Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nuôi hươu sao, hái “lộc mùa Xuân”

09:42 18/02/2021 GMT+7

Từ một vật nuôi “quý tộc”, khó thuần hoá trong quá khứ, hươu sao đã trở thành vật nuôi rộng rãi, trở thành con nuôi chủ lực và là sản phẩm OCOP đặc trưng, có thế mạnh của huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh). Cùng với việc phát triển tổng đàn và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng chuyển từ khai thác nhung tươi sang chế biến sâu đã bắt đầu cho kết quả tốt, và hứa hẹn nhiều triển vọng.

Chị Lê Thị Thu Hà (thôn Kim Bằng, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn) chăm sóc đàn hươu của gia đình.

Hương Sơn là huyện miền núi, nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, có tổng diện tích tự nhiên là 110.314ha; trong đó đất lâm nghiệp 90.561ha chiếm 82,3%, còn lại là đất nông nghiệp và đất chuyên dùng khác. Hiện nay, huyện đang có kế hoạch chuyển tiếp trên 1.000ha để trồng cỏ phát triển chăn nuôi.

Nuôi hươu lấy nhung – tiềm năng mới từ một nghề có từ lâu đời

Trong ngành Chăn nuôi ở huyện Hương Sơn, con hươu được xác định là một trong những vật nuôi chủ lực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có tổng đàn hươu hơn 37.100 con, tập trung chủ yếu ở huyện Hương Sơn với trên 15.000 hộ trong tổng số 31.000 hộ tham gia nghề chăn nuôi hươu với tổng đàn 36.609 con. Tổng sản lượng nhung hươu thu được khoảng 14,5 tấn/năm.

Địa hình của núi Trường Sơn có nhiều dãy giăng màn chạy xuống Đông Bắc; địa hình, thời thiết, thổ nhưỡng rất phù hợp cho hươu nai phát triển. Từ ngày xưa, người dân Hương Sơn đã biết săn bắt hươu, nai về chăn nuôi, thêm giống làm vật nuôi trong gia đình để lấy thịt, xương nấu cao, đặc biệt, lấy nhung bồi bổ sức khoẻ. Cách đây gần 300 năm, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hưu Trác, trong cuốn sách y học nổi tiếng “Hải Thượng y tông tâm lĩnh’’ đã hướng dẫn sử dụng nhung hươu Hương Sơn để cắt thuốc cho vua chúa. Ở địa phương này, nhung hươu, và có khi cả con hươu, được nhiều gia chủ gọi bằng cái tên rất hình ảnh và trìu mến là “Lộc”. Mùa thu hoạch nhung chính vụ cũng là mùa Xuân (trước và sau Tết Nguyên đán), nên con hươu cũng được coi là biểu tượng giàu có và sung túc của người nuôi hươu nơi đây.

Qua các đợt biến động thăng trầm, như biến động về giá cả vào giai đoạn từ năm 1996 – 1998, thiệt hại tổng đàn lớn vì lũ lụt vào tháng 9 năm 2002… con hươu sao vẫn tồn tại và phát triển, không chỉ với người dân Hương Sơn mà còn được nuôi rộng rãi tại các tỉnh Nghệ An (Quỳnh Lưu), Đồng Nai, Phú Yên, Hà Giang, Thừa Thiên – Huế… Đến nay, con hươu sao là đối tượng vật nuôi trên địa bàn huyện cho thu nhập ổn định và cao hơn so với chăn nuôi các loài gia súc khác, và là đối tượng được chú trọng đầu tư phát triển kinh tế của huyện Hương Sơn.

So với lịch sử phát triển chăn nuôi các loài gia súc truyền thống, thì hươu sao trở thành vật nuôi muộn hơn so với các loài vật nuôi khác, ở Hương Sơn, hươu sao được đón nhận và chăn nuôi từ thế kỷ 18. Trong một thời gian dài với số lượng ít, quy mô nhỏ, hươu sao trở thành vật nuôi “quý tộc’’ của người dân Hương Sơn. Từ năm 1985, hươu sao mới được người dân chú ý đầu tư, phát triển tại các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, từ đó đàn hươu dần được tăng lên. Năm 1986, xí nghiệp hươu giống Hương Sơn được thành lập (nay là Công ty cổ phần Hươu giống Hương Sơn), đưa tổng số đàn hươu trên địa bàn huyện lên tới 5.000 con. Từ năm 1986 đến 1993 đàn hươu tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 5 – 7%.

