Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phổ biến, cập nhật quy định của các thị trường nhập khẩu cho doanh nghiệp, người dân

Bảo Minh - 14:18 02/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng ngày 2/8/2024, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với các đơn vị truyền thông thuộc Bộ NN&PTNT, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại TP.HCM, trực tuyến tại điểm cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội nghị được triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, theo công văn ban hành ngày 18/7. Tại điểm cầu chính, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, Cục BVTV, Văn phòng SPS Việt Nam, Trường Chính sách công và PTNT, Cục Xuất nhập khẩu, Sở An toàn thực phẩm TPHCM cùng Sở Công Thương, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tham dự. Các hiệp hội như: Rau quả Việt Nam, Hồ tiêu và Cây gia vị, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Điều, Cà phê và Ca cao, Chè cũng cử đại diện dự và phát biểu ý kiến. 

Ông Lê Thanh Hòa (bên phải), Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh Nguyễn Thuỷ

Đây là hội nghị thứ 4 trong năm 2024 mà Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tại địa phương, sau 3 chương trình đã thực hiện tại Lạng Sơn, Phú Yên và Thái Bình. Mục đích nhằm tăng cường phổ biến, cập nhật các quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) để giúp doanh nghiệp, HTX và nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và thủy sản nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, với các quy định SPS thay đổi liên tục, Văn phòng SPS Việt Nam đóng vai trò là đầu mối, cung cấp thông tin để xuất khẩu đáp ứng các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động, thực vật.

Theo ông Hòa, việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEF… cơ bản đã tạo ra sân chơi công bằng và rộng lớn hơn trước đó với các đối tác lớn như Đông Á và các nước châu Âu. Các hiệp định thương mại tự do tạo ra thuận lợi về thuế, đặc biệt là giảm dòng thuế về 0% đối với nông sản tươi và qua chế biến, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt phù hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông sản thực phẩm chế biến sâu.

Tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ 1/8/2020, được dự báo giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng hơn 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030. Nhiều chuyên gia cho rằng, EVFTA góp phần làm GDP Việt Nam trở lại mức tăng trưởng 7% giai đoạn 2029 - 2033.

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 2.300 tỷ USD. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này hiện khoảng 2%.

Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, được ký kết vào ngày 15/11/2020. Hiệp định có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm. 10 quốc gia ASEAN, thành viên chính trong RCEP, tin rằng với sự lớn mạnh của các thành viên, EU và Hoa Kỳ sẽ tăng cường đàm phán và mở cửa thị trường hơn trong tương lai với nhóm RCEP. Nhóm RCEP hiện chiếm 1/3 dân số toàn cầu. Khu vực có dư địa và tiềm năng phát triển hàng đầu thế giới.

ThS. Lương Ngọc Quang, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) trình bày các quy định của thị trường trọng điểm đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh Nguyễn Thuỷ

Tại Hội nghị, ThS. Lương Ngọc Quang, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) trình bày các quy định của thị trường RCEP đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Việt Nam, theo đó:.

Yêu cầu nhập khẩu và quy định kiểm dịch thực vật của nhóm RCEP:

Hiệp định RCEP có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm. 10 quốc gia ASEAN, thành viên chính trong RCEP, tin rằng với sự lớn mạnh của các thành viên, EU và Hoa Kỳ sẽ tăng cường đàm phán và mở cửa thị trường hơn trong tương lai với nhóm RCEP.  Nhóm RCEP hiện chiếm 1/3 dân số toàn cầu. Đây là khu vực có dư địa và tiềm năng phát triển hàng đầu thế giới.

Đối với nhóm các nước RCEP, khi xuất khẩu hàng hóa, việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự xâm nhập của các sinh vật gây hại. Các quy định nhập khẩu thường yêu cầu ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc các mối nguy về an toàn thực phẩm từ việc xâm nhập vào nước nhập khẩu. Kiểm dịch thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ nguy cơ lây lan dịch hại qua đường thương mại, đảm bảo rằng sản phẩm xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.

Mỗi quốc gia đều có các quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn và kiểm dịch thực vật. Việc tuân thủ các quy định này không chỉ giúp hàng hóa xuất khẩu được chấp nhận tại nước nhập khẩu mà còn giúp tránh các rủi ro tại cảng đến. Đảm bảo làm thủ tục kiểm dịch và an toàn thực phẩm đầy đủ giúp doanh nghiệp xuất khẩu yên tâm hơn về quá trình xuất nhập khẩu.

