Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phú Riềng Đỏ - cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam

13:23 02/02/2022 GMT+7
Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phong trào công nhân “Phú Riềng Đỏ” năm 1930 đã gây rúng động khắp Nam Kỳ và vang tới tận Paris (Pháp) thời bấy giờ.

“Phú Riềng Đỏ” là một trong những phong trào công nhân đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện bởi các công nhân cao su tại đồn điền Phú Riềng (nay là Nông trường cao su Tân Thành thuộc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú, Bình Phước).

Đây là nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của khu vực Đông Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phong trào “Phú Riềng Đỏ” đã gây rúng động Nam Kỳ và vang tới tận Paris (Pháp) thời bấy giờ.

Khu di tích lịch sử Quốc gia Phú Riềng Đỏ tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Tám ngày đêm làm nên một “Phú Riềng Đỏ” hào hùng

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã bãi bỏ lối mộ phu cưỡng bách vì dư luận nước Pháp và các nước thuộc địa lên án mạnh mẽ lối cưỡng bách nô lệ này.

Chúng chuyển sang mộ phu theo hợp đồng, tức là người công nhân phải ký với chủ sở một bản giao kèo trong thời gian nhất định là 3 năm, và trong thời gian này không được tự do bán sức lao động cho các chủ khác, không được thôi việc dù có lý do chính đáng nào.

Sự áp bức cùng cực của bọn chủ đồn điền và lũ tay chân đã dẫn đến phong trào đấu tranh của công nhân. Họ chống lại bọn chủ đồn điền không phải chỉ vì mục đích trước mắt đòi hỏi có một cuộc sống khá hơn mà còn mang một ý nghĩa cao cả hơn đó là vừa chống lại kẻ thù giai cấp đồng thời cũng là đấu tranh chống lại kẻ thù dân tộc.

Tuy nhiên, vì chưa có tổ chức Đảng lãnh đạo, chưa có phương pháp cách mạng đúng đắn nên hầu hết các cuộc đấu tranh của công nhân còn mang tính tự phát là chính. Người phu cao su ở Phú Riềng giai đoạn đầu đã phản ứng bằng những hình thức như bỏ trốn, tự tử, nổi dậy chém bọn chủ đồn điền; sau đó là các cuộc đấu tranh bằng con đường khiếu kiện, lãn công, triệt cây…

Bia tưởng niệm Liệt sỹ xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được cử đến đồn điền cao su Phú Riềng để xây dựng phong trào công nhân.

Thực hiện việc phát triển tổ chức Đảng của Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự chỉ đạo cho đồng chí Nguyễn Xuân Cừ xây dựng và thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Vào đêm 28/10/1929 tại bờ suối trong khu rừng Làng 3 đồn điền cao su Thuận Lợi thuộc Công ty Michelin - Pháp (nay là Đội 3 Nông trường cao su Tân Thành thuộc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với 5 đảng viên, trong đó đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư.

Phú Riềng Đỏ là Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam.

Bằng các cuộc đấu tranh mở đầu vào ngày 30/1/1930 và kết thúc vào ngày 6/2/1930, sau 8 ngày đấu tranh kiên cường “Phú Riềng Đỏ” đã giành được thắng lợi to lớn.

Ngày 3/2/1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Phú Riềng, hơn 5.000 công nhân cao su và người lao động của 10 làng trong khu vực đã tiến hành biểu tình, bao vây khu nhà chủ sở của Công ty Michelin và buộc giới chủ phải đáp ứng thực hiện 6 quyền lợi thiết yếu bao gồm cấm đánh đập, cấm cúp phạt, miễn sưu thuế, trả lương cho nữ công nhân nghỉ đẻ, ngày làm 8 giờ, bồi thường cho công nhân bị tai nạn lao động.

Sự kiện này đã gây rúng động Nam Kỳ, vang tới tận Paris (Pháp), khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với đội ngũ công nhân, trong đó có công nhân cao su Phú Riềng.

Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, Công hội đỏ đã tổ chức bãi công lớn, quy tụ được công nhân toàn đồn điền với hàng ngàn người tham gia vào cuộc đấu tranh bằng các yêu sách kinh tế kết hợp với chính trị, buộc chủ tư bản thực dân Pháp phải ký vào biên bản.

Bài học quý báu nhất của cuộc đấu tranh là biết nổ ra đúng lúc để giành thắng lợi và bảo toàn lực lượng cách mạng, làm thất bại mưu đàn áp đẫm máu, làm thất bại mưu đồ hủy diệt “khu đỏ” của địch.

Tiếng vang của “Phú Riềng Đỏ” đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam lên một bước phát triển mới.

