Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tăng giá trị nhờ nuôi tôm công nghệ cao

10:03 10/05/2020 GMT+7
Phong trào nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu đã phát triển mạnh mẽ từ năm 2017 với sự tham gia của các doanh nghiệp, đa phần hộ nông dân đều thành công và năng suất đạt rất cao. Nhờ có sự liên kết trong sản xuất theo chuỗi nên đã mở ra

Phong trào nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu đã phát triển mạnh mẽ từ năm 2017 với sự tham gia của các doanh nghiệp, đa phần hộ nông dân đều thành công và năng suất đạt rất cao. Nhờ có sự liên kết trong sản xuất theo chuỗi nên đã mở ra hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Artermia Vĩnh Châu.

Giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận

Hợp tác xã (HTX) Artemia Vĩnh Châu Bạc Liêu là một trong những đơn vị hàng đầu trong liên kết sản xuất theo chuỗi với 4 HTX nuôi công nghiệp theo hướng bền vững, an toàn sinh học tại Bạc Liêu. Theo ông Cao Thành Văn – Chủ tịch HĐQT cho biết: HTX có 2 mảng sản xuất là sản xuất kinh doanh trứng tôm Artemia và nuôi tôm công nghiệp với quy mô 250ha theo hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi. Cách thức là HTX đầu tư con giống, thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

“Với sản lượng đạt 25 tấn tươi, mỗi năm HTX đạt doanh thu 32 tỷ đồng. Tiêu chí của HTX về trứng Artemia đảm bảo chất lượng tốt, tôm thịt chúng tôi nuôi không xả thải ra môi trường, không sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại…” ông Văn cho biết thêm.

Cũng theo ông Văn, lợi thế nuôi tôm công nghệ cao là ít rủi ro, nuôi mật độ cao nên đạt năng suất cao, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, nuôi tôm công nghệ cao (CNC) có những yêu cầu khắt khe như vốn đầu tư lớn, phải đảm bảo đủ điện, nước sản xuất. Ngoài ra người nuôi cũng cần được đào tạo, nắm bắt kỹ thuật và có trách nhiệm. Bên cạnh những thuận lợi thì nuôi tôm công nghệ cao vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết như: Giá thức ăn, con giống, nguyên liệu đầu vào rất cao, cơ sở hạ tầng như điện, thủy lợi chưa đảm bảo. Cùng đó, vấn đề quản lý môi trường chưa được chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm do xả thải còn tràn lan.

Để sản xuất bền vững ngành Thủy sản tập trung quản lý theo hướng quy hoạch sản xuất an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Ai có đủ năng lực và điều kiện quy hoạch hoàn chỉnh mới cấp phép nuôi siêu thâm canh. Các diện tích còn lại nuôi công nghiệp theo hướng bền vững: Mật độ vừa phải, an toàn sinh học, không gây ô nhiễm môi trường để hạn chế dịch bệnh trên tôm. Ngoài ra các doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao phải được quản lý chặt chẽ vấn đề xử lý nước thải như: Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường có kết nối để cơ quan quản lý theo dõi.

Theo ông Văn tính toán, nếu diện tích nuôi tôm 1.000ha, nhưng áp dụng công nghệ nuôi siêu thâm canh thì thực tế diện tích tăng tương đương 10.000ha nuôi thâm canh (tăng gấp 10 lần).

Trong khi đó, ở quy mô nông hộ, phong trào nuôi tôm công nghệ cao đã phát triển mạnh mẽ từ năm 2017 với sự tham gia của các doanh nghiệp, đa phần hộ nông dân đều thành công và năng suất đạt rất cao. Tuy nhiên hạn chế của hình thức nuôi nông hộ là thiếu vốn và đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Do nuôi theo công nghệ cao vốn đầu tư rất lớn mà đầu ra không ổn định hoặc không có giá thì nông dân sẽ không có lời.

Liên kết phát triển bền vững

Để tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi tôm, HTX Artemia Vĩnh Châu đã đẩy mạnh liên kết với các HTX khác trong đó bao gồm các hộ thành viên có điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế. Vì vậy HTX phải đưa ra những mô hình sản xuất mang tính bền vững, hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.

