Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sẻ chia để thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng

Thái Minh - 16:18 31/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo thống kê từ các tỉnh thành, tính đến cuối năm 2021 cả nước có gần 2.500 trẻ em mồ côi do Covid-19 và hàng chục ngàn em rơi vào hoàn cảnh khó khăn do cha mẹ mất thu nhập hoặc phải theo gia đình di cư từ các thành phố lớn về địa phương. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều cá nhân, tổ chức đang trở thành điểm tựa tinh thần lẫn vật chất để hỗ trợ trẻ mồ côi sau đại dịch.
Các chiến sỹ quân đội tham gia hỗ trợ trẻ em học trực tuyến tại TP.HCM.

“Trao gửi yêu thương” đến trẻ em thiệt thòi

Chỉ tính riêng tại TP.Hồ Chí Minh (HCM), sau đợt Covid-19 vừa qua, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin, thành phố có gần 1.400 trẻ dưới 18 tuổi mồ côi do dịch Covid-19. Trong đó có 66 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, 19 trẻ mất mẹ khi vừa chào đời. Đặc biệt, trong số này có những em mồ côi cha mẹ và mất luôn cả người bảo trợ. Để chăm sóc gần 1.400 em nhỏ này, TP.HCM đã kêu gọi và nhận được sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhiều tổ chức, đoàn thể, cơ quan.

Hơn 1 tháng kể từ ngày bố mất vì Covid-19, chị Lê Ánh Nguyệt (32 tuổi, ở huyện Bình Chánh) vẫn chưa sắp xếp ổn thỏa chuyện ăn ở, học hành cho 5 người em đang trong độ tuổi đến trường (em nhỏ nhất vừa vào lớp 5, 2 em mới vào lớp 10 đang nợ học phí, 1 em gái học lớp 8 và 1 em trai bước vào lớp 12).

10 năm mẹ bỏ ra đi là từng ấy năm bố của chị Nguyệt xoay xở, lo lắng chuyện cơm nước, học hành cho những đứa con. Tuy đã lập gia đình nhưng từ khi bố mất, chị tạm thời về nhà ở Ấp 2, xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh) lo cho các em bởi bà nội đã già, cô chú xung quanh đều có gia đình không thể bao bọc cùng lúc 5 em nhỏ. Điều an ủi nhất bây giờ là các em đã biết tự lập, tự nấu ăn, dọn dẹp, đứa lớn hướng dẫn đứa nhỏ học hành.

Các em của chị Nguyệt đều nằm trong danh sách hơn 100 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 tại địa bàn mà chính quyền huyện đang lên kế hoạch giúp đỡ và tìm người đỡ đầu. Đến nay, nỗi đau của chị em Nguyệt đã phần nào nguôi ngoai khi được các cấp chính quyền, đoàn thể và nhà hảo tâm trợ giúp theo mô hình “Trao gửi yêu thương”. Trung tá Nguyễn Văn Tâm, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh, cho biết sau khi nhận được đề nghị từ địa phương, Ban chỉ huy quân sự huyện đã nhận đỡ đầu 5 bé đến ít nhất 18 tuổi.

Câu lạc bộ “Nghĩa tình nông dân” của Hội ND TP Thủ Đức trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân.

Sự chung tay bảo trợ

Cùng với cả hệ thống chính trị, rất nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.HCM cũng tham gia, có nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo cho trẻ mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19. Trong đợt dịch vừa qua, Hội Nông dân TP.HCM đã đứng ra vận động, tiếp nhận và trao tặng “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình cùng cả nước vượt qua dịch bệnh Covid-19” và trao tặng học bổng toàn phần, bảo trợ trẻ em mồ côi do ảnh hưởng dịch bệnh.

Hội cũng huy động các nguồn lực xã hội chăm lo, hỗ trợ cho hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hội còn hỗ trợ, đồng hành, kết nối, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước,..

Hội Nông dân thành phố đã bảo trợ cho 20 em có cha, mẹ, người nuôi dưỡng mất do dịch Covid-19. Các em sẽ được nhận bảo trợ với 1,5 triệu đồng/tháng. Thời gian bảo trợ từ nay đến lúc các em tốt nghiệp Trung học phổ thông (18 tuổi). Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn Quỹ “Tết Nghĩa tình”. Ngoài ra, Hội Nông dân TP cũng trao học bổng toàn phần và thiết bị học tập cho 20 em sinh viên là con hội viên nông dân nghèo, cận nghèo (học kỳ 1 năm học 2021-2022) với tổng số kinh phí hỗ trợ (đợt 1) hơn 155 triệu đồng.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để chăm lo cho trẻ mồ côi, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ áp dụng các quy định hiện hành để trợ cấp. Theo đó, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được nhận trợ cấp hằng tháng theo mức trẻ dưới 4 tuổi là 900.000 đồng/tháng, ngoài độ tuổi này là 540.000 đồng/tháng.

Để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp với nhu cầu của trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề nghị các tỉnh, thành phố cập nhật số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ mất do đại dịch Covid-19, nguyện vọng của trẻ và người giám hộ của trẻ để có biện pháp trợ giúp phù hợp.

Bộ cũng đề nghị các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, giúp trẻ được sống trong môi trường gia đình, bảo đảm lợi ích tốt nhất. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng. Hướng dẫn này của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã nhận được sự đồng tình của nhiều đơn vị, tổ chức hoạt động vì trẻ em, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, mỗi trẻ em mồ côi sẽ có số phận, hoàn cảnh khác nhau. Do đó, phải dựa trên thực tế hoàn cảnh của các em, cần lắng nghe con trẻ để hiểu được các em cần hỗ trợ như thế nào. Nếu các em còn có thể ở với gia đình người thân thì cần hết sức hỗ trợ để các em được sống trong môi trường gia đình, người thân, cộng đồng nơi các em sinh ra… Do đó, chính quyền địa phương cần triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn. Các thủ tục về chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu cho trẻ em phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Còn ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội thì cho rằng, câu chuyện trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 không phải là vấn đề trước mắt bởi có những em mới chào đời, còn gần 20 năm phía trước cần được hỗ trợ nên các cơ quan chức năng phải tính toàn diện. Vấn đề thực tiễn đặt ra có tác động lâu dài nên cần phải tính đến một chính sách dài hạn. Do đó, Chính phủ cần có chính sách dài hạn phù hợp, giúp các em vượt qua khó khăn, được chăm sóc đầy đủ nhất đến lúc trưởng thành, có thể tự lập sau này.

Tết là dịp đoàn viên, với những trẻ em mồ côi cha mẹ mãi là ước mơ xa xỉ. Nhưng sự quan tâm của cộng đồng, xã hội sẽ lấp dần khoảng trống, chữa lành nỗi đau cho các em. Tinh thần đoàn kết, yêu thương sẻ chia mà mỗi cá nhân, tập thể đang dành cho các em sẽ thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng. 

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều trẻ bị nhiễm Covid-19, có em đã lâm vào cảnh mồ côi do có cha mẹ tử vong vì nhiễm bệnh. Từ tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12/2021, kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Theo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.