Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Oxfam: Dịch chuyển thu nhập đang chậm lại

15:29 29/03/2018 GMT+7

Mặc dù có định hướng, nỗ lực rõ về chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, chỉ có dưới 8% số lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp hoặc dịch vụ. Đối với nhiều thanh niên có bằng cấp cao, bức tranh dịch chuyển nghề nghiệp cũng không rõ ràng do chưa tìm được việc làm phù hợp

Đó là một trong  những nội dung được rút ra tại buổi chia sẻ Báo cáo Nghiên cứu “Dịch chuyển xã hội (DCXH) và bình đẳng cơ hội tại Việt Nam: Xu hướng và các Yếu tố tác động” do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam chia sẻ vào ngày 29/3/2018, tại Hà Nội.

Đây là nghiên cứu toàn diện đầu tiên về dịch chuyển xã hội tại Việt Nam, khắc họa sự thay đổi vị trí, vị thế xã hội của nhóm dân cư trong nghiên cứu qua 10 năm (2004-2014) đồng thời chỉ ra các yếu tố thúc đẩy và cản trở. Dịch chuyển xã hội được coi là thước đo sự bình đẳng về cơ hội, phản ánh các cơ hội được chuyển hóa thành các kết quả kinh tế và xã hội.

Buổi tọa đàm do Oxfam tổ chức sáng ngày 29/3/2018. Ảnh: Hồng Hạnh

Nghiên cứu này tổng hợp dữ liệu từ Khảo sát Mức sống Dân cư Việt Nam (VHLSS, 2004-2014) và phỏng vấn gần 700 người dân tại ba tỉnh Lào Cai, Nghệ An và Đắc Nông trong năm 2016.

Bức tranh về dịch chuyển xã hội tại Việt Nam được phân tích qua ba khía cạnh: ngành nghề, kỹ năng và thu nhập.

Dịch chuyển ngành nghề chưa có nhiều biến động, với 79% số lao động nông nghiệp của năm 2004 vẫn tiếp tục làm nông nghiệp vào năm 2008; và 83% số lao động nông nghiệp của năm 2010 vẫn tiếp tục làm nông nghiệp vào năm 2014. Mặc dù có định hướng, nỗ lực rõ về chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, chỉ có dưới 8% số lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp hoặc dịch vụ, tương tự trong cả hai giai đoạn 2004-2008, và 2010-2014. Đối với nhiều thanh niên có bằng cấp cao, bức tranh dịch chuyển nghề nghiệp cũng không rõ ràng do chưa tìm được việc làm phù hợp

Dịch chuyển kỹ năng còn chậm và có hiện tượng dịch chuyển ngược. Tại ba tỉnh nghiên cứu, nhiều thanh niên chỉ làm lao động phổ thông hoặc làm công nhân một thời gian rồi lại quay về làm nông nghiệp ở địa phương do điều kiện làm việc khắc nghiệt tại các công ty, do trách nhiệm với gia đình hoặc nhận thấy thu nhập không đủ để tạo lập một cuộc sống ổn định. Một tỷ lệ đáng kể lao động đã dịch chuyển từ khu vực công nghiệp sang khu vực nông nghiệp, từ công việc có tay nghề sang công việc lao động phổ thông.

Dịch chuyển thu nhập đang chậm lại. 45% hộ thuộc nhóm nghèo nhất (lớn tuổi) của năm 2004 đã vươn lên các nhóm cao hơn trong ngũ phân vị thu nhập sau 4 năm, nhưng tỷ lệ này giảm xuống còn 37% trong giai đoạn 2010-2014. 33% hộ thuộc nhóm nghèo nhất có chủ hộ dưới 30 tuổi đã vượt lên các nhóm có thu nhập cao hơn trong giai đoạn 2004-2008 nhưng trong giai đoạn 2010-2014 tỷ lệ này đã giảm xuống 16%.

Nghiên cứu của Oxfam cũng gợi mở hướng đi về giảm nghèo, giảm nghèo đa chiều, giảm bất bình đẳng, phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai.

Trình độ học vấn, địa vị về kinh tế, xã hội của bố mẹ và năng lực đa dạng hóa sinh kế là ba yếu tố cốt lõi thúc đẩy Dịch chuyển xã hội (DCXH) ở Việt nam. Nghiên cứu cho thấy, trong số những người bố chưa tốt nghiệp tiểu học năm 2014, chỉ có 15,5% và 2,2% con cái có trình độ học vấn THPT và CĐ-ĐH. Trong khi đó, trong số những người bố đã tốt nghiệp CĐ-ĐH, có đến 47,5% con cái có trình độ học vấn CĐ-ĐH.

Người dân tại ba tỉnh khảo sát có niềm tin rõ rệt vào vai trò thúc đẩy của giáo dục đối với DCXH. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục thấp lại là một rào cản của DCXH, nhất là đối với các công việc đòi hỏi có kỹ năng. Các rào cản khác là sự phân biệt kỳ thị đối với người dân tộc thiểu số, cũng như chênh lệch về tiếp cận giáo dục giữa người nghèo và người giàu.

Nghiên cứu cho thấy, DCXH và bất bình đẳng có mối liên hệ và tác động qua lại. Bất bình đẳng về kinh tế có tỷ lệ nghịch với dịch chuyển xã hội. Bất bình đẳng kinh tế và bất bình đẳng cơ hội đều đang tăng.

Theo nhận xét của Oxfam, giải quyết bất bình đẳng, trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng, là nhiệm vụ khẩn thiết. Oxfam đã xây dựng một khung kỹ thuật theo dõi bất bình đẳng tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, trong đó có chủ đề về dịch chuyển xã hội. Trong 10 năm qua, chúng tôi đã tích lũy được nhiều bằng chứng bao gồm nghiên cứu về dịch chuyển xã hội, giám sát đói nghèo và phân tích chính sách giảm nghèo. Các nghiên cứu đang được tiến hành sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho khung theo dõi bất bình đẳng nói trên, là cơ sở trong việc thiết kế chương trình và vận động chính sách cũng như thiết lập quan hệ đối tác với các bên có cùng mối quan tâm” –  bà Babeth cho biết.

Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại hơn 90 quốc gia trên thế giới, là một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng. Tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ.

 “Oxfam tin tưởng rằng gia tăng DCXH tại Việt Nam chỉ có thể đạt được như mong muốn khi các nhà hoạch định chính sách quan tâm mạnh mẽ hơn đến vai trò của giáo dục, chất lượng giáo dục hướng nghiệp và đào tạo nghề, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ lao động xa nhà, thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số”.

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur – Giám đốc Quốc gia của tổ chức Oxfam.

Hoàng Sơn