Theo quy định chung, các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật theo hiệp định SPS và Công ước quốc tế Bảo vệ thực vật (IPPC). Đối với mặt hàng quả tươi, yêu cầu cơ bản là phải có giấy Chứng nhận Kiểm dịch Thực vật (KDTV) do cơ quan có thẩm quyền cấp và đảm bảo lô hàng không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật.

Mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói:

Vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói (CSĐG) cần phải đăng ký mã số và đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Điều này là điều kiện tiên quyết để các sản phẩm từ vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói có thể được xuất khẩu thành công. Việc đăng ký mã số cho vườn trồng hoặc CSĐG là tự nguyện, nhưng cần thiết để chứng minh sự tuân thủ các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Kiểm tra và đánh giá là các bước quan trọng để cấp, duy trì hoặc phục hồi mã số. Các cơ quan chuyên môn sẽ thực hiện các đánh giá này để đảm bảo rằng vườn trồng hoặc CSĐG đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Sau khi được cấp mã số, vườn trồng hoặc CSĐG phải luôn bảo đảm tuân thủ các điều kiện của nước nhập khẩu. Mã số được cấp sẽ được giám sát bởi cơ quan quản lý để duy trì sự phù hợp với các yêu cầu quy định. Mã số xuất khẩu cần phải được công nhận hoặc phê duyệt bởi nước nhập khẩu. Điều này đảm bảo rằng các sản phẩm từ vùng trồng hoặc CSĐG đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để nhập khẩu vào các quốc gia khác.

Việc triển khai cấp mã số và duy trì tuân thủ các yêu cầu là rất quan trọng để đảm bảo rằng sản phẩm từ vùng trồng hoặc CSĐG có thể xuất khẩu thành công và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh minh hoạ

Do đó, việc triển khai cấp mã số và duy trì tuân thủ các yêu cầu là rất quan trọng để đảm bảo rằng sản phẩm từ vùng trồng hoặc CSĐG có thể xuất khẩu thành công và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngành nông nghiệp đang triển khai cấp mã số tại địa phương. Dưới đây là các bước cụ thể:

Tiếp nhận đề nghị: Tổ chức hoặc cá nhân gửi đề nghị cấp mã số vùng trồng hoặc CSĐG đến cơ quan chuyên môn tại địa phương. Cơ quan này sẽ kiểm tra tính đầy đủ và phù hợp của hồ sơ gửi đến.

Kiểm tra thực tế: Cơ quan chuyên môn tại địa phương sẽ thực hiện kiểm tra thực tế tại vùng trồng hoặc CSĐG để xác nhận điều kiện thực tế so với yêu cầu đã đề ra.

Cấp mã số: Cơ quan chuyên môn thực hiện việc cấp mã số cho vùng trồng hoặc CSĐG.

Báo cáo mã số xuất khẩu: Nếu có đề nghị cấp mã số xuất khẩu, cơ quan chuyên môn sẽ đối chiếu với quy định của nước nhập khẩu. Danh sách các vùng trồng và CSĐG đáp ứng yêu cầu sẽ được tổng hợp và gửi cho Cục Bảo vệ thực vật.

Thông báo: Cơ quan chuyên môn tại địa phương sẽ thông báo cho các vùng trồng hoặc CSĐG về mã số được cấp, đồng thời thông báo các trường hợp vi phạm nếu có.

Quy định chung về kiểm dịch thực vật của các nước:

Các nước thành viên WTO phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của hiệp định SPS và Công ước quốc tế Bảo vệ thực vật- IPPC. Yêu cầu cơ bản đối với mặt hàng quả tươi là phải có giấy Chứng nhận KDTV do cơ quan có thẩm quyền cấp và lô hàng không nhiễm đối tượng KDTV.

Một số thị trường nhập khẩu chỉ cần đáp ứng yêu cầu cơ bản trên gồm: Các nước khu vực Trung Đông (UAE, Qatar, Li Băng, Ả rập Xê út…); Các nước Đông Âu (Nga, Ucraina…); Các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Myanmar…); Canada.

Bà Phạm Thị Lâm Phương, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thông tin những vấn đề cần quan tâm với thị trường RCEP. Ảnh Nguyễn Thuỷ

Theo bà Phạm Thị Lâm Phương, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, RCEP được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác (FTA ASEAN+). Do đó, RCEP là một FTA bao trùm với nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+ và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới (như Thương mại điện tử, Mua sắm công, Cạnh tranh, Sở hữu trí tuệ…).

