Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sóc Trăng nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

16:34 11/01/2022 GMT+7
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng doanh số cho vay của Sóc Trăng năm 2021 vẫn đạt 1.200 tỷ đồng với 39.840 khách hàng, mức cho vay bình quân đạt 30 triệu đồng/hộ.

Đồng hành với người dân vượt khó thoát nghèo trong cuộc hành trình 19 mùa Xuân qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng đang phát triển theo hướng ổn định, đủ năng lực để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Vay được vốn chính sách, nhiều nông dân nghèo ở Sóc Trăng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò thịt. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Trần Duy Đông - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng thông tin 2021 là năm đầy khó khăn, thử thách đối với Sóc Trăng bởi đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng. Tuy nhiên, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp chi nhánh triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch tốt, vừa huy động hiệu quả nguồn vốn chuyển tải kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. Doanh số cho vay của Sóc Trăng năm 2021 đạt 1.200 tỷ đồng, với 39.840 khách hàng vay vốn, mức cho vay bình quân đạt 30 triệu đồng/hộ.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, giai đoạn 2011-2020, nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về Sóc Trăng đạt trên 3.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay, nguồn vốn địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đạt 120 tỷ đồng, từ đó giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp thêm nguồn vốn vay phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, chi nhánh đã tập trung khai thác các nguồn vốn thị trường, duy trì nhận tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn, đẩy mạnh huy động tiền gửi dân cư tại các điểm giao dịch xã.

Cùng với việc tập trung huy động nguồn vốn, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Toàn bộ nguồn vốn cho vay được chuyển về 109 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn để phân bổ tới 3.176 tổ tiết kiệm và vay vốn tại phum, sóc, ấp, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận đầy đủ, kịp thời với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Chi nhánh phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác truyền tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Năm 2021, nguồn vốn ủy thác đạt trên 3.940 tỷ đồng, chiếm 99,87% tổng dư nợ. Các tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố, kiện toàn, đảm bảo đủ 3 tiêu chí hoạt động: đủ số thành viên, đủ vốn, tổ trưởng đủ năng lực quản lý kinh tế, thực hiện việc bình xét, đối tượng vay vốn chính sách công khai, dân chủ, hạn chế cho vay sai đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Những cây cầu nối nhịp bờ vui ở vùng sông nước tỉnh Sóc Trăng.

Từ việc hội tụ được nguồn lực, đổi mới phương thức truyền tải vốn tín dụng chính sách, chi nhánh đã góp phần quan trọng công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở tỉnh Sóc Trăng. Toàn tỉnh có 37.604 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11,6%. Tỷ lệ giảm nghèo ở Sóc Trăng giảm nhanh nhờ có tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện.

Có thể nói, cuộc hành trình của tín dụng chính sách qua những mùa Xuân ở Sóc Trăng tuy gian khó nhưng đã tạo ra những dấu ấn, giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn khôi phục sản xuất; hàng nghìn lao động có việc làm; hàng nghìn công trình nước sạch và vệ sinh cho hộ nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số...

Được sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố, thời gian qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện thành công chương trình hỗ trợ xây dựng cho mỗi huyện 1 cây cầu dân sinh có tổng giá trị là 3 tỷ đồng. 9 cây cầu đã hoàn thành, mới bàn giao đưa vào sử dụng ở các huyện là: Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Châu Thành, Vĩnh Châu, Ngã 5 và Kế Sách.

Năm 2022, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đặc biệt tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, tập trung huy động mọi nguồn lực, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn  ưu đãi hiệu quả./.

Theo Vietnam +

Vay vốn Quỹ, đầu tư trồng rau công nghệ cao
Phước Hậu là một trong 9 xã vùng Thượng của huyện Cần Giuộc (Long An), kinh tế chủ lực là trồng rau màu với hơn 50% tổng diện tích tự nhiên của xã. Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về xây dựng vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với xã Phước Hậu xây dựng các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân nhằm giúp đỡ hội viên nông dân sản xuất, tạo dựng thương hiệu rau an toàn.