Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Tây Ninh nuôi gà an toàn trong vườn cao su

10:49 06/04/2020 GMT+7
Tận dụng diện tích vườn cao su, nhiều nông dân ở Tây Ninh đã phát triển mô hình nuôi gà thả vườn. Hướng chăn nuôi hiệu quả này còn được Hội Nông dân địa phương hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật. Nhờ đó, đàn gà ngày càng sinh sôi, hạn chế dịch bệnh

Tận dụng diện tích vườn cao su, nhiều nông dân ở Tây Ninh đã phát triển mô hình nuôi gà thả vườn. Hướng chăn nuôi hiệu quả này còn được Hội Nông dân địa phương hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật. Nhờ đó, đàn gà ngày càng sinh sôi, hạn chế dịch bệnh giúp cho người chăn nuôi ngày càng khấm khá.

Ông Mạch Văn Đức bên lứa gà con vừa nở.

Giảm chi phí và công chăm sóc

Thời gian gần đây, có rất nhiều bà con nông dân xã Tân Bình (TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) tham gia chăn nuôi gà thả vườn với số lượng vài trăm con. Chỉ sau thời gian ngắn áp dụng cách nuôi gà đúng chuẩn đã nâng cao số lượng vật nuôi của gia đình lên hàng nghìn con và đạt mức doanh thu mỗi năm hơn trăm triệu đồng. Tại địa phương, nuôi gà trong vườn còn tận dụng được nguồn thức ăn từ thiên nhiên và cung cấp nguồn phân bón trực tiếp cho cây trồng trong vườn.

Ông Mạch Văn Đức – Tổ viên Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn ấp Tân Phước (xã Tân Bình) cho biết, mô hình nuôi gà của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn chăn nuôi bò, heo (lợn), lại không tốn nhiều công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là bắp, rau xanh và cá được câu quanh nhà nên tiết kiệm được nhiều chi phí, chỉ tốn tiền mua giống là chính.

Theo ông Đức, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên, sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, trồng thêm rau xanh, chuối, các loại cây trong sân vườn để cung cấp thức ăn cho lứa gà mới nuôi… Thông thường, gà nuôi khoảng 4 đến 5 tháng là có thể bán ra thị trường, nếu chăm sóc cẩn thận gà có thể đạt trọng lượng hơn 2kg/con.

Hiện gà xuất chuồng ông bán khoảng hơn 80.000 đồng/kg, những lúc cao điểm như lễ, tết giá tăng cao hơn 100.000 đồng/kg. Ngoài việc bán gà thịt, cơ sở ông còn cung cấp gà giống cho bà con nơi đây với sản lượng hơn 3.000 con giống mỗi năm. Với mô hình chăn nuôi và bán con giống, thu nhập của gia đình ông Đức luôn ổn định.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà thả vườn của ông Đức, nhiều người dân nơi đây đã học hỏi kinh nghiệm, làm theo và xem đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của xã. Các hộ chăn nuôi còn được Hội ND tỉnh và thành phố hỗ trợ vốn, giống và được tham gia các lớp tập huấn.

Người nuôi còn lo đầu ra

Theo ông Lâm Đặng Nguyên Khang – Chủ tịch Hội ND xã Tân Bình, nuôi gà thả vườn không hề khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ, để đạt được hiệu quả cao thì đòi hỏi bà con phải không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng các kỹ thuật vào trong thực tế. Trước khi nuôi gà thả vườn, điều đầu tiên mà mọi người cần làm đó là chuẩn bị chuồng trại cho đảm bảo, chọn nơi có vị trí thoáng mát và cao ráo để xây ít chuồng cho gà. Tốt hơn hết, nên chọn theo hướng có thể hứng được nắng vào buổi sáng. Cần đặt chuồng tại nơi tránh được mưa nắng, quanh vườn nên dùng rào chắn bằng tre gỗ, lưới B40, thực hiện che chắn cách vách tường một khoảng 20cm để vật nuôi không bị rét, hạn chế mưa gió.

Mô hình nuôi gà thả vườn trong vườn cao su ở ấp Tân Phước.

Khu nuôi gà thả vườn cần phải đảm bảo xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, nên thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trước khi nuôi gà. Phải xây dựng bãi chăn thả nơi có đất trống, có nhiều bóng râm. Ngoài ra, trong chuồng nên cho thêm các loại cỏ xanh để làm thức ăn cho vật nuôi, đầu tư máng uống nước và máng ăn cho gà. Diện tích bãi chăn thả cần đảm bảo đủ rộng để gà dễ dàng vận động, tìm kiếm thức ăn. Thông thường diện tích tối thiểu cần thực hiện sẽ từ 0,5 cho tới 1m2/ con. Ưu điểm của mô hình này là ít nhiễm bệnh, sức đề kháng của gà mạnh hơn mô hình nuôi công nghiệp, lại tận dụng thức ăn có sẵn như bắp, cá, cỏ… và thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Cũng theo ông Khang, chăn nuôi được xác định là một trong những lĩnh vực được quan tâm phát triển lâu dài để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Hiện nay, nghề chăn nuôi ở địa phương chưa phát triển ổn định, quy mô đầu tư vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm đầu ra, giá cả bấp bênh, khiến cho các chủ trang trại, người dân chưa mạnh dạn mở rộng đầu tư chăn nuôi. Phát triển trang trại, mô hình chăn nuôi đang là chủ trương cần được khuyến khích trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, các chủ trang trại và người nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh những thuận lợi, những hộ chăn nuôi như ông Đức phải đối mặt với khó nhăn, nhất là thị trường tiêu thụ. Ông Đức cho biết: Với quy mô chăn nuôi ngày càng mở rộng, khó khăn nhất đối với các trang trại hiện nay là sản phẩm tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh. Người nuôi chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nên cũng chưa yên tâm để phát triển đàn gà.

Để giúp người chăn nuôi yên tâm phát triển sinh kế, ông Đức đề nghị các cấp, các ngành cần có nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ như: Xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhằm giảm tối đa thiệt hại trong chăn nuôi; Tăng cường kiểm tra quản lý giống vật nuôi, hướng dẫn cho các trang trại và hộ chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn; Tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên cơ sở vận dụng hiệu quả, linh hoạt cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi; Xây dựng và củng cố thương hiệu, sản phẩm chăn nuôi để nâng cao giá trị kinh tế.

“Ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cần thực hiện tốt chương trình liên kết trong chăn nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi để phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Cần liên kết với các đối tác, các doanh nghiệp để tìm đầu ra sản phẩm ổn định để người chăn nuôi yên tâm mở rộng sản xuất ổn định, lâu dài”. Ông Mạch Văn Đức – Tổ viên Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn ấp Tân Phước.

Bài, ảnh: Vân Nguyễn