Bà Phạm Thị Lâm Phương cho biết thêm, khi giao thương, doanh nghiệp cần xác định xem hàng xuất khẩu/nhập khẩu với nước thành viên nào của RCEP để tìm Biểu thuế ưu đãi RCEP của nước đó áp dụng cho Việt Nam và ngược lại. Cụ thể, mức cam kết về ưu đãi thuế quan của Việt Nam trong RCEP cho hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác không cao hơn so với mức ưu đãi thuế quan mà Việt Nam đang dành cho hàng hóa từ các nước này theo các FTA ASEAN+ đã có. Để hưởng ưu đãi thuế quan, các sản phẩm cần có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên, hoặc được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên.

Tại hội nghị, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng đưa ra một số khuyến nghị khi giao thương với thị trường RCEP.

Với các cơ quan quản lý nhà nước, bà Phương cho rằng cần tiếp tục cập nhật, tuyên truyền, phổ biến các thông tin về thị trường, chính sách, đặc biệt là các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam như RCEP tới doanh nghiệp để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương và Hiệp hội ngành hàng trong công tác đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến xuất khẩu, khai thác các thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, tận dụng lợi thế của các mặt hàng chủ lực mỗi địa phương.

Một lưu ý nữa là phối hợp với Tham tán thương mại và nông nghiệp của Việt Nam ở các quốc gia, khu vực thị trường đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu; tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác thị trường và xúc tiến thương mại, quảng cáo đa kênh; tham gia trực tiếp vào kênh phân phối tại thị trường.

Quy định SPS quốc tế: Cập nhật mới nhất từ các thị trường chủ chốt

Tại Hội thảo, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cập nhật các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand.

TS. Đào Văn Cường, Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT thông tin về những cập nhật mới nhất của quy định SPS quốc tế. Ảnh Nguyễn Thuỷ

Thông tin Quy định nhập khẩu vào thị trường EU:

Trong nửa đầu năm 2024, số lượng cảnh báo từ thị trường EU đã gia tăng bất thường. Việt Nam chiếm khoảng 2% tổng số cảnh báo, chủ yếu liên quan đến các sản phẩm như rau quả, gia vị, thủy sản và các thực phẩm khác. Các cảnh báo chủ yếu xuất phát từ các địa phương như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tiền Giang, Khánh Hòa, Bình Dương, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An và một số khu vực khác.

Một số nguyên nhân là do sản phẩm rau quả vượt mức dư lượng thuốc BVTV cho phép; nhiễm vi sinh vật và độc tố vi nấm; gạo biến đổi gen. Thực phẩm chế biến vượt mức dư lượng thuốc BVTV cho phép và một số vi phạm khác.

Quy định (EU) số 178/2002 (được coi là Luật Thực phẩm chung của EU) là văn bản luật quan trọng nhất đưa ra nguyên tắc và quy tắc chung về an toàn thực phẩm ở EU. Quy định này áp dụng cho tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn);

Quy định chống phá rừng (EUDR), EUDR được áp dụng từ tháng 01/2025, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6/2025. Theo đó sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng;

Quy định số 1005/20081 (IUU) có hiệu lực từ ngày 01/10/2010 về chống Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định;

Quy định (EU) số 2019/1793 về việc áp dụng các biện pháp tạm thời kiểm soát chính thức và biện pháp khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU;

Quy định (EU) 2022/2292 ngày 06/9/2022 bổ sung Quy định (EU) 2017/625, các sản phẩm thực phẩm hỗn hợp có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật thì thành phần nguyên liệu từ động vật phải nằm trong danh sách các doanh nghiệp (quốc gia được phê duyệt) được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào EU.

Thông tin về Quy định của thị trường Trung Quốc:

Thông tin Quy định về mức dư lượng tối đa (MLR) của Trung Quốc: Trung Quốc không có chính sách MRL mặc định. Trung Quốc duy trì Danh sách MRL quốc gia và không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX. Tiêu chuẩn MRL của Trung Quốc được cập nhật hai năm một lần và các thay đổi chủ yếu bao gồm việc bổ sung các MRL mới. Các đề xuất MRL được thông báo cho WTO trong suốt cả năm, nhưng có thể mất 1 đến 2 năm để các điều khoản dự thảo được thông qua.

Các Cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm về Quy định MRL Thuốc BVTV: Viện Kiểm soát Hóa chất Nông nghiệp Bộ Nông nghiệp (ICAMA), trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (MARA), chịu trách nhiệm về quy định thuốc BVTV và xây dựng các quy định về MRL. Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) cũng chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chính sách và quy định chính về an toàn thực phẩm và cùng xuất bản GB 2763 với MARA và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).

