Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tạo đột phá trong dạy nghề nông nghiệp giai đoạn mới

14:07 06/02/2017 GMT+7

Cuối năm 2016, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu trọng điểm là đào tạo nghề gắn với sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao.

Nhiều thay đổi về chất lượng lẫn số lượng

Bà Nguyễn Hoàng Yến – Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, vào cuối tháng 12.2016 đơn vị này đã phê duyệt ban hành kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong giai đoạn mới.

Kế hoạch đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 1.400.000 lao động nông thôn (tăng 500.000 so với dự thảo kế hoạch trước đó). Riêng trình độ sơ cấp dưới 3 tháng là 1 triệu người. Trong đó tỷ lệ LĐNT có việc làm ngay sau đào tạo đạt 80%… tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này là 2.000 tỷ đồng.  Trong đó, kinh phí Trung ương hỗ trợ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1.100 tỷ đồng; kinh phí địa phương 800 tỷ đồng; kinh phí khác 100 tỷ đồng.

Đào tạo nghề cho LĐNT hướng tới mục tiêu hình thành vùng sản xuất hàng hóa.

Theo ông Tạ Hữu Nghĩa – Trưởng phòng giảm nghèo, Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT) cho biết, các ngành nghề được đào tạo chủ yếu sẽ là: Sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho người dân vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; ngành nghề đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển.

Đặc biệt, chương trình dạy nghề cho LĐNT ưu tiên các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp đang xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung. Vùng liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất công nghệ cao, đào tạo nghề cho các thành viên tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã.

Về giải pháp thực hiện, kế hoạch sẽ tập trung vào 5 khâu chính. Một là thực hiện giải pháp truyền thông, tư vấn học nghề nông nghiệp. Thứ hai là xây dựng các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả để nhân rộng. Thứ ba là hoàn thiện và phát triển các chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp. Về khâu này đặc biệt quan trọng, hiện Bộ đã rà soát, bổ sung hoàn thiện giáo trình phù hợp với điều kiện của người học. Thứ tư củng cố và nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề và giáo viên, cán bộ quản lý làm công tác đào tạo nghề nông nghiệp. Thứ năm thực hiện kiểm tra giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

“Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về dạy nghề nông nghiệp, đồng thời tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi các chính sách, kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề ra cần phải tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo đánh giá về công tác đào tạo nghề nông nghiệp LĐNT ở một số địa phương, các vùng” – ông Nghĩa nói thêm.

So với giai đoạn trước giai đoạn này dạy nghề cho lao động nông thôn sẽ tập trung ưu tiên cho lao động vùng đặc biệt khó khăn. Thay vì dạy theo nhu cầu thì giờ đây sẽ chuyển mạnh sang dạy nghề theo định hướng. Đồng thời hướng tới dạy nghề gắn với mô hình sản xuất khuyến nông.

Trước đó, vào cuối tháng 11.2016 Cục Kinh tế hợp tác và Tổng Cục dạy nghề cùng tổ chức Oxfam cũng đã tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo dạy nghề và hướng tới dạy nghề giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý, dạy nghề nông nghiệp như: Cơ chế lập kế hoạch và phân bổ ngân sách đào tạo nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xác định nhu cầu và lập kế hoạch dạy nghề và các hỗ trợ kèm theo chưa được lồng ghép vào quá trình lập kế hoạch, phát triển kinh tế xã hội theo phương pháp có sự tham gia ở cấp xã, cũng như chưa gắn với lập kế hoạch của các ban ngành liên quan như khuyến nông, khuyến công và ngân hàng chính sách. Hiện chưa có tiêu chí và qui trình phân bổ ngân sách đào tạo nghề đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Kinh phí đào tạo được tăng thêm

Ngoài đổi mới về số lượng, chất lượng, mới về cách tiếp cận, vấn đề kinh phí thực hiện và kinh phí hỗ trợ cho LĐNT tham gia học nghề cũng được đầu tư mạnh trong giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Tạ Hữu Nghĩa mức hỗ trợ cho LĐNT tham gia học nghề đã được điều chỉnh tăng nhiều so với trước. Mức điều chỉnh được quy định trong Quyết định 46/2015/QĐ – TTg.

Trước đây, mức hỗ trợ tiền ăn một người học chỉ là 15.000 đồng người/ngày thì giờ đã tăng gấp đôi lên 30.000 đồng người/ngày. Mức hỗ trợ tiền học cũng tăng. Trước đó mức hỗ trợ tối đa là 2 triệu người/1 khóa học giờ đã tăng lên từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/khóa học. Hỗ trợ 200.000 đồng tiền xe/1 khóa học với những đối tượng nhà ở cách xa nơi học 15 km. Riêng với các đối tượng người khuyết tật, tham gia học nghề thì mức hỗ trợ tối đa là 6 triệu người/1 khóa học. Tiền hỗ trợ đi lại là 300.000 đồng/người/1 khóa học nếu chỗ ở cách xa nơi học 5km.

Theo bà Nguyễn Hoàng Yến – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho biết so với dự thảo đề án Dạy nghề giai đoạn mới trước đó thì mức kinh phí đầu tư cũng đã cao hơn. Trước đó, trong dự thảo mức kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn gần 300 tỷ đồng.

Mặc dù thời gian qua Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT) cũng đã có những văn bản, định hướng cụ thể cho địa phương nhưng bên cạnh những thuận lợi, công tác dạy nghề cho LĐNT làm nông nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định.

Bà Yến cho rằng, vẫn có một bộ phận nông dân sau học nghề vẫn chưa hình thành được tổ nhóm sản xuất, việc sản xuất còn nhỏ lẻ. Việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa còn ít. Thời gian tới, việc dạy nghề nông nghiệp sẽ tiến tới khắc phục những vấn đề này.

Về phía đơn vị độc lập, bà Lê Hoa – Đại diện Tổ chức OXFAM tại Việt Nam kiến nghị: “Bộ NNPTNT từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện thực hiện đầy đủ chức năng chủ trì quản lý, chỉ đạo đào tạo nghề nông nghiệp (từ khâu xây dựng cơ chế chính sách, lập kế hoạch, phân bổ ngân sách, chỉ đạo thực hiện, giám sát – đánh giá). Bên cạnh đó, cũng nên qui định cụ thể việc giao nhiệm vụ, cấp phép và phân bổ kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp cho các trung tâm Khuyến nông. Thể chế hóa việc áp dụng phương pháp “lớp học hiện trường – FFS” trong đào tạo nghề nông nghiệp cho bà con nông dân, nhất là vùng dân tộc”.

“Thời gian tới nên bổ sung hỗ trợ đào tạo nghề cho cả đối tượng người lao động di cư, “hộ mới thoát nghèo” và “người quá tuổi lao động nếu có đủ sức khỏe, có khả năng lao động và có nhu cầu học nghề”. Chú trọng đào tạo nghề bổ sung, chuyên sâu cho nhóm nông dân nòng cốt để tạo hiệu ứng tiên phong – lan tỏa trong cộng đồng, gắn với vùng sản xuất hàng hóa, tận dụng tiềm năng thế mạnh của từng địa phương”.

Ông Hoàng Thành – Trưởng nhóm nghiên cứu độc lập về dạy nghề

Bài, ảnh: Quang Anh