Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quỹ tạo đà giúp hội viên phát triển kinh tế

Bùi Ánh - 07:04 28/02/2022 GMT+7
Có thể nói, cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang dần được khoác lên “chiếc áo mới” nhờ vào nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) và sự định hướng trong cách đầu tư làm kinh tế cũng như tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức của Hội Nông dân các cấp.
Giải ngân Quỹ HTND  cho dự án nuôi bò lai tại xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa – tỉnh Quảng Bình).

Chú trọng phát triển nguồn Quỹ bằng chính nội lực

Nguồn Quỹ không chỉ là “cứu cánh” cho người nông dân khi muốn đầu tư vào phát triển kinh tế mà nó còn là niềm tin vào tổ chức Hội với vai trò là “bà đỡ” cho hội viên nông dân về mọi mặt. Xác định được điều đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và giao chỉ tiêu thi đua cho các huyện, thị, thành Hội về xây dựng và phát triển Quỹ HTND.

Từ chỉ tiêu của tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã đã giao chỉ tiêu thi đua cho các cơ sở Hội và tích cực chỉ đạo thực hiện. Nguồn Quỹ HTND 3 cấp trong tỉnh năm 2021 tăng hơn 7,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/11/2021, tổng nguồn Quỹ trong tỉnh đạt hơn 36 tỷ đồng, so với năm 2020 nguồn Quỹ có phần giảm sút do nhiều yếu tố khách quan mang lại trong đó phải kể đến hệ lụy của dịch Covid 19, bão lụt, các loại dịch bệnh trên gia súc gia cầm,…

Chỉ tính trong năm 2021, từ nguồn vốn 6 tỷ đồng được ngân sách cấp và nguồn vốn thu hồi các dự án đến hạn, Hội Nông dân Quảng Bình đã giải ngân 48 dự án cho 302 hộ vay với số tiền hơn 14.3 tỷ đồng. 

Nhìn chung, các mô hình kinh tế do Quỹ HTND đầu tư đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cho xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Những mô hình này tiếp tục được nhân rộng để nông dân học tập và làm theo nhằm phát huy tối đa những thế mạnh sẵn có của địa phương và tận dụng nguồn lực dồi dào trong nhân dân. Hội Nông dân các xã có dự án vay vốn Quỹ HTND được tiếp thêm nguồn lực, nội dung hoạt động thiết thực, phong phú hơn, tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Để nguồn Qũy không ngừng nâng cao về số lượng và chất lượng hoạt động, Hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND đối với hoạt động Hội và phong trào nông dân, từ đó vận động cán bộ, hội viên, nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân ủng hộ, xây dựng Quỹ đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cùng với đó, sự vào cuộc của UBND cấp tỉnh, huyện quan tâm nâng mức bổ sung nguồn vốn từ ngân sách cho Quỹ HTND.

“Thời gian qua nhờ thực hiện tốt công tác kiểm tra kết hợp với động viên, giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật nên các mô hình xây dựng từ nguồn Quỹ HTND hầu hết đều phát huy hiệu quả, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả phí vay, tiền gốc đầy đủ, đúng hạn theo quy định; trong năm, nguồn Quỹ cấp tỉnh và trung ương không phát sinh nợ quá hạn

Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động của Quỹ HTND lành mạnh, an toàn và hiệu quả; hầu hết các dự án đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả; thực hiện trả phí vay, tiền gốc đầy đủ, đúng hạn theo quy định, nợ quá hạn giảm, không có hiện tượng sử dụng vốn sai mục đích hoặc vay ké, xâm tiêu”, bà Hoàng Thị Hà - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Bình chia sẻ.

Chăn nuôi bò lai thôn Bàu 3, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) phát huy tốt giá trị nguồn Quỹ mang lại.

Tiền đề tạo một nền nông nghiệp hàng hóa liên kết

Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND ngoài việc giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tiếp cận với việc sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Qua rà soát, sau thời gian triển khai đã có hàng nghìn hội viên nông dân thoát nghèo, nhiều hộ ngày càng khấm khá và trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn.

Việc đầu tư nguồn vốn vay vào trong sản xuất căn theo thế mạnh của vùng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cao. Đồng thời, Quỹ cho vay theo tổ, nhóm phần nào đã liên kết các hộ lại với nhau nhằm chia sẻ những khó khăn, thuận lợi cũng như bước đầu hình thành nên vùng chuyên canh hàng hóa. Qua vốn vay, đã xuất hiện một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh như:

Dự án chăn nuôi bò lai ở thị trấn nông trường Lệ Ninh, các xã Dương Thuỷ, Trường Thuỷ (huyện Lệ Thủy); Dự án Tổ Hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi vịt đàn ở xã Vạn Ninh; Dự án chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi cá nước ngọt thương phẩm ở xã Hàm Ninh, nuôi trồng thuỷ sản ở thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh); Khai thác hải sản ở xã Bảo Ninh, chăn nuôi lợn thịt ở xã Đức Ninh, sản xuất mộc mỹ nghệ ở phường Phú Hải (thành phố Đồng Hới); Dự án chăn nuôi bò lai ở xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch), phường Quảng Long; Sản xuất chế biến nước mắm ở phường Quảng Thọ, sản xuất mây xiên ở xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn), chăn nuôi bò lai sinh sản kết hợp với trồng cây ăn quả có múi ở xã Mai Hóa, xã Văn Hóa, xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa),…

Cụ thể hóa cho tính hiệu quả từ nguồn vốn vay, với số tiền đầu tư ban đầu 1 tỷ đồng cho 21 hội viên nông dân ở xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa), bình quân mỗi hộ mua từ 2 - 3 con bò lai. Với lợi thế nguồn thức ăn cỏ tự nhiên có sẵn, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cây lạc khô, mỗi hộ gia đình còn trồng thêm cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò. Công tác tiêm phòng, vệ sinh môi trường được đảm bảo nên đàn bò phát triển tốt, ít bị bệnh tật. Mỗi năm cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/hộ, sau 3 năm các hộ đã trả hết nguồn vốn cho Quỹ HTND.

Từ thành công của mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, Hội Nông dân xã Tiến Hóa đã tiến tới thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò lai tại đơn vị thôn Bàu 3 gồm có 21 hội viên với tổng đàn bò của chi Hội là 190 con. Các hội viên của chi hội đã đóng góp được 22 triệu đồng và Hội Nông dân xã hỗ trợ thêm 3 triệu đồng để mua 1 bò đực giống nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ phối giống tốt cho đàn bò.

Chính nhờ những đồng vốn đó phần nào đã mang lại những đổi mới cho nông dân và cùng góp phần rất lớn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được hội viên nông dân nhiệt tình hưởng ứng, thể hiện tốt vai trò chủ thể; bình quân toàn tỉnh Quảng Bình đạt chuẩn 16,8 tiêu chí/xã; riêng năm 2021 có 7 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Từ đó, vai trò của tổ chức Hội ngày một được củng cố và mang lại niềm tin vào Hội của hội viên nông dân.