Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân đam mê nghiên cứu lai tạo ra giống lúa thảo dược

10:40 14/04/2020 GMT+7
Lúa thảo dược, được nông dân Phan Văn Hòa ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nghiên cứu, lai tạo và được đặt tên là lúa thảo dược Vĩnh Hòa (VH). Đặc điểm của giống lúa này là năng suất cao, bông có màu tím đậm, hạt lúa có màu tím hồng và có khả

Lúa thảo dược, được nông dân Phan Văn Hòa ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nghiên cứu, lai tạo và được đặt tên là lúa thảo dược Vĩnh Hòa (VH). Đặc điểm của giống lúa này là năng suất cao, bông có màu tím đậm, hạt lúa có màu tím hồng và có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt và kháng một số bệnh như: Bạc lá, đạo ôn, đốm nâu… Không chỉ vậy, gạo thảo dược VH có hàm lượng dinh dưỡng cao có tác dụng bổ máu, rất tốt cho tim mạch.

Ông Phan Văn Hòa (bên phải) – trên cánh đồng lúa thảo dược.

Cây lúa tím ra đời

Hơn 30 năm mày mò, nghiên cứu và quyết tâm tìm ra giống lúa mới, thuần việt, mang lại chất lượng dinh dưỡng cao, sau khi giống lúa thuần chủng AC5 được bà con nông dân tỉnh Nghệ An và một số tỉnh lân cận sử dụng, ông Hòa ấp ủ nghĩ tới một giống lúa đặc biệt hơn. Từ năm 2005, ông một mình âm thầm, hết phòng kín đến chân ruộng, hết bổ sung dinh dưỡng cho cây đến lai các giống với nhau, qua bao nhiêu thất bại cuối cùng có hai bông lúa màu tím ra đời. Giống lúa tím thảo dược độc, lạ, với hàm lượng và vi lượng dinh dưỡng rất cao như Vitamin A, B (B1, B2, B6), Omega (3,6,9), lipit, chất xơ… Hàm lượng này đã được kiểm chứng bởi Trung tâm đo lường chất lượng Việt Nam và Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế).

Từ những hàm lượng chất dinh dưỡng đó, các nhà khoa học nhận định gạo thảo dược có công dụng hỗ trợ chữa trị và ngăn ngừa các bệnh: Ung thư, tiểu đường, huyết áp, tim mạch, chống béo phì… đặc biệt dùng rất tốt cho trẻ em và người già, người mới ốm dậy…

Từ thành công ban đầu, ông Hòa tiếp tục nghiên cứu và lần lượt cho ra đời các giống lúa: Vĩnh Hòa 2, Vĩnh Hòa 3, Vĩnh Hòa 4 với hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, tiêu biểu là các vi chất omega 3, 6, 9.

Sản phẩm gạo thảo dược Vĩnh Hòa trên thị trường.

GS.TS Nguyễn Văn Tuất – nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khi kiểm định giống lúa này đã đánh giá rằng: “Giống lúa tím Vĩnh Hòa 1 rất phù hợp với vùng có khí hậu khắc nghiệt như ở Nghệ An, lúa có khả năng kháng sâu bệnh cao. Chúng tôi gọi giống này là gạo thảo dược. Gạo này có các thành phần vi lượng như Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 và Viện Dinh dưỡng đã có kết quả kiểm định. Gạo vừa bổ dưỡng vừa có khả năng kháng bệnh cho con người. Tôi nghĩ nên bổ sung giống lúa thảo dược vào bộ giống lúa chất lượng của Việt Nam. Nó vừa có chất lượng, năng suất cao, giá bán gấp đôi lúa thường…”.

Ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiếm khi có loại gạo nào khi đưa mẫu phẩm kiểm định lại cho ra hàm lượng Omega tốt hơn mong muốn. Nhưng với gạo tím thảo dược Vĩnh Hòa đều đạt chỉ số chất lượng với hàm lượng canxi (đơn vị mg/100g): 16,6, hàm lượng sắt: 1,1, hàm lượng vitamin A: 57,0, hàm lượng Omega 9: 1.290,0, hàm lượng Omega 6: 6,5. Đây chính là niềm vui hạnh phúc đã đạt được sau bao mồ hôi, công sức của người nông dân – người cựu chiến binh Phan Văn Hòa và những người nông dân xứ Nghệ.”

Hiệu quả tích cực từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Ông Hòa cho biết, đơn vị ông đang học tập, nghiên cứu nền nông nghiệp của các nước tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để áp dụng. Ông đánh giá ưu điểm của nông nghiệp công nghệ cao là tạo ra các nông sản chất lượng, năng suất cao ngay cả trong những điều kiện bất thuận như thời tiết, dịch bệnh của nước nhà; điều kiện làm việc của người lao động tốt hơn, thông qua kết nối internet di động..

Một thực tế cho thấy, cũng như nhiều địa phương khác, sản xuất công nghệ cao còn có những hạn chế, khoảng trống và rào cản nhất định. Đó là, người dân mới chủ yếu tập trung vào ứng dụng các tiến bộ KHKT, chứ chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng theo chuỗi giá trị, thiếu tính bền vững. Mặt khác vấn đề chính sách, kinh phí, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt thị trường đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập…

Theo ông Phan Văn Hòa, hiện nay là trình độ của người nông dân còn nhiều hạn chế, chưa hiểu hết về nông nghiệp công nghệ cao. Có một số dòng gạo chứa vitamin tốt cho sức khỏe, trong đó, gạo lứt chứa hàm lượng cao. Tuy nhiên, để hàm lượng chất dinh dưỡng chiếm trọn trong hạt gạo thì đòi hỏi phương thức canh tác phải tốt. Nếu làm sai quy trình, sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, sản phẩm làm ra sẽ bị giảm hàm lượng chất dinh dưỡng, thậm chí còn tích tụ độc hại. Do đó, khi áp dụng vào thực tiễn đòi hỏi người dân phải có sự tư duy, sáng tạo, làm chủ KHKT trên đồng ruộng.

Với những đóng góp của mình, nông dân Phan Văn Hòa  sinh năm 1957, vinh dự được nhận nhiều khen thưởng như: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2016; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có đóng góp tích cực trong xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015; “Nông dân sản xuất lúa sáng tạo toàn quốc” năm 2011;  Giải Nhất KH&CN với công trình “Ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất lúa thương phẩm AC5 và gạo an toàn” tỉnh Nghệ An trao tặng; Cúp Vàng sáng tạo công nghệ và thiết bị quốc tế năm 2012; Giải thưởng “Sao Thần nông – cho mùa bội thu” năm 2015 của Bộ NN& PTNT; được T.Ư Hội NDVN tôn vinh là “Nhà khoa học của nông dân” năm 2018.

Xuân Vũ