Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung

11:11 13/10/2023 GMT+7
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung.

Công điện gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung - Ảnh 1.

Hiện nay là thời điểm thường xảy ra mưa, bão tại miền Trung và Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó mưa lũ.

Công điện nêu: Vừa qua, tại một số địa phương khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, lũ quét, thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, những ngày tới khả năng tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài, nhất là tại miền Trung (từ ngày 12 đến 14 tháng 10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa lớn với lượng mưa từ 200 đến 400mm, cục bộ có nơi có thể trên 700mm; từ ngày 15 đến 16 tháng 10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa 150-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm và còn diễn biến phức tạp); nguy cơ rất cao xảy ra ngập sâu tại vùng trũng thấp, ngập úng tại đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Hiện nay là thời điểm thường xảy ra mưa, bão tại miền Trung và Tây Nguyên, để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai, tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

- Tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

- Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.

- Chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; đồng thời hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.

- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai theo quy định.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chức năng quản lý nhà nước được phân công phối hợp địa phương kịp thời chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu, an toàn cho giáo viên, học sinh tại những khu vực bị ngập lũ.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và đồ dùng học tập tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

6. Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin, chủ động hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, ngừa, ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai.

8. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

9. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.

Theo TTXVN/Vietnam+