Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên vùng khô hạn

08:48 03/01/2021 GMT+7

Là một trong những địa bàn khô hạn nhất cả nước, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp. Đây là chìa khóa để ngành Nông nghiệp của địa phương này chuyển trạng thái từ ứng phó thụ động sang chủ động với biến đổi khí hậu. Bởi vậy, dù tình trạng khô hạn kéo dài, nhưng Ninh Thuận vẫn phát huy lợi thế với những nông sản có giá trị.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: A.T

Giảm chi phí tăng lợi nhuận

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết “Để xây dựng nền nông nghiệp có hàm lượng KHCN ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU gắn kết chặt chẽ với Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10.10.2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Qua đó Sở NN&PTNT đã tạo đột phá về đẩy mạnh ứng dụng KHCN đối với các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh; thông qua lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án,… triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao.

Nhiều dự án đầu tư đã đem lại hiệu quả nổi bật như: Đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, từ diện tích tưới 1.437ha năm 2018, ước đến cuối năm nay tăng lên 1.911ha; Mô hình ứng dụng bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo (hơn 140ha), bước đầu đã phòng trừ được các bệnh phổ biến, làm giảm 30% chi phí sản xuất, tránh được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm an toàn, tăng năng suất thu hoạch, tăng thu nhập từ 1,6-1,8 lần so với không bao lưới. Mô hình bao trái trên cây nho bằng túi chuyên dụng, tuy chi phí lớn hơn từ 40 – 45 triệu đồng/ha nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân đạt hơn 680 triệu đồng/ha/vụ, trong khi mô hình không bao chùm chỉ cho lãi cao nhất là 262 triệu đồng/ha/vụ.

Tại các địa phương của tỉnh, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng đem lại những thành công rõ rệt. Chẳng hạn, ở xã Tân Hải (huyện Ninh Hải) có mô hình san phẳng đồng ruộng (33ha) bằng thiết bị laser; xã An Hải (Ninh Phước) có công nghệ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ được áp dụng quy mô lớn tại trang trại Tiên Tiến,…. Huyện Ninh Sơn có mô hình trồng lan (7ha) bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Anh Phan Thanh Sang, chủ trang trại sản xuất hoa lan YSA Orchid theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Ninh Sơn cho biết: Hiện tại, trang trại của anh được trồng trong nhà kính, trang bị hệ thống quạt thông gió, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, bón phân, lắp đặt đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm tự động. Quy trình chăm sóc, thu hoạch hoa được áp dụng khoa học. Trang trại đang trồng 200.000 chậu lan Hồ Điệp, trên 31.000 cây lan Mokara, 3.000 cây lan Ngọc Điểm, 3.000 cây lan Trầm.

Theo anh Sang, một số giống hoa lan được trang trại tự sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, một số giống Hồ Điệp được nhập khẩu từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc). “Các giống lan nhiệt đới như Hồ Điệp, Mokara, lan Trầm, Ngọc Điểm trồng không khó. Bởi người trồng chỉ cần tuân thủ theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn về độ ẩm, nhiệt độ và quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh sẽ đạt năng suất cao; trong đó, lan Hồ Điệp có nhiều loài với màu sắc đẹp, thường nở và tàn trong vài tháng. Giá bán phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nên được thị trường ưa chuộng nhất là vào dịp lễ, tết, thích hợp làm quà tặng nên yên tâm với đầu ra…”, anh Sang tự tin cho biết.

Mô hình chăn nuôi cho hiệu quả cao nhờ liên kết ứng dụng khoa học công nghệ. Ảnh: M. Hậu.

Tạo sức hút doanh nghiệp

Nhằm tạo nguồn lực đầu tư ứng dụng KHCN, tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư, nhất là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, tỉnh ưu tiên các DN tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp; đưa thành tựu KHCN mới, công nghệ cao gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm. Hiện tại, Sở NN&PTNT đã mời gọi và phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai 11 dự án đã và đang đi vào hoạt động. Trong đó nổi bật có các dự án: “Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh”; “Phát triển dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao Nitatech”; “Phát triển vùng nguyên liệu nho rượu theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp nông nghiệp hữu cơ của Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận”; “Trang trại Sun and Wind của Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt”; “Sản xuất dưa lưới VietGAP kết hợp trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Dược liệu Phước Điền”; “Sản xuất dưa lưới, dưa lê DannyGreen”.

“Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đã triển khai ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm đặc thù của tỉnh đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường. Hầu hết diện tích đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao đều cho giá trị đạt trên 300 triệu đồng/ha. Đặc biệt, một số mô hình có thể đạt doanh thu hàng năm từ 600 triệu đến 6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/ha mỗi năm”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.

Cũng theo ông Đặng Kim Cương, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh còn tham gia đầu tư nhiều mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như mô hình trồng nho kết hợp du lịch sinh thái do Hợp tác xã Thái An chủ trì liên kết với nông dân ở vùng đất khô nóng huyện Ninh Hải. Tại đây, toàn bộ diện tích 30ha nho được áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm hiện đại nên nho tươi tốt, cho năng suất cao. Các sản phẩm nho của người dân cũng được khách tham quan mua tại vườn với giá cao hơn thị trường từ 20-25%.

Để tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp, trong giai đoạn 2020-2025, Sở NN&PTNT khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh thông qua sự khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm. Tỉnh Ninh Thuận cũng hướng đến xây dựng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp trên nền tảng công nghệ cao. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, phải có chính sách thu hút đầu tư từ các nguồn vốn lớn của doanh nghiệp, vốn ODA, vốn vay các tổ chức tài chính quốc tế cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương.

Tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực và phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Bao gồm: Vùng sản xuất lúa, bắp, nho, táo tập trung tại huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải và vùng cây ăn quả đặc trưng tập trung tại xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn) với tổng diện tích khoảng 400ha.

Bảo Tâm