Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Bắc Giang thích ứng với công nghệ 4.0

16:09 12/03/2021 GMT+7

Bắt kịp với khoa học công nghệ những nông dân thời 4.0 Bắc Giang đang dần dần thay đổi tư duy, cách làm… đã tạo nên những cánh đồng trăm triệu, trang trại tiền tỷ, gây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Với công nghệ 4.0, ông Nguyễn Văn Nhông (xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng) luôn tự tin phát triển mô hình thả cá.

 Ứng dụng công nghệ số giảm nhiều chi phí

Tại huyện Lạng Giang mô hình nuôi cá của gia đình anh Dương Văn Trọng ở xã Đại Lâm là một trong những điển hình ứng dụng công nghệ số, dù ở bất cứ nơi đâu, anh đều có thể thực hiện việc cho cá ăn. Chỉ cần ấn nút điều chỉnh từ chiếc điện thoại Smart phone, toàn bộ diện tích hơn 2ha ao nuôi cá thâm canh của gia đình đã được cho ăn bằng chiếc máy ăn tự động kết nối điện thoại thông minh.

Anh Trọng cho biết: Việc nhà nông vốn rất bận rộn lên việc cho cá ăn đúng giờ là cả một vấn đề, nhưng giờ đây chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh được cài đặt 3G, vài thao tác đơn giản là tôi dù có ở Hà Nội vẫn có thể cho cá ăn đúng giờ, vừa hiệu quả, lại tiết kiệm được thời gian và công sức.

Anh Nguyễn Văn Dũng xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn cho biết thêm: Từ năm 2017 được tham gia lớp đào tạo sử dụng Internet do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, anh đã sử dụng điện thoại để đăng ảnh vườn cam, vải thiều của gia đình với giá bán công khai trên trang Facebook, các nhóm mua bán hoa quả… nhìn thấy người thực, vườn thực nhiều người tại Hà Nội, Hải Phòng đã nhắn tin đặt mua, bán tận tay cho khách hàng vừa được giá lại mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Với công nghệ việc kết nối giao thương thuận lợi đã góp phần đưa đặc sản Vải thiều Bắc Giang đi khắp vùng miền.

Đã ngoài 60 tuổi ông Nguyễn Văn Nhông xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng phấn khởi cho biết: Gia đình có 3 mẫu ao để thả cá phát triển kinh tế, vì vậy tôi rất hay xem các clip về nuôi trồng thuỷ sản, để nắm được thông tin và rút kinh nghiệm trong chăn nuôi. Qua tìm hiểu thấy người dân tỉnh Thái Bình sử dụng nước muối loãng xử lý ký sinh trùng cho cá giống trước khi chuyển sang ao nuôi thâm canh thấy rất hay lên tôi đã áp dụng vào ao nhà, không ngờ cá không bị mắc bệnh như trước và lớn nhanh hơn. Đúng là mỗi nơi, mỗi người đều có những kinh nghiệm, cách làm hay.

Nhân rộng mô hình câu lạc bộ “Nông dân với internet”

Theo ông Lê Công Sỹ – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạng Giang cho biết: Từ Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên nông dân” năm 2017 đến nay Lạng Giang đã thành lập được 6 Câu lạc bộ “Nông dân với Internet”; các câu lạc bộ đã chủ động xây dựng được những nhóm trên Facebook, Zalo để các thành viên liên lạc, trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm về cây trồng, vật nuôi của nhóm. Từ đó đã giúp cho nông nghiệp Lạng Giang có sự phát triển bền vững, các nông sản đều được thị trường chấp nhận, không có tình trạng “Khủng khoảng thừa”

Hiện nay tại các vùng sản xuất nông nghiệp hiện đại của tỉnh Bắc Giang như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rau cần Hoàng Lương, nấm Lạng Giang, rau an toàn Yên Dũng… người dân đã dần xóa bỏ thói quen canh tác lạc hậu, nhiều hộ đã ứng dụng công nghệ thông tin vào trồng trọt, chăn nuôi, đưa giống mới vào canh tác, tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết thêm: Với sự bùng nổ về công nghệ thông tin như hiện nay, người nông dân cần thay đổi từ tư duy và nhận thức, bên cạnh những kinh nghiệm cổ xưa đúc kết lại thì cũng phải học hỏi, trau dồi thêm những kiến thức mới mà không ở đâu có đủ bằng trên Google; những “trang trại tự động”, “thương mại điện tử”, “VietGAP”, “tem truy xuất hàng hóa”… người nông dân cần thiết phải học hỏi để đưa vào thực tiễn sản xuất. Đây cũng là những vấn đề căn bản để đưa nông nghiệp Bắc Giang ngày một chuyên nghiệp, hiện đại trong tương lai.

                                         Hoàng Tính