Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong đấu tranh cách mạng - thành công lớn của Đảng trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám - 1945

(Tapchinongthonmoi.vn) - Quán triệt điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề nông dân và vai trò của giai cấp nông nhân, kế thừa truyền thống yêu nước của nông dân trong lịch sử dân tộc, ngay từ khi ra đời, Đảng đã xác định giai cấp nông dân là một động lực chính của cách mạng.

Đảng luôn đề cao và chú trọng phát huy vai trò chủ thể của giai cấp Nông dân 
Tiến hành cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong khi chủ trương mở rộng tối đa biên độ đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, thống nhất mọi lực lượng dân tộc vào cuộc đấu tranh giành độc lập, Đảng luôn đề cao và chú trọng phát huy vai trò chủ thể, vai trò động lực của giai cấp nông dân vào công cuộc cứu nước.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (11/1939) quyết định: “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết” (1).  Về động lực của cách mạng, Hội nghị xác định: tập hợp các tầng lớp nhân dân có tinh thần dân tộc trong Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, trong đó, nông dân cùng với công nhân là hai lực lượng chính, đặt dưới quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản. Công nông phải “đưa cao cây cờ dân tộc lên”.

Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. (Ảnh: nhandan.com.vn).

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời (11/1940) xác định: Để làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập, phải tập trung hết thảy mọi lực lượng phản đế, phản phong kiến ở Đông Dương thành một Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế. Hội nghị chủ trương duy trì các tổ chức “công hội” và “nông hội” là những hình thức tổ chức đã có trong thời kỳ trước “làm cơ sở cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế” (2)... 
Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương (5/1941) khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc “cách mạng dân tộc giải phóng” (3). Hội nghị quyết định lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm qui tụ các đoàn thể quần chúng yêu nước chống đế quốc với tên thống nhất là “Hội Cứu quốc” thực hiện đấu tranh giành độc lập, tự do cho xứ sở. Trong hệ thống các hội cứu quốc, tổ chức của nông dân đóng vai trò là một động lực chính. 
Hội nghị quyết định thành lập “Việt Nam nông dân cứu quốc hội” (gọi tắt là Hội Nông dân cứu quốc) làm nòng cốt để đoàn kết giai cấp nông dân vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Hội Nông dân cứu quốc là tổ chức liên hiệp rộng rãi “hết thảy các hạng nông dân yêu nước”, hễ ai là nông dân, từ 18 tuổi trở lên, điều có thể tham gia Hội cùng đoàn kết đấu tranh “binh vực quyền lợi hằng ngày (…) và cùng các đoàn thể khác chuẩn bị đánh Pháp, đuổi Nhật, giành quyền độc lập cho nước Việt Nam” (4). 
Ngoài Nông dân cứu quốc hội trong Mặt trận Việt Minh, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh trên tinh thần “chân chính” và “thành thật, dân chủ” trong thực hiện mục tiêu “ích nước, lợi dân”, chủ trương tổ chức nhiều đoàn thể quần chúng “đơn sơ, không điều lệ (...), nhẹ nhàng, bán công khai hoạc công khai” (5) , như:  Hội tương tế, phường, bạn, hội hiếu hỉ, đội tự vệ,... để thu hút quảng đại quần chúng nông dân trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, bị địch khủng bố. Những hình thức tập hợp trên  linh hoạt, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể, từng địa phương mà tổ chức ra, là “những bậc thang đưa quần chúng bước lên các tổ chức cứu quốc (...) là muôn nghìn cái chân của Mặt trận thống nhất phản đế trong quần chúng” (6).
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương (2/1943) khẳng định: Việc mở rộng Mặt trận phải dựa trên cơ sở không ngừng củng cố và phát triển các đoàn thể thợ thuyền và dân cày vì đó là “xương sống của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp” (7).
Quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng đã định hướng và giải phóng những năng lực được tích tụ và dồn nén trong giai cấp nông dân thành nguồn sức mạnh to lớn. 
“Một phong trào to rộng, mạnh mẽ của quần chúng sẽ nổ ra”
Đúng như dự báo của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (11/1939): “một phong trào to rộng, mạnh mẽ của quần chúng sẽ nổ ra” (8), giai cấp nông dân không cam chịu ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, đã đứng lên đấu tranh với nhiều mức độ và hình thức. Khởi đầu phong trào đấu tranh vũ trang quyết liệt là Khởi nghĩa Bắc Sơn do đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn tiến hành.   
Ngày 27/9/1940, chớp thời cơ thuận lợi khi quân đội Nhật vượt biên giới Việt - Trung tiến vào Lạng Sơn, quân Pháp chống cự yếu ớt và nhanh chóng tháo chạy, đông đảo nông dân Bắc Sơn, dưới sự phát động và lãnh đạo của Đảng bộ Bắc Sơn, đã tham gia cuộc khởi nghĩa “nâng cao tinh thần  dân tộc (…) làm bở vía quân thù” (9) , kéo dài từ ngày 27/9/1940 đến ngày 29/10/1940. Tuy bị địch đàn áp, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã gây nên một chấn động lớn ở vùng thượng du Bắc Kỳ, thể hiện rõ tinh thần sẵn sàng vùng dậy giành độc lập, thái độ và sức phản kháng của nhân dân ta trước hoạ phát xít. 
Tiếp đó, đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, giai cấp nông dân là lực lượng chính tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ ở 21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài đến ngày 31/12/1940. Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam cho đến năm 1940. Tuy bị khủng bố, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, là cơ sở thực tiễn để Đảng Cộng sản Đông Dương hoàn thiện đường lối đấu tranh giành độc lập.
Vai trò động lực của giai cấp nông nhân đối với công cuộc ”cứu quốc” càng phát huy mạnh mẽ sau khi Mặt trận Việt Minh thành lập, Hội Nông dân cứu quốc ra đời. Do tôn chỉ của Hội vừa đáp ứng yêu cầu về quyền lợi thiết thân trước mắt của giai cấp, vừa phục vụ lợi ích căn bản, to lớn của của dân tộc, Hội Nông dân cứu quốc và các đoàn thể nông dân khác đã nhanh chóng được xây dựng và lớn mạnh trên cả nước, lan tỏa từ Cao Bằng ra các tỉnh miền núi phía Bắc, phát triển ở cả nông thôn miền núi lẫn nông thôn miền châu thổ Bắc Kỳ, từ Bắc vào Nam.
Từ cuối năm 1941, ở Cao Bằng bắt đầu xuất hiện những xã, tổng toàn dân tham gia Việt Minh gọi là “Xã hoàn toàn”, “Tổng hoàn toàn”, đến cuối năm 1942, đã có 3/9 châu là Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình trở thành “Châu hoàn toàn”. Ở những “Châu hoàn toàn”, “Tổng hoàn toàn”, “Xã hoàn toàn” bộ máy chính quyền địch chỉ tồn tại về mặt hình thức, còn thực tế quyền hành do Uỷ ban Việt Minh nắm giữ. Cùng với các tỉnh miền núi phía Bắc, Hội Nông dân cứu quốc phát triển ở các địa phương Bắc Kỳ, Trung Kỳ, từ cuối năm 1941, một số nơi vùng nông thôn thuộc ngoại vi thành phố  Sài Gòn, ở Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một... đã xuất hiện các cơ sở của Việt Minh trong nông dân. Bên cạnh Hội Nông dân cứu quốc, đồng đảo nông dân còn tham gia và chiếm một số lượng lớn trong các đoàn thể Thanh niên cứu quốc hội, Phụ nữ cứu quốc hội, Phụ lão cứu quốc hội,...Đến năm 1945, Hội Nông dân cứu quốc cùng với các Hội Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, được tổ chức ở hầu khắp các địa phương trên cả nước.  Ngoài các tham gia các hội cứu quốc, nông dân ở nhiều địa phương, còn lập ra những tổ chức, như: “Hội nhà vàng”, “Hội đổi công”, ‘Hội hiếu hỉ”… Tại Nam Kỳ, nông dân tham gia tổ chức Thanh niên Tiền Phong, do Xứ uỷ Nam Kỳ thành lập tháng 6-1945, góp phần tạo nên lực lượng cách mạng hùng hậu nhất ở Nam Kỳ, Sài Gòn, có thanh thế áp đảo trong những ngày tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám -1945.