Từ năm 1994 của thập kỷ 20, cơn sốt đã đưa giá hươu cái từ 3-4 triệu lên đến giá kỷ lục 50 – 60 triệu/con vào năm 1995. Từ năm 1996, hươu rớt giá thảm hại, thị trường hươu sao bị đảo lộn. Tại thời điểm tháng 6/1996 giá một con hươu cái chỉ từ 200-300 ngàn đồng, thậm chí người ta đã thả cả hươu vào rừng. Lúc đó, hàng ngàn hộ gia đình vay vốn ngân hàng nuôi hươu lâm vào tình trạng khốn đốn, mất nhà cửa. Do vậy, tổng đàn hươu giảm xuống, nhưng giá trị thực của con hươu vẫn được xác định và tổng đàn tiếp tục được duy trì, phát triển. Đến năm 2002 người dân Hương Sơn trải qua trận hồng thuỷ chưa từng có trong lịch sử, trận lũ quét đã cuốn trôi 51,03% tổng đàn (3.633 trên 7.118 con của toàn huyện).

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy việc phát triển đàn hươu, các sản phẩm chế biến từ nhung hươu, xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm. Cuối năm 2019, huyện Hương Sơn phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức công bố và trao Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” cho sản phẩm nhung hươu. Con hươu được đưa vào danh mục động vật nuôi thông thường (Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ tháng 1/2020).

Trong giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Hương Sơn đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cấp xã tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Năm 2019, Hương Sơn có 2 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 1 hộ cá thể tham gia xây dựng, chế biến các sản phẩm từ nhung hươu như: Rượu nhung hươu, nhung hươu thái lát sấy khô, tinh bột nhung hươu, nhung hươu tươi. Các sản phẩm được Hội đồng tỉnh đánh giá đạt “3 sao”, có 1 sản phẩm đạt “4 sao”. Nghề chăn nuôi hươu đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của huyện nhà, giúp đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (thứ 3 từ phải sang) và ông Bùi Nhân Sâm – Bí thư Huyện ủy Hương Sơn (thứ 2 từ phải sang) tham quan sản phẩm rượu nhung hươu trên địa bàn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

“Vật nuôi chủ lực” trong đề án phát triển sản xuất

Nghề chăn nuôi hươu đang trên đà phát triển ổn định và nâng cao chất lượng đàn. Hộ chăn nuôi nhiều nhất huyện nuôi trên 100 con, hộ nuôi ít nhất 3 con, trung bình mỗi hộ nuôi 3 – 4 con. Bình quân mỗi năm đàn hươu tăng trưởng từ trên 15-20%/năm. Tổng thu nhập từ nghề nuôi hươu ở Hương Sơn ước tính trên 250 tỷ đồng/năm, chiếm 35% thu nhập của ngành chăn nuôi. Hiện nay phát triển chăn nuôi hươu nhiều nhất gồm các xã: Sơn Trung, Sơn Lâm, Sơn Quang, Sơn Giang, Sơn Ninh, Sơn Châu… Xã có ít nhất khoảng 1.000 con, xã có nhiều nhất là 2.000 con hươu.

Dù con hươu có thể được nuôi chăn thả có lưới bảo vệ, nhưng ở quy mô nuôi gia đình, thì việc nuôi nhốt trong chuồng trại thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Hươu chủ yếu ăn các loại lá, quả, trái cây, cỏ sẵn có trong vườn, hoặc lấy từ rừng, vốn rất dễ kiếm, nên chi phí cho việc nuôi hươu không cao, hiệu quả thu nhập cao. Một lao động tốt nếu làm toàn thời gian có thể đủ sức chăn nuôi từ 25 – 35 con hươu. Hươu sao ăn ít (thức ăn để nuôi 6 con hươu đủ để nuôi một con bò), tính chống chịu cao, ít bệnh tật. Sản phẩm nhung nhỏ, nhẹ, dễ bảo quản vận chuyển, có giá trị kinh tế cao.