 

Ông Cao Thành Văn – Chủ tịch HĐQT HTX Artemia Vĩnh Châu Bạc Liêu bên mẻ tôm vừa thu hoạch.

Nổi bật là mô hình sản xuất luân canh nuôi Artemia vào mùa khô và nuôi tôm công nghiệp mật độ vừa phải ở mùa mưa bước đầu đem lại kết quả rất khả quan. HTX đã ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất trứng Artemia lên trên 100 kg/ha và nuôi tôm hoàn toàn bằng vi sinh. Theo ông Văn, mô hình này nếu được nhân rộng thì chắc chắn sẽ cải thiện tốt môi trường sinh thái tiến tới sản xuất bền vững. Ông Văn cho biết: Artemia nuôi trong môi trường nước mặn từ 80 – 100 phần ngàn trong mùa khô, năng suất 120kg trứng tươi/ha, đạt lợi nhuận 80 triệu đồng. Do nước mặn nên đất được diệt khuẩn tốt, mùa mưa nuôi tôm mật độ 20 con/m2 rất an toàn, chỉ sử dụng vi sinh, năng suất đạt 5tấn/ha, lợi nhuận đạt 300 triệu. Phân tôm sẽ là nguồn thức ăn rất tốt cho Artemia.

Vì vậy sản xuất luân canh tôm sẽ giải quyết được các vấn đề như: Vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, không gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm an toàn sinh học, tuy nhiên chỉ phù hợp một số khu vực ven biển. Hiện tại HTX liên kết với 4 HTX trên diện tích 250ha. HTX đầu tư vốn ban đầu, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trứng Artemia. Sản phẩm trứng Artemia của HTX sản xuất được đánh giá có chất lượng tốt, đã xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, châu Âu… với kim ngạch từ 700 – 800.000 USD/năm.

Đánh giá về xu hướng liên kết này, ông Phạm Tuấn Tài – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trên thực tế, nghề nuôi tôm ngày càng rủi ro, hiệu quả sản xuất có xu hướng giảm, nhiều nông dân đã không còn tha thiết với con tôm, không còn vốn tái đầu tư cho sản xuất… Bởi vậy, mô hình nuôi Artemia được xem là cứu cánh cho nhiều hộ nuôi tôm bị thất bại, nhất là những hộ ít vốn. Hình thức nuôi này đảm bảo chi phí đầu tư thấp và đầu ra sản phẩm luôn được bao tiêu, đảm bảo sản xuất có lãi. Việc nuôi Artermia có thể tận dụng những ao nuôi tôm trước đây, những vùng có độ mặn cao, các cánh đồng sản xuất muối…

Tuy nhiên, nghề nuôi Artermia chỉ phù hợp vào mùa nắng, chính vì vậy phần lớn diện tích nuôi bị bỏ hoang vào mùa mưa, đây là một sự lãng phí lớn, làm giảm hiệu quả sản xuất, hiệu quả sử dụng đất. Xuất phát từ thực tế đó, HTX Artermia Vĩnh Châu đã khuyến cáo, hướng dẫn các thành viên triển khai nuôi tôm (sú, thẻ) hoặc cá vào mùa mưa, nhằm: Nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Tài, do thời gian nuôi Artermia luôn giữ ở độ mặn rất cao, nên phần lớn vi sinh vật (có những vi sinh vật gây bệnh trên tôm, cá) bị tiêu diệt hoặc hạn chế mật độ. Vì vậy, khi chuyển sang nuôi tôm, cá vào mùa mưa có thể giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong ao nuôi. Việc nuôi tôm, cá với mật độ trung bình và có cho ăn đã tạo ra một nguồn dinh dưỡng tồn lưu lại trong môi trường, giúp tạo ra nguồn thức ăn cho Artermia vào vụ sau (giảm một phần chi phí sản xuất). Do Artermia rất mẫn cảm với hóa chất, kháng sinh nên giai đoạn nuôi tôm, cá, khuyến cáo người dân không sử dụng, giúp hướng tới sản xuất sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh: Nguyễn Vân