Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tăng cường đào tạo nghề cho lao động mất việc hồi hương

Minh Anh - 07:02 29/01/2022 GMT+7
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong quý IV năm 2021 đã đẩy hơn 1,3 triệu lao động bị mất việc làm và giảm thu nhập, phải di cư ngược trở lại về quê. Tuy nhiên, đến lúc này thống kê của các địa phương chỉ có thể giải quyết việc làm được khoảng 500.000 nghìn lao động. Đào tạo lại lao động để giải quyết việc làm là biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an sinh lúc này.
Nghề cạo mủ cao su tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động DTTS ở huyện Tuần Giáo – Điện Biên)

Lao động hồi hương trắng tay vì dịch 

Với nhiều lao động như anh Nguyễn Văn Lương (35 tuổi) thì hồi hương là con đường bất đắc dĩ. Vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh ngỡ đâu sẽ an cư lập nghiệp nhưng dịch Covid-19 kéo tới đã làm cuộc sống gia đình anh xáo trộn hoàn toàn. 

Anh Lương cùng vợ vào thành phố đã được 10 năm, làm công nhân may nhưng dịch Covid-19 kéo tới, công ty đóng cửa rồi giải thể. Hai vợ chồng thất nghiệp, vậy là nghỉ về quê. Nghỉ việc, tiền lương cũng hết sạch nên vợ chồng anh phải vay mượn tiền về quê, rồi làm xét nghiệm. 

Trắng tay khi trở về là tình cảnh chung của hàng nghìn lao động nông thôn, vùng núi ở Thanh Hóa nói riêng và trong cả nước nói chung khi hồi hương. Nhiều năm đi làm xa, để vườn ruộng hoang, ai về cũng mong muốn làm gì đó để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên đặc thù là địa bàn miền núi xa xôi, họ khó có cơ hội tìm thấy việc làm. Đi cũng dở, ở cũng không xong là tình cảnh của hàng trăm nghìn lao động vùng cao quẫn bách khi trở về. 

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có trên 330.000 người đi làm việc ở các địa phương khác.  Phần lớn họ làm nghề tự do hoặc làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tại các tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội 77.500 người, Bình Dương 48.000 người, TP Hồ Chí Minh 43.200 người, Bắc Ninh 25.000 người, Đồng Nai 12.500 người... 

Theo số liệu báo cáo, cập nhật của các huyện, thị xã, thành phố, số người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch từ ngày 27/4/2021 đến nay là trên 200.000 người. Trong đó, lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề là 42.566 người (1.101 người có nhu cầu đào tạo nghề, chủ yếu là nghề lái xe ô tô, may công nghiệp, xây dựng, điện dân dụng, điện lạnh, cơ khí, hàn, điện tử, điện nước...; 2.119 người có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, với tổng số vốn đề nghị vay là trên 169 tỷ đồng). 

Nhiều địa phương có số lao động trở về từ vùng dịch lớn, như: Huyện Triệu Sơn gần 9.200 người trong đó có 378 người có nhu cầu học nghề, 2.125 người có nhu cầu việc làm và 221 người có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm; huyện Thiệu Hóa có 7.365 người, trong đó có 4.582 người có nhu cầu việc làm và 221 người có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm; huyện Quảng Xương có 14.133 lao động, trong đó có 19 người có nhu cầu học nghề, 374 người có nhu cầu việc làm và 77 người có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm; thị xã Nghi Sơn có 10.310 lao động, trong đó có 24 người có nhu cầu học nghề, 251 người có nhu cầu việc làm, 96 người có nhu cầu vay vốn...

Nhằm hỗ trợ cho đối tượng lao động này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Tuy nhiên, số tỉnh có phản ứng tức thời hỗ trợ sinh kế lâu dài như Thanh Hóa không nhiều. 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng, hầu hết lao động hồi hương là lao động phổ thông không có chuyên môn, không có giao kết hợp đồng lao động và có tâm lý không muốn rời quê nữa. Những lao động miền núi này đang cần việc làm tại chỗ để giải tỏa áp lực dân sinh do dư thừa lao động. Đào tạo lại cho những lao động này là hoạt động cấp thiết. 

“Vấn đề hiện nay không phải lao động nào cũng từng làm việc trong khu vực chính thức, có đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vì thế ngoài hỗ trợ tái đào tạo cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp, cần hỗ trợ đào tạo cho cả lao động tự do, lao động mất việc về quê không có bảo hiểm thất nghiệp. Cái này địa phương phải linh hoạt, chủ động”, bà Hương nói. 

Nông dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa - Phú Yên) tham gia học nghề trồng hoa, cây cảnh. Ảnh: Ngọc Hân

Tăng đào tạo, ổn định thị trường lao động

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng Cục dạy nghề, Bộ LĐTBXH) cho biết, trong thời gian qua, song song với việc thực hiện tái đào tạo nghề cho lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch tại các doanh nghiệp, đơn vị có văn bản gửi địa phương, yêu cầu các địa phương tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm hỗ trợ lao động hồi hương. 

Hiện nay, Bộ LĐTBXH cũng đã trình Đề án đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng tới đào tạo nghề cho lao động hồi hương. Vấn đề này sẽ được giải quyết bước đầu nếu đề án này sớm được phê duyệt.  

Theo ông Hà Việt Quân - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu Phát triển KTXH vùng DTTS và Miền núi, vấn đề giải quyết câu chuyện lao động cần có biện pháp dài hạn và tổng thể. Cụ thể, không chỉ giải quyết nhu cầu lao động ở các khu công nghiệp, về lâu dài cần có phương án tạo việc làm ở các vùng miền núi. Từ đó, giúp lao động ở vùng xa xôi có thể tìm thấy việc làm dễ dàng hơn.

Qua thời gian kinh tế bị đình trệ do đại dịch Covid-19, “cơn khát” nhân lực có tay nghề càng bộc lộ rõ hơn. Đây cũng là điểm yếu trong vấn đề đào tạo nhân lực hiện nay. Những lao động không có tay nghề sẽ khó tìm được việc làm mới trong bối cảnh sau đại dịch.  

Tính riêng tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh thành phố phía Nam, chỉ khoảng 1/3 lao động có việc làm ổn định. Đa phần là lao động phổ thông. Rõ ràng yếu tố đào tạo tay nghề cần phải song hành khi doanh nghiệp phục hồi kinh tế, tái cơ cấu sản xuất sau dịch. Đây cũng là hướng để nâng cao chất lượng lao động, tăng năng suất lao động quốc gia. 
Theo Bộ LĐTBXH