Tiếp nối truyền thống Phú Riềng Đỏ

Tiền thân là đồn điền Phú Riềng, đến ngày 21/5/1981 Công ty cao su Đồng Phú được thành lập. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, từ một nông trường với diện tích 3.000 ha cây cao su già cỗi bị bom đạn tàn phá, đến nay Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú đã có diện tích trên 10.000ha, với gần 8.000ha vườn cây đang cho khai thác.

“Để tinh thần 'Phú Riềng Đỏ' mãi tỏa sáng, là ngọn đuốc thiêng tạo nên cốt cách của người công nhân cao su, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Công ty đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân lao động kiên cường, bản lĩnh, sáng tạo, có tay nghề cao. Tăng cường giáo dục truyền thống đến cán bộ, công nhân lao động về lịch sử hào hùng của 'Phú Riềng Đỏ.' Thông qua các hoạt động hàng năm, đội ngũ cán bộ, công nhân của Công ty thấm nhuần sâu sắc hơn về truyền thống của ngành, lấy đó làm động lực phấn đấu xứng đáng với truyền thống 'Phú Riềng Đỏ' trên mặt trận lao động, sản xuất kinh doanh,” ông Lưu Minh Tuyến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú cho biết.

Ông Đỗ Văn Rồng,  nguyên công nhân cao su Phú Riềng, đảng viên 45 năm tuổi Đảng, cho biết khí thế những ngày đầu thành lập Công ty cao su Đồng Phú: “Với tinh thần Phú Riềng Đỏ, những lớp công nhân cao su Đồng Phú luôn được giáo dục tư tưởng, nêu cao tinh thần của người công nhân Phú Riềng Đỏ, xứng đáng với truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của thế hệ cha anh đi trước. Chúng tôi hăng say lao động, sản xuất, các phong trào đoàn hội đều phát triển, tinh thần Phú Riềng Đỏ vẫn luôn luôn tuôn chảy trong mỗi cán bộ, công nhân cao su.”

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú, ông Lưu Minh Tuyến cho biết, trải qua lịch sử 92 năm, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại, giá trị truyền thống, thực tiễn sâu sắc mà “Phú Riềng Đỏ” mang lại.

Khách tham quan không gian trưng bày hình ảnh, kỷ vật Phú Riềng Đỏ. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Kế thừa và phát huy tinh thần đó, mỗi cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú hôm nay đã vượt khó, đồng lòng chung sức, hăng say lao động, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, góp phần tạo năng suất, sản lượng cao góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

“Tinh thần Phú Riềng Đỏ càng được thể hiện rõ nét hơn khi trong 2 năm qua, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tuy nhiên với phương châm “mỗi công nhân là một chiến sỹ trên mặt trận sản xuất kinh doanh,” đội ngũ cán bộ, công nhân cao su Đồng Phú đã nỗ lực, sáng tạo để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Do đó, kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm của cao su Đồng Phú luôn đạt và vượt kế hoạch, góp phần tạo xây dựng cao su Đồng Phú trở thành một đơn vị mạnh toàn diện,” ông Tuyến chia sẻ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 92 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, “phát huy truyền thống Phú Riềng Đỏ, 92 năm qua, ngành Cao su Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của tỉnh Bình Phước. Cao su trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh với diện tích hơn 240.000ha. Trong đó, hơn 72.000ha cao su thuộc 4 công ty của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Qua đó góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương.”

Vào những ngày cuối năm, khi cả nước đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc - xuân Nhâm Dần 2022, chúng tôi đã có dịp đến thăm “Phú Riềng Đỏ.” Những rừng cao su đang vào mùa thay lá với màu xanh lẫn màu đỏ bạt ngàn rơi như những cánh bướm dập dìu.

Càng tự hào hơn khi đứng dưới chân tượng đài trong khu Di tích lịch sử quốc gia Phú Riềng Đỏ để được nghe những người công nhân cao su hôm nay nói về truyền thống của ngành, về những lớp cha ông đi trước đã kiên cường, anh dũng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng.

“Thề chung sức đấu tranh, trước làm cách mạng giải phóng dân tộc, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến tới thế giới đại đồng,” lời tuyên tệ hào hùng của đảng viên trong đêm thành lập Chi bộ “Phú Riềng Đỏ” ngày 28/10/1929 được khắc trang trọng trên tượng đài trong khu Di tích.

Nơi được xem như “địa ngục trần gian” năm xưa khiến những người công nhân cao su phải thốt lên rằng, “lỡ lầm vào đất cao su/chẳng tù thì cũng như tù chung thân,” giờ đã là những cánh rừng cao su bạt ngàn với khí thế lao động hăng say. Dưới đôi bàn tay “vàng” của những người công nhân, dòng nhựa trắng trên mảnh đất “Phú Riềng Đỏ” vẫn chảy để mang lại phồn vinh cho quê hương, đất nước./.

Theo Vietnam +