Các Cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm Giám sát và Thực thi MRL: Tổng cục Hải quan (GACC) chịu trách nhiệm giám sát và thực thi MRL ở Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc hiện cho phép xuất khẩu một số loại trái cây, bao gồm các mặt hàng truyền thống như xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít và thanh long. Ngoài ra, một số trái cây mới được phép xuất khẩu trong những năm gần đây bao gồm măng cụt (2019), thạch đen (2020), sầu riêng, khoai lang (2022), chuối (2022), dưa hấu (2023) và dừa (2024). Chanh leo và ớt hiện đang được quy định tạm thời, trong khi các mặt hàng như quả có múi (bưởi), dược liệu và trái cây đông lạnh đang tiếp tục trong quá trình đàm phán để mở cửa thị trường.

Thị trường Trung Quốc hiện cho phép xuất khẩu một số loại trái cây, bao gồm các mặt hàng truyền thống như xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít và thanh long. Ảnh minh hoạ

Các quy định của thị trường Trung Quốc căn cứ theo các Tiêu chuẩn sau:

GB 2763: Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia - Giới hạn Dư lượng Tối đa đối với Thuốc trừ sâu trong Thực phẩm.

GB 23200.116: Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia - Xác định 90 Thuốc trừ sâu và các chất chuyển hóa hữu cơ tồn dư trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật - Phương pháp sắc ký khí.

GB 23200.117: Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia - Xác định Dư lượng Oxine - Đồng trong Thực phẩm có nguồn gốc thực vật - Phương pháp Sắc ký lỏng hiệu suất cao.

GB 2763: Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia - Giới hạn Dư lượng Tối đa đối với Thuốc trừ sâu trong Thực phẩm.

So với phiên bản trước, GB 2763 sẽ giới thiệu các sửa đổi chính sau:

Sửa đổi lượng tiêu thụ hàng ngày được chấp nhận (ADI) của 21 loại thuốc trừ sâu. Ví dụ, ADI cho bamectin sẽ được sửa đổi từ 0,002 thành 0,001 mg/kg thể trọng.

Thêm giới hạn dư lượng tối đa cho 51 loại thuốc trừ sâu, chẳng hạn như 2,4-D-dimetylamin.

Sửa đổi 28 giới hạn tồn dư tối đa hiện có đối với thuốc trừ sâu trong thực phẩm.

Giới thiệu 25 tiêu chuẩn thử nghiệm để xác định mức tồn dư của thuốc trừ sâu trong thực phẩm.

Bổ sung 11 loại thuốc trừ sâu vào Danh mục Thuốc trừ sâu được miễn trừ Giới hạn Dư lượng Tối đa trong Thực phẩm. Do đó, những loại thuốc trừ sâu này sẽ được miễn các giới hạn dư lượng tối đa. Ví
dụ về thuốc trừ sâu mới được bổ sung bao gồm Bacillus thuringiensis, Pseudomonas fluorescens và Bacillus subtilis.

Quy định của thị trường Hàn Quốc:

Quy định chung về an toàn thực phẩm: Áp dụng các quy định trong Luật kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu ban hành ngày 28/3/2017 và Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu ban hành ngày 08/10/2020.

Quy định về MRLs: Chính phủ Hàn Quốc áp dụng quy định có trong Hệ thống quản lý danh mục thuốc BVTV Hàn Quốc (Positive List System: Hệ thống PLS) từ ngày 1/1/2019. Đối với các loại thuốc BVTV chưa được đăng ký thiết lập MRLs, Hàn Quốc sẽ áp dụng mức MRL mặc định chung là 0,01 mg/kg.

Quy định về kiểm tra chuyên sâu: Theo Hệ thống PLS, thực phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc sẽ trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt, bao gồm kiểm tra trên hồ sơ, kiểm tra thực địa lô hàng. Tần suất kiểm tra chuyên sâu sẽ tùy vào tình hình cụ thể.

Quy định về phụ gia thực phẩm: Áp dụng tiêu chuẩn và quy định đối với phụ gia thực phẩm ban hành ngày 13/11/2020.

Quy định của thị trường Nhật Bản:

Tại thị trường Nhật Bản, có nhiều luật và quy định chi tiết liên quan đến an toàn thực phẩm, BVTV, và kiểm dịch nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu vào Nhật Bản cần nắm vững và tuân thủ những quy định này để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường.