Giai cấp Nông dân-lực lượng chủ yếu trong xây dựng đội quân vũ trang và căn cứ địa cách mạng 
Giai cấp nông dân tham gia tích cực và là lực lượng chủ yếu trong xây dựng đội quân vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đi đầu là nông dân các dân tộc thiểu số tại Lạng Sơn, qua cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, đã tạo ra lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn- Võ Nhai. Trên cơ sở Đội du kích Bắc Sơn, các đội “Cứu quốc quân” được thành lập. Chiến sĩ trong các đội Cứu quốc quân phân đông là nông dân đã phát huy mưu trí dũng cảm, thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố, bảo vệ lực lượng và cơ sở cách mạng, xây dựng, mở rộng căn cứ, tiến hành đấu tranh chống khủng bố, diệt Việt gian đầu sỏ, làm nòng cốt và hỗ trợ phong trào quần chúng đấu tranh…. Từ cuối năm 1941, đông đảo nông dân ở Cao Bằng đã tham gia xây dựng lực lượng vũ trang mà nòng cốt là đầu tiên là Đội du kích Pác Bó. Trước sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang, thực hiện chỉ thị lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại Cao Bằng. Đồng thời với nông dân ở Việt Bắc, nông dân các địa phương đã tham gia lực lượng vũ trang cách mạng. Tháng 5-1945, tất các lực lượng vũ trang của Đảng thống nhất thành “Việt Nam giải phóng quân”. Lực lượng chủ chốt của Việt Nam giải phóng quân chủ yếu xuất thân là nông dân. Nông dân còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng các căn địa: căn cứ địa Cao Bằng, Bắc Sơn-Võ Nhai, Chiến khu Hoàng Hoa Thám, Khu Giải phóng Việt Bắc, Chiến khu Ngọc Trạo (Thanh Hoá), Chiến khu Quang Trung (Chiến khu Hoà Ninh Thanh), Chiến khu Âu Cơ (Chiến khu Vần – Hiền Lương), Căn cứ Cao Muôn, Chiến khu Mộ Đức - Sơn Tịnh (Quảng Ngãi)….
Cùng với tham gia xây dựng lực lượng cách mạng, sức mạnh đấu tranh của khối đại đoàn kết giai cấp nông dân ngày càng gia tăng, tạo nên những làn sóng đấu tranh trực diện, liên tục, rộng khắp. Trong những năm 1941-1942, các cuộc đấu tranh của nông dân dưới các hình thức biểu tình, kiến nghị đưa thư của nông dân chống hào lý, chủ đồn điền người Pháp cướp đoạt ruộng đất, lấn chiếm đất công, tham ô công quỹ, chống bắt phu, bắt lính,... diễn ra ở nhiều nơi. Từ năm 1943, phong trào nông dân phát triển rất mạnh mẽ và ngày càng quyết liệt, mang một khí thế mới cả về quy mô, phạm vi cũng như tần số xuất hiện: đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống địch cưỡng ép nhổ lúa trồng đay, chống thu thóc, chống cướp đất, đòi giảm tô, giảm tức, giảm thuế, giảm ruộng chức, tố cáo sự hà lạm tham nhũng của của quan lại, chức dịch… góp phần làm tăng thêm ưu thế của cách mạng
Trong cao trào kháng Nhật cứu nước do Đảng phát động làm tiền đề tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc, giai cấp nông dân đóng vai trò là lực lượng to lớn, chính yếu, nhất là trong các phong trào khởi nghĩa từng phần, phá kho thóc giải quyết nạn đói, tạo nên một ưu thế cách mạng rộng rãi, một khí thế cách mạng hừng hực trên cả nước. 
Phong trào khởi nghĩa từng phần diễn ra sôi nổi, phổ biến trước tiên ở 6 tỉnh miền núi Việt Bắc. Quần chúng nông dân đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang nhanh chóng đứng lên khởi nghĩa. Đến cuối tháng 4-1945, phần lớn các châu, ở Khu Giải phóng Việt Bắc đã thành lập được chính quyền cách mạng. Hoà nhịp với Việt Bắc, nông dân các địa phương ở Bắc, Trung kỳ cũng thực hiện khởi nghĩa từng phần với những mức độ và cách thức rất phong phú. Tại Quảng Ngãi, đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia cuộc khởi nghĩa do Đảng tỉnh uỷ lãnh đạo giành thắng lợi tại châu Ba Tơ vào ngày 11/3/1945. Phong trào khởi nghĩa từng phần diễn ra dồn dập đã làm tan rã một bộ phận chính quyền cơ sở của phát xít Nhật và tay sai nông thôn, tạo tiền đề hết sức thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa. 

