Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thu hoạch và tiêu thụ lúa thuận lợi nhờ chủ động phương án bao tiêu sản phẩm

10:55 27/08/2021 GMT+7

Nông dân trên địa bàn các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đang thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 với phương châm vừa chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Chính quyền các địa phương và ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo tạo điều kiện để nông dân thuận lợi trong khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa. Ngoài ra, nhờ bao tiêu sản phẩm nên việc bán lúa của bà con cũng diễn ra dễ dàng.

Tổ hợp tác 30/4, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành có 111 thành viên, với 270ha. Nhờ ký kết bao tiêu đầu ra sản phẩm ngay từ đầu vụ với Tập đoàn Lộc Trời, vì vậy, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng lúa của bà con vẫn đảm bảo tiêu thụ.

Đảm bảo thuận lợi thu hoạch và tiêu thụ lúa cho bà con.

Ông Võ Văn Mai, thành viên Tổ hợp tác 30/4, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, cho biết: “Tôi làm ruộng và bao tiêu với Tập Đoàn Lộc Trời được 2 năm rồi. Năm nay dịch bệnh nhưng mà Công ty thu mua lúa rất thuận lợi, cắt lấy liền, tiền bạc rất sòng phẳng, bà con rất vui lòng. Do có hợp đồng trước nên giá bán 5.600 đồng/kg”.

Vụ lúa Hè Thu năm nay trên địa bàn huyện Châu Thành xuống hơn 16.000 ha. Hiện nay các trà lúa đang trong giai đoạn thu hoạch rộ. Việc áp dụng các biện pháp, phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương phần nào cũng gây trở ngại cho khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa của bà con. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương có phương án, tháo gỡ khó khăn để nông dân không bị thiệt hại.

“Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách địa bàn, phối hợp với UBND các xã thị trấn và các ban ngành đoàn thể, theo dõi, giám sát quá trình thu hoạch, cũng như mua lúa trên địa bàn huyện, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh như: thực hiện phương châm 3 tại chỗ, áp dụng các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh, thông điệp 5k, khai báo y tế, xác nhận lịch trình nơi đi, nơi đến, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa để làm sao thu hoạch lúa được nhanh và thuận lợi” – ông Nguyễn Văn Hận, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành nói.

Còn tại thị xã Ngã Năm, các trà lúa đã chín cũng đảm bảo tiến độ thu hoạch và tiêu thụ. Những quy định về phòng chống dịch được các nhân công thực hiện nghiêm túc, đeo khẩu trang và không tiếp xúc gần với chủ ruộng và chủ phương tiện vận chuyển.

Trên cánh đồng ở khóm Tân Thành A, Phường 2, máy gặt đập liên hợp vẫn ngày đêm vận hành thu hoạch lúa cho bà con nông dân. Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song hơn 315 ha lúa hè thu của địa phương này được dự báo đảm bảo tiến độ thu hoạch và đầu ra ổn định.

Anh Nguyễn Văn Chọn, Tổ trưởng đội bốc xếp lúa khu vực khóm Tân Thành A, Phường 2, cho biết: “Tôi cũng sắp xếp với công đoàn là phải đảm bảo luôn giữ khoảng cách. Lúa xuống ghe thì nhắc nhỡ chủ ghe không lên bờ, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch”.

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa cho nông dân.

Đến nay trên 80% diện tích lúa Hè Thu ở Phường 2, thị xã Ngã Năm đã được thu hoạch với năng suất ước đạt 5,8 tấn/ha. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch UBND Phường 2, cho biết, chính quyền địa phương đã huy động 21 máy gặt đập liên hợp, 9 đội nhân công bốc xếp với 114 người ở địa phương tham gia để đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa cho bà con. Riêng về tiêu thụ, các doanh nghiệp sẽ thông qua thương lái ở địa phương để thu mua lúa của nông dân.

“Đối với các phương tiện vận chuyển đến của các thương lái ở ngoài địa bàn thì UBND phường cũng chỉ đạo cho Ban nhân dân khóm kiểm tra các phương tiện này về đăng ký lịch trình di chuyển và test nhanh” – ông Nguyễn Hoàng nói.

Vụ thu hoạch lúa Hè Thu năm nay rơi vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Do vậy, ngay từ đầu, UBND thị xã Ngã Năm đã chủ động xây dựng phương án thu hoạch và tiêu thụ lúa cho nông dân. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, địa phương đã tận dụng tối đa 166 máy gặt đập liên hợp tại chỗ và 68 đội bốc xếp là người dân địa phương để phục vụ vận chuyển.

Vụ lúa Hè Thu năm 2021, thị xã Ngã Năm có hơn 18.500 ha sản xuất lúa, với các nhóm giống chủ yếu là: OM, ST… Trong đó, có hơn 70% diện tích được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, với giá nhóm giống OM dao động từ 5.500 đồng/kg – 5.800 đồng/kg, đối với nhóm giống ST có giá 6.500 đồng/kg.

Theo thống kê, hằng ngày có khoảng trên 120 phương tiện vận chuyển bằng ghe, xe tải đến địa phương thu mua lúa của bà con. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, người điều các phương tiện phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 và không tiếp xúc gần với người dân địa phương, không rời khỏi phương tiện.

Ông Hồng Minh Nhật, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, cho biết: “Từ đầu năm Thị ủy – UBND nhận định năm nay sẽ khó khăn, do đó, đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, phường triển khai liên kết tiêu thụ nông sản và chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp, đại lý để thương thảo hợp đồng liên kết cũng như giá bán. Do đó, đến thời điểm hiện tại giữa nông dân và doanh nghiệp cũng như là thương lái có thỏa thuận lại và thống nhất về giá, đảm bảo thuận lợi trong vấn đề tiêu thụ nông sản”.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa Hè Thu năm nay, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng hơn 141.000 ha, tập trung thu hoạch vào tháng 8-9, với sản lượng ước đạt trên 800.000 tấn lúa. Dịch bệnh cũng gây khó khăn trong thu hoạch và tiêu thụ, ngoài ra còn tác động đến giá lúa. Nhưng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm vượt qua khó khăn, chính quyền và ngành nông nghiệp Sóc Trăng nói chung cơ bản đã thực hiện tốt các giải pháp trong thu hoạch và tiêu thụ, giúp tỉnh thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa chống dịch hiệu quả, và phát triển kinh tế-xã hội”./.

(Theo VOV)