Trong những năm qua ngoài chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nói chung, huyện Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh đã và đang có những chính sách hỗ trợ trong việc phát triển chăn nuôi hươu. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 500.000 đồng/con cho Công ty cổ phần Hươu giống Hương Sơn có hươu con được sinh ra, đủ tiêu chuẩn làm giống để nuôi hoặc bán trên địa bàn tỉnh. Huyện Hương Sơn hỗ trợ 1 lần 100.000 đồng/con cho hộ chăn nuôi mới từ 10 con trở lên.

Tuy nhiên, nuôi hươu sao cũng có những khó khăn nhất định. Hươu là động vật hoang dã chưa được thuần hoá cao, có đặc tính chạy nhảy, nên trong quá trình chăn nuôi gặp phải một số khó khăn trong việc bắt giữ để tiêm phòng, điều trị, cũng như thu hoạch nhung và mua bán vận chuyển. Phần đông các hộ chăn nuôi còn mang tính chất nhỏ lẻ, trên bình diện chung có tăng số lượng đàn, song về chất lượng đang còn thấp, chưa có biện pháp chọn lọc, nhân giống điển hình và giống tốt. Giá con giống còn cao, nên nhiều hộ nông dân khó khăn trong phát triển mở rộng đàn hươu.
Vì thế, để bảo tồn phát triển đàn hươu sao, nâng cao chất lượng giống, đảm bảo có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, huyện Hương Sơn mong muốn được các bộ ngành trung ương, tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức của ngành chăn nuôi, các nhà khoa học, doanh nghiệp… tiếp tục tạo điều kiện hợp tác, hỗ trợ huyện thực hiện một số nội dung như: Có các giải pháp căn cơ, khoa học và cơ chế chính sách trong việc bảo vệ nguồn gen; bình tuyển, chọn lọc đàn cái nền và giống đực tốt cung cấp cho nhu cầu nâng cao chất lượng đàn giống trong sản xuất, thực hiện tốt công tác quản lý nhằm tránh tình trạng thoái hoá do giao phối cận huyết trong đàn hươu; tạo điều kiện phát triển, mở rộng quy mô các mô hình chăn nuôi hươu trên địa bàn huyện Hương Sơn và các vùng miền núi có điều kiện tương tự như ở Vũ Quang, Hương Khê…; cần nâng cao công tác quản lý, xây dựng đàn hươu hạt nhân, làm điểm tựa cho việc tăng số lượng các mô hình quy mô nuôi từ 10 con trở lên; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhung và các sản phẩm từ hươu giữa các hộ chăn nuôi hươu với doanh nghiệp, hợp tác xã, gắn với xây dựng Chương trình OCOP.

Một số việc nhỏ, mang tính kỹ thuật cụ thể, nhưng một khi được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hơn và áp dụng trên quy mô rộng, sẽ cho kết quả tốt hơn. Chẳng hạn như thay đổi cách bắt giữ hươu để tiêm phòng, chữa bệnh, cắt nhung thuận lợi hơn, bảo đảm an toàn cho cả hươu và gia chủ (lâu nay biện pháp thủ công vẫn còn tồn tại chưa khắc phục được). Việc hỗ trợ xây dựng, cơ sở, nhà máy chế biến nhung hươu thành các loại dược liệu, thực phẩm chức năng… cũng cần được quan tâm nghiên cứu và đầu tư, hỗ trợ thêm.

Nuôi hươu lấy nhung, ngoài kì vọng nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, mô hình này đã và đang mở ra hướng đi mới, tạo sản phẩm đặc trưng riêng của Hương Sơn. Vì thế, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và người dân để ngành chăn nuôi hươu sao ngày một phát triển và khẳng định được vị trí là mũi nhọn kinh tế của huyện Hương Sơn.

Bùi Nhân Sâm