Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thái Thượng thành công trong phòng chống bệnh lao

Hoàng Tính - 07:25 31/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bệnh lao là bệnh không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo hay vùng cư trú vì vậy thời gian qua chính quyền và Hội Nông dân xã Thái Thượng (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ bệnh nhân trong phòng chống lao. Nhờ đó, đến hết quý II/2022 trên địa bàn xã Thái Thượng đã không còn bệnh nhân mắc bệnh lao.

Ông Phạm Đức Thiết – Chủ tịch UBND xã Thái Thượng cho biết: Công tác phòng chống lao thời gian qua được cấp uỷ chính quyền địa phương rất quan tâm bởi người mắc bệnh lao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lao động và đời sống của gia đình. Chính vì vậy UBND xã đã giao cho Hội Nông dân xã căn cứ vào “Bệnh án” về lao trên địa bàn xã để có những phương án để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân.

Thể dục thể thao góp phần nâng cao sức khoẻ và phòng chống bênh lao

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất, chính vì vậy Hội Nông dân xã Thái Thượng đã chủ động lên kế hoạch tuyên truyền chi tiết về: Dấu hiệu, nguyên nhân, phòng  bệnh, điều trị, khám chữa bệnh… các nội dung tuyên truyền thường gắn gọn, dễ hiểu.

Các nội dung tuyên truyền đã được Hội Nông dân xã Thái Thượng thông qua các hội nghị của Hội Nông dân xã, của các chi hội và qua loa phát của xã Thái Thượng. Từ các nội dung tuyên truyền về bệnh lao của Hội Nông dân xã Thái Thượng mà giờ đây người dân trên địa bàn toàn xã Thái Thượng hiểu rõ hơn về bệnh lao.

Ông Bùi Văn Thán – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thượng cho hay: Khác với các bệnh khác, việc điều trị bệnh lao cần thời gian dài, người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đúng giờ, vì vậy trong quá trình hỗ trợ bệnh nhân phòng chống lao, Hội Nông dân xã đã chủ động lấy số điện thoại của các bệnh nhân và cài đặt tin nhắn để nhắc nhờ mọi người uống thuốc đúng giờ, qua đó đã góp phần vào thành công chung của xã Thái Thượng trong việc đầy lùi bệnh lao.

Ngoài việc hỗ trợ bệnh nhân điều trị phòng chống lao hiệu quả, xã Thái Thượng còn tích cực hỗ trợ các gia đình có người mắc bệnh lao về tư liệu sản xuất; hỗ trợ con giống ( năm 2020 hỗ trợ 3.000 gà cho các hộ gia đình…).

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, ông N.V.T ở xã Thái Thượng cho hay: Năm 2019 được các bác sĩ thông báo mình bị mắc bệnh lao, bản thân ông cảm thấy vô cùng lo lắng, bởi trong gia đình từ trước đến nay chưa có ai bị cả. Tuy nhiên, nhờ được tư vấn, giải thích tận tình của bác sỹ nên ông đã nhận thức được sự nguy hiểm bệnh tật của mình và tích cực hơn trong việc phối hợp điều trị. Bên cạnh đó Hội Nông dân xã cũng đã động viên, hỗ trợ tích cực, vì vậy ông đã đảm bảo thực hiện đúng lộ trình dùng thuốc đúng, đủ liều, uống vào một giờ nhất định, uống liên tục hằng ngày và kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của thầy thuốc… giờ đây ông đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Tuyên truyền qua loa phát thanh để mọi người hiểu rõ hơn về bệnh lao

Nhờ việc tuân thủ phương pháp điều trị của bác sỹ và sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Thái Thượng, chỉ sau 1 năm sức khỏe của ông N.V.T đã trở lại bình thường. Giờ đây ông N.V.T đã tiếp tục tham gia vào các công việc nặng của gia đình như cày bừa, các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và Hội Nông dân xã Thái Thượng công tác phòng chống lao của xã Thái Thượng đã có hiệu quả tích cực: Năm 2018 toàn xã có 11 bệnh nhân mắc bệnh lao, đến đầu năm 2022 còn 2 bệnh nhân và đến tính đến hết quý II/2022 toàn xã Thái Thượng đã không còn bệnh nhân mắc bệnh lao.

Ông Thán cho biết thêm: Bệnh lao là bệnh có thể phát triển theo chu kỳ vì vậy cách thức để phòng chống lao hiệu quả trong thời gian tới của Thái Thượng đó là: Tuyên truyền vận động các gia đình có trẻ nhỏ đi tiêm phòng chống lao đầy đủ. Tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống lao, khi mắc thì sẽ không “giấu bệnh” mà chủ động đi chữa và điều trị sớm. Điều trị sớm, đúng phác đồ sẽ tránh tình trạng kháng thuốc.

Dấu hiệu của bệnh lao cần lưu ý: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi. Ngoài ra khi có các triệu chứng khác như: Ho ra máu, sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm, đau tức ngực, gầy sút cân... cần đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh, xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.