đăng ký xét tuyển đại học. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, đôi khi thí sinh nghe trên truyền thông và bị nhầm lẫn rằng khi đã trúng tuyển vào một nguyện vọng xét tuyển sớm của một trường nào đó, các em bắt buộc phải đặt nguyện vọng 1. Song thực tế, không có trường nào được yêu cầu các em phải đặt nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thành nguyện vọng 1. Nguyện vọng nào các em thực sự yêu thích, mong muốn được trúng tuyển nhất dù là bằng phương thức nào, hãy đặt lên đầu tiên.

Việc xét tuyển sớm giúp tăng cơ hội cho thí sinh, để các em yên tâm là mình đã trúng tuyển vào trường, ngành đó. Nhưng các em vẫn còn một cơ hội nữa để có thể trúng tuyển vào ngành mình yêu thích hơn, đó mới là những nguyện vọng cao hơn (nguyện vọng 1, nguyện vọng 2). Còn trường hợp thực sự yêu thích ngành đã trúng tuyển có điều kiện, khi đó thí sinh có thể đặt kết quả này lên nguyện vọng 1, chắc chắn sẽ đỗ vào nguyện vọng đó. Các trường luôn truyền thông, khuyến cáo rằng nếu thí sinh muốn chắc chắn đỗ thì đặt nguyện vọng 1, đây là lời khuyến khích, không mang tính chất bắt buộc. 

"Một số thí sinh đặt quá ít nguyện vọng hay dồn nguyện vọng vào một nhóm trường top cao, như vậy rủi ro cũng sẽ rất lớn. Một điểm nữa tôi muốn lưu ý thí sinh, đó là không nên đặt quá nhiều nguyện vọng. Các em không cần đặt đến hàng trăm nguyện vọng để có thể trúng tuyển, thay vào đó nên chia nguyện vọng ra các trường ở mỗi vị trí khác nhau. Hiểu được sức học của mình, nắm rõ đề án tuyển sinh của các trường, thí sinh không cần đặt quá nhiều nguyện vọng dẫn tới tốn kém, lãng phí", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, nếu như các năm trước, nhiều thí sinh sai sót về mặt kỹ thuật khi lựa chọn nhầm phương thức, tổ hợp, cuối cùng không đạt được kết quả tốt nhất thì năm nay, hệ thống của Bộ GD-ĐT đã ưu việt hơn, cho phép thí sinh không cần chọn phương thức, tổ hợp.

Dù không phải chọn phương thức, tổ hợp nhưng trong phần chọn cơ sở dữ liệu để đối chiếu, song thí sinh lưu ý cần chọn đầy đủ các dữ liệu như học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực,…"đánh đúng, tích đủ". Khi đó, hệ thống sẽ đảm bảo xét tuyển cho thí sinh bất kỳ phương thức nào vì đã có đủ dữ liệu.

Với những thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm, nếu thực sự yêu thích ngành đó, trường đó thì hãy đặt lên nguyện vọng 1. Nếu không, thí sinh hoàn toàn có thể đặt nguyện vọng này xuống phía dưới và đặt những lựa chọn yêu thích hơn lên trên. Thí sinh cũng cần nhớ lựa chọn tích các nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện vào danh sách đăng ký nguyện vọng của mình và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Theo VOV