Đội tự vệ huyện Hoà Quân và Đông Sớ trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư lliệu
Cùng với khởi nghĩa từng phần, hàng triệu nông dân ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ đã đứng lên, thực hiện phong trào “Phá kho thóc giải thoát nạn đói” do Đảng và Mặt trận Việt Minh phát động, với nhiều hình thức từ thấp đến cao, phong phú và sáng tạo, kết hợp đánh đồn, phá chính quyền địch với phá kho thóc. Phong trào phá kho thóc của Nhật để cứu đói có ý nghĩa kinh tế, chính trị rất sâu sắc và to lớn: nhanh chóng giải quyết được nạn đói cho nông dân, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh và khởi nghĩa trong nhân dân, là cuộc đấu tranh rộng lớn và sâu sắc tập dượt quần chúng nông dân đi từ hình thức đấu tranh thấp đến những hình thức đấu tranh cao, kết hợp đấu tranh kinh tế, chính trị, vũ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Giai cấp nông dân còn hăng hái tham gia rèn luyện quân sự, tham gia, hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền vũ trang, trừng trị bọn phản động…góp phần làm bọn tay sai Nhật hoang mang, dao động; hệ thống chính quyền của địch thêm rệu rã. 
Thắng lợi của Cao trào kháng Nhật cứu nước đã tạo tiến đề cho Tổng khởi nghĩa, thể hiện thể hiện sinh động vai trò, tinh thần, khả năng cách mạng của giai cấp nông dân. 
Phát huy những thắng lợi trong cao trào Kháng Nhật cứu nước, khi thời cơ đến, hưởng ứng mệnh lện Tổng khởi nghĩa của Đảng, đáp lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu nông dân trên khắp cả nước đã vùng dậy, giành chính quyền ở nông thôn, đồng thời, kéo vào các đô thị, các trung tâm lỵ sở, tham gia đánh đổ của chính quyền tay sai phát xít Nhật. Sự vùng dậy của giai cấp nông dân đã góp phần tạo nên hình thái đặc sắc của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám -1945, diễn ra vừa mang tính đồng loạt vừa mang tính dây chuyển, từ nông thôn vào thành thị, từ thành thị toả về nông thông, tạo nên chiến thắng gần như đồng thời trên toàn quốc; tạo nên một mẫu mực trong tổ chức và huy động lực lượng chính trị, đấu tranh chính trị, huy động đa số nông dân tham gia.
Hiện thực lịch sử cuộc vận động Cách mạng tháng Tám - 1945 cho thấy, chủ trương phát huy vai trò chủ thể, vai trò động lực cách mạng của giai cấp nông dân là một chủ trương đúng đắn và sáng tạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế hiện nay, giai cấp nông dân là lực lượng chủ yếu sản xuất ra của cải, lương thực, thực phẩm nuôi sống xã hội, cung cấp nguồn lực cho công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng khảng định: “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (….) Huy động mọi nguồn lực từ nông thôn, nông dân cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, văn minh” . Đó chính là sự kế tiếp và vận dụng những kinh nghiệm thành công quí báu của Đảng về phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong thắng lợi vĩ đại Cách mạng tháng Tám 78 năm về trước. 

Tài liệu tham khảo

(1). Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 6,  tr.538 -539.
(2). Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr.62
(3). Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr.119.
(4) . Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 155
(5). Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr.218
(6) . Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 219.
(7). Đảng cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,  tập 7, tr.294
(8). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, tập 6, tr. 551.
(9). C.G.P. Nhớ lại Bắc Sơn- Nam Kỳ- Đô Lương, Cờ Giải phóng, Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số  9 ra ngày 25-12-1944).