Luật bảo vệ thực vật đặt ra các quy định về việc bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh và các loại dịch hại.

Luật Kiểm dịch quy định các biện pháp kiểm dịch động thực vật để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của các loài gây hại từ nước ngoài.

Luật quy định về hóa chất nông nghiệp kiểm soát việc sử dụng các hóa chất trong nông nghiệp, đảm bảo chúng được sử dụng an toàn và hiệu quả.

Luật bảo vệ các giống cây trồng và hạt giống nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các giống cây trồng mới và đảm bảo chất lượng của hạt giống.

Luật vệ sinh thực phẩm quy định các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn đối với thực phẩm, từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối.

Luật An toàn Sản phẩm Tiêu dùng đảm bảo rằng các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm cả thực phẩm, an toàn cho người sử dụng.

Luật cơ sở về an toàn thực phẩm đặt ra các nguyên tắc và yêu cầu cơ bản về an toàn thực phẩm, giúp điều phối các quy định khác nhau liên quan đến an toàn thực phẩm.

Luật ngư nghiệp quản lý các hoạt động ngư nghiệp nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản và đảm bảo an toàn thực phẩm từ biển.

Luật Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Động vật trong nước đưa ra các biện pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm ở động vật để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngành chăn nuôi.

Luật về lò mổ và Luật về Quản lý hoạt động giết mổ và luật Kiểm định gia cầm quy định các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn trong quá trình giết mổ và chế biến thịt.

Luật kiểm soát chất độc và chất có hại kiểm soát việc sử dụng và quản lý các chất độc hại để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Luật tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, còn có các nghị định và quy định chi tiết khác bổ sung và hướng dẫn việc thực thi các luật trên.

Quy định của thị trường Australia và New Zealand:

Các tiêu chuẩn áp dụng với thực phẩm được quy định trong Bộ Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia và New Zealand. Tất cả thực phẩm nhập khẩu vào Australia phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của bộ luật này đồng thời nhà nhập khẩu có trách nhiệm bảo đảm thực phẩm nhập khẩu đạt các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Australia.

Tất cả thực phẩm nhập khẩu vào Australia phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của bộ luật  Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia và New Zealand. Ảnh minh hoạ

Bộ Luật tiêu chuẩn thực phẩm của Australia và New Zealand gồm 4 Chương:

Chương 1: Giới thiệu và các tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm, gồm các yêu cầu về nhãn mác; các chất bổ sung và thực phẩm; dư lượng tối đa cho phép; thực phẩm biến đổi gen; hạn mức vi sinh học và các yêu cầu về chế biến.

Chương 2: Tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm, gồm các yêu cầu thành phần đối với các loại thực phẩm cụ thể.

Chương 3: Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, gồm các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với người chế biến thực phẩm.

Chương 4: Tiêu chuẩn sản xuất cơ bản, gồm các tiêu chuẩn cho hàng nông sản.

Chuyển dần tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang Đông Bắc Á

Tại Hội nghị, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận xét, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng. Theo ông Nguyên, bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành rau quả nói riêng và nông sản Việt nói chung cần đa dạng hơn nữa thị trường, trong đó có khối Đông Bắc Á.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng là thành viên của Hiệp định RCEP. Doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics khi xuất sang những thị trường xa như EU, Hoa Kỳ.

Dự báo về tình hình đến cuối năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng ngành hàng rau quả có thể xuất khẩu đạt 7 tỷ USD. Trong thành công chung đó, ông nhấn mạnh: “Mỗi khi mở cửa một thị trường mới, doanh nghiệp đa phần lúng túng và cần một đầu mối để thông tin, hướng dẫn. Văn phòng SPS Việt Nam đã làm rất tốt, giống như người dẫn đường cho nông sản Việt ra nước ngoài”.

Doanh nghiệp có thể mắc sai sót mà không biết

Tổng kết hội nghị, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhìn nhận, trong gần 4 tiếng diễn ra chương trình, nhiều vấn đề nóng về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật… đã được nêu. Qua đó, ông Hòa đánh giá, nhận thức về xuất khẩu của doanh nghiệp đôi lúc còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, người dân còn nhiều khâu chưa kiểm soát được 100%. Ông Hòa lấy ví dụ, nguồn nước tưới, đất, bình tưới… tất cả đều có thể là nguy cơ lây nhiễm, tồn dư thuốc BVTV.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tổng kết Hội nghị. Ảnh Nguyễn Thuỷ

Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, ông Hòa thừa nhận, không ít cơ sở định lấy chứng nhận HACCP (  chứng nhận về phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn.) nhưng nhà xưởng chưa thiết kế theo kiểu một cửa, hoặc để chó, mèo xuất hiện xung quanh khu vực nhà máy.

