Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát triển bền vững kinh tế vùng đầm phá

08:37 20/02/2021 GMT+7

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên vùng đầm phá, Hội Nông dân xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) tập trung vận động nông dân trên địa bàn phát triển lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao.

Đảm bảo mật độ nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước

Vựa cá đặc sản

Đưa khách đi “mục sở thị” khu vực phát triển mạnh về nuôi trồng thủy hải sản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Hiền, ông Trần Đình Công Định cho hay, địa phương có diện tích mặt nước đầm phá hơn 1.200ha, chiếm 56,6% diện tích đất tự nhiên toàn xã. Với lợi thế về điều kiện thiên nhiên ưu đãi, ngoài nghề đánh bắt trên đầm phá và trên biển, Hội Nông dân xã đã tham mưu lên Đảng ủy ra nghị quyết lãnh đạo nông dân phát triển mạnh lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, mở ra những ngành nghề mới từ đầm phá, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

Hộ nông dân Trần Hùng, ở thôn Hiền An 1, xã Vinh Hiền là một trong những hộ điển hình phát triển nuôi trồng thủy hải sản có quy mô lớn ở địa phương. Từ chủ trương của Đảng ủy xã và sự vận động, hỗ trợ của cấp Hội Nông dân ở địa phương, anh Hùng đã đầu tư hơn 30 lồng cá nuôi với các chủng loại cá mú, cá nâu và cá dìa… đem lại doanh thu hằng năm từ trên 950 triệu đến 1,2 tỷ đồng. “Năm nào làm ăn thuận lợi, trừ chi phí gia đình lãi ròng khoảng 500 – 550 triệu đồng…”, anh Hùng bộc bạch.

Ông Trần Đình Công Định chia sẻ thêm, sau khi có nghị quyết của Đảng ủy xã, Hội Nông dân tiếp tục đề xuất chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ người nuôi về diện tích mặt nước, đồng thời các cấp Hội phối hợp hỗ trợ nông dân về vốn vay, chuyển giao kỹ thuật, nên bà con đã tích cực hưởng ướng phát triển mạnh lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản. Riêng thôn Hiền An 1 có gần 360 hộ, thì đến nay 60% số hộ làm nghề nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và kinh doanh buôn bán, chế biến các sản phẩm thủy sản, đem lại nguồn thu nhập chính, ổn định cho bà con.

Với việc vận động tích cực và linh động hỗ trợ nông dân phù hợp để bà con chuyển đổi sản xuất, đến nay lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, trong đó chủ yếu là nuôi cá lồng đã phát triển hầu khắp các thôn có điều kiện trên địa bàn xã Vinh Hiền. Để đảm bảo nhu cầu thị trường tiêu thụ, có thời điểm quy mô nuôi trồng trong toàn xã lên tới trên 3.390 lồng, chiếm khoảng 9ha mặt nước với gần 500 hộ nuôi, trở thành “vựa cá đặc sản” của huyện Phú Lộc, sản lượng trên 310 tấn/năm. Trong đó, nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao được người dân nuôi như cá mú, cá vẩu, cá nâu, cá dìa…

Theo anh Trần Hùng, nguồn giống các loại cá đặc sản này chủ yếu được người dân đánh bắt tự nhiên, chọn lọc rất lỹ lưỡng; đồng thời thức ăn cũng từ loại cá nhỏ được thu mua tại chỗ, nên chất lượng cá sau khi thu hoạch vượt trội so với khu vực khác. “Nhờ nuôi cá lồng mà nhiều ngư dân trong xã xây được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học thành tài, có hộ thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm. Qua đó cho thấy chủ trương của cấp Hội Nông dân ở địa phương thật đúng đắn, kịp thời”, anh Hùng khẳng định.

Thương lái thu mua thủy hải sản tận nơi cho nông dân Vinh Hiền với giá cao.

Hướng đến sản phẩm xuất khẩu

Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, ông Nguyễn Tam cho biết thêm, thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND xã với Hội Nông dân xã, chính quyền địa phương cùng Hội Nông dân đã bàn bạc đề ra các chính sách khuyến khích thêm bà con làm nghề đánh bắt thủy hải sản có những bước phát triển về quy mô, năng lực và nghề khai thác mới. Cụ thể như tạo nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm ngư cụ. Qua đó, số phương tiện đánh bắt đã phát triển lên hơn 200 ghe, thuyền, nâng sản lượng khai thác trung bình gần 800 tấn/năm, góp phần ổn định đời sống nhân dân và cung cấp nguồn thủy sản phong phú, có giá trị cao cho thị trường.

Lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt phát triển, xã Vinh Hiền đã thực hiện được phương án sắp xếp lại nò sáo trên đầm Cầu Hai theo hướng giảm tương đương 50% số trộ. Cùng với hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, địa phương đã chuyển giao cho 3 Chi hội nghề cá của xã tăng cường quản lý ổn định cho đến nay.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Trần Đình Công Định, lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy hải sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao, với giá trị sản xuất đạt 190,13 tỷ đồng trong năm 2020, chiếm gần 60% GDP của xã và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Do đó, để lĩnh vực này phát triển bền vững, trước khi tham mưu lên Đảng ủy ra nghị quyết về phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, Hội Nông dân xã cũng đã đề ra các giải pháp cho vấn đề này.

Chợ cá buổi sáng sớm ở Vinh Hiền.

Cụ thể, các cấp Hội chú trọng công tác tuyên truyền đến nông dân, kể cả người tiêu thụ về tầm quan trọng của việc khai thác đánh bắt bền vững, xây dựng và ban hành quy chế khai thác đánh bắt trên đầm phá để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Phối hợp quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng, duy trì và phát triển nghề nuôi, mật độ nuôi một cách hợp lý để bảo vệ môi trường và phù hợp với thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, củng cố và phát huy vai trò của các hội nghề cá, giải quyết hài hòa lợi ích giữa việc khai thác tìm nguồn cá giống để nuôi trồng và việc bổ sung nguồn cá giống từ biển vào hệ sinh thái đầm phá.

Đối với chiến lược dài hơi, địa phương tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nuôi trồng, nhất là các loại có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá vẩu. Liên doanh, liên kết từ khâu nuôi trồng đến khâu tiêu thụ để ổn định và chủ động đầu ra cho sản phẩm. Chú trọng đến các tiêu chuẩn trong nuôi trồng để sản phẩm đáp ứng việc tiêu thụ trong nước và hướng đến đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế vùng đầm phá của địa phương bền vững hơn.

Bài, ảnh: Bá Trí