Chính vì những nhận thức chưa sâu sắc này đã góp phần khiến số lượng cảnh báo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng bất thường.

Thời gian tới, ông Hòa đề xuất các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm, tìm hiểu thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý.

“Văn phòng SPS Việt Nam cam kết hỗ trợ vấn đề thông tin về kiểm dịch, an toàn thực vật, giúp doanh nghiệp đáp ứng một cách tốt nhất các quy định trong các FTA thế hệ mới, trong đó có RCEP và EVFTA", Giám đốc Lê Thanh Hòa khẳng định.

Một sốthông báo SPS đáng lưu ý:

Thông báo số G/SPS/N/AUS/570/Add.1 ngày 07/03/2024 của Australia: Nội dung thông báo này cho biết Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia đã hoàn thành phân tích rủi ro nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp cận thị trường cho chanh dây tươi (Passiflora edulis) từ Việt Nam nhập khẩu vào Australia. 

Thông báo số G/SPS/N/AUS/583 ngày 19/03/2024 của Australia: Thông báo này đề xuất sửa đổi Bộ Tiêu chuẩn Thực phẩm của Australia và New Zealand để điều chỉnh các giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với các hóa chất nông nghiệp và thú y khác nhau. Những hóa chất này bao gồm ametoctradin, cypermethrin, ethephon, fluxapyroxad, ipflufenoquin, mefentrifluconazole, metalaxyl và pyraclostrobin trong các mặt hàng có nguồn gốc thực vật, cũng như bupivacain và lignocain trong một số mặt hàng có nguồn gốc động vật. 

Thông báo số G/SPS/N/NZL/742/Add.1 ngày 31/01/2024 của New Zealand: New Zealand đã thông báo về việc sửa đổi Tiêu chuẩn Y tế nhập khẩu đối với quả chôm chôm, gừng tươi và rau quả tươi. Các sửa đổi này đã có hiệu lực chính thức từ ngày 29/01/2024, nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và kiểm dịch của New Zealand.

Thông báo số G/SPS/N/KOR/797 ngày 05/03/2024 của Hàn Quốc: Đề xuất sửa đổi “Tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật cho dụng cụ, hộp đựng và bao bì thực phẩm” nhằm đảm bảo các dụng cụ và bao bì đựng thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh, ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thông báo số G/SPS/N/JPN/1258 ngày 01/03/2024 của Nhật Bản: Nội dung thông báo này sửa đổi Danh sách quản lý các sinh vật sống theo Đạo luật về các loài ngoại lai xâm lấn. 

Thông báo số G/SPS/N/CHN/1298 ngày 12/02/2024 của Trung Quốc: Nội dung thông báo liên quan đến “Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia của CHND Trung Hoa: Chất tăng cường dinh dưỡng thực phẩm vitamin K2 (phương pháp tổng hợp)”. Tiêu chuẩn này áp dụng cho thực phẩm tăng cường dinh dưỡng vitamin K2 được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hóa học từ vitamin K3 và rượu heptaenorpene hoặc từ vitamin K3, farnicol và geraniol làm nguyên liệu.

Thông báo số G/SPS/N/CHN/1295 ngày 09/02/2024 của Trung Quốc: Nội dung thông báo này đề cập đến “Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia của CHND Trung Hoa: Nguyên tắc chung về Ghi nhãn Thực phẩm đóng gói sẵn”. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu ghi nhãn thực phẩm đối với thực phẩm đóng gói sẵn, đảm bảo thông tin trên nhãn mác rõ ràng và đầy đủ.

Thông báo số G/SPS/N/CHN/1311 ngày 11/7/2024 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc: Nội dung thông báo quy định về kiểm soát ô nhiễm acrylamide trong thực phẩm. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu cơ bản và hướng dẫn quản lý để phòng ngừa và kiểm soát việc tạo ra acrylamide trong các sản phẩm khoai tây, sản phẩm ngũ cốc rang và cà phê… thông qua việc kiểm soát nguyên liệu thô, chế biến nhiệt như chiên và rang.

Nâng chất hàng nông sản xuất khẩu
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do". Đề án ra đời mang lại nhiều cơ hội và thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị và nông dân sản xuất nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.