Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tiềm năng phát triển và xuất khẩu cá dứa Cần Giờ

15:43 13/11/2019 GMT+7

Cá dứa Cần Giờ là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của TP. Hồ Chí Minh và khô cá dứa Cần Giờ đã xuất khẩu đến hơn 10 nước trên thế giới.

Tuy nhiên việc nuôi con cá dứa đến nay vẫn chưa phát triển. Ông Dương Lam Điền, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Lam Điền, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cho biết: “Nghề nuôi và chế biến cá khô, cá dứa khô của Cần Giờ nói chung đạt lợi nhuận rất cao, nhưng xuất khẩu chưa mạnh”.

Ông Dương Lam Điền đang giới thiệu về sản phẩm của mình tại triển lãm.

Làm ăn thuận lợi nhưng còn nhỏ lẻ

Theo ông Dương Lam Điền, Công ty ông chuyên cung cấp cho thị trường các sản phẩm khô như khô cá dứa, cá đù…Trong đó, lợi nhuận thu được cao nhất là từ con cá dứa một nắng. Hiện Công ty ông có diện tích nhà xưởng là 400m2, công suất chế biến mỗi ngày khoảng 500kg, xuất bán khoảng 100kg thành phẩm/ngày.

Sản phẩm cá dứa của Công ty Lam Điền dạng miếng, vị mặn, ngọt, béo và có mùi thơm đặc trưng, được đóng gói trong bao PE hoặc PA hút chân không, được Ban Quản lý An toàn thực phẩm xác nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định an toàn thực phẩm và được phân phối tại các nơi uy tín cao như siêu thị như Satra, Coopmart….

“Công ty rất muốn xuất khẩu nhưng chưa có thị trường và cũng không biết thị trường đó có chuộng cá khô một nắng không. Cá khô của Cần Giờ đã xuất đi nhiều nơi trong nước. Công ty ông đã đầu tư dàn máy sấy, kho lạnh bảo quản… Hiện Công ty thuê công nhân theo dạng khoán sản phẩm, thu nhập trung bình của người lao động khoảng 300 ngàn đồng/ngày”. Ông Điền cho biết.

Lời khuyên của ông Điền đối với nông dân khi nuôi cá dứa là nuôi trong môi trường thiên nhiên, không can thiệp bằng kháng sinh và hóa chất, nghĩa là phải làm ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm.

Tuy làm ăn ổn định như vậy, nhưng cho đến nay xuất khẩu của cá khô nói chung, con cá dứa của Cần Giờ nói riêng chưa cân xứng so với tiềm năng. Riêng về khô cá dứa Cần Giờ là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của TP.Hồ Chí Minh, sản phẩm này sẽ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, thị trường, xúc tiến thương mại… vậy tại sao con cá dứa vẫn chưa phát triển. Được biết đến nay, khô cá dứa Cần Giờ đã xuất khẩu đến hơn 10 nước, trong đó có các nước: Mỹ, Canađa và các nước châu Âu…

Ông Dương Lam Điền nhận bằng khen Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh.

Thu lợi nhuận từ cá dứa cao hơn nghề truyền thống

Cá dứa luôn là một đặc sản quý của các vùng ven biển của nước ta, những nơi có nhiều rừng ngập mặn như rừng mắm, rừng sác, rừng dừa nước, rừng đước… Trong đó, cá dứa tại khu vực Cần Giờ thịt thơm ngon hơn hẳn các vùng khác.

Từ hàng chục năm qua, ở các xã như: Lý Nhơn, Long Hòa, Cần Thạnh, An Thới Đông… huyện Cần Giờ có nhiều ngư dân chuyên làm nghề câu, chế biến và kinh doanh khô cá dứa. Tuy nhiên, câu cá dứa ngày càng khó với lý do lớn nhất là nguồn cá tự nhiên giảm dần, thậm chí cạn kiệt. Nghề câu cá dứa ngoài tự nhiên rất gian khổ, hiểm nguy, không ổn định. Để đáp ứng được việc cung cấp cá dứa, sản phẩm từ con cá dứa, việc nuôi con cá dứa như chúng ta đã nuôi rất nhiều loài thủy hải sản khác là rất hợp lý và cần thiết.

Do vậy, từ năm 2009, huyện Cần Giờ đã xây dựng mô hình nuôi thí điểm cá dứa tại hai xã An Thới Đông và Lý Nhơn, diện tích nuôi cá dứa đến nay được hơn 10ha. Huyện Cần Giờ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện đề tài lai tạo giống cá dứa để nuôi, nghiên cứu xác định đúng giống cá dứa thông qua giải mã, xác định gien và quy trình sinh sản, nhân giống, xây dựng thương hiệu cá dứa giống Cần Giờ…

Tính đến đầu năm 2019, Cần Giờ có gần 70 cơ sở làm khô cá dứa, trong đó có cả công ty sản xuất cá dứa xuất khẩu. Gần đây, bà Nguyễn Thị Nhiệm, Trưởng ban quản trị Hợp tác xã Thuận Yến, đơn vị đang nuôi cá dứa thí điểm tại xã An Thới Đông cho biết, dù cá dứa là loài khó nuôi, phải nuôi cá giống ép từ cá bố mẹ đã thuần dưỡng, nhưng thực tế nuôi thử nghiệm tại Cần Giờ thì tỷ lệ hao hụt vẫn khoảng 20%, và hầu hết các hộ nuôi cá dứa đều đạt được lợi nhuận khá cao, khá thành công.

Ông Đăng Văn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Cần Giờ cho biết, từ nhiều năm trước, Cần Giờ mỗi năm đã xuất bán được hàng chục tấn cá dứa thương phẩm. So với tôm, cá dứa có giá cao gấp đôi, còn so với việc làm muối – một nghề truyền thống khác ở Cần Giờ, lợi nhuận từ cá dứa mang lại cao gấp nhiều lần.

Chế biến cá dứa một nắng.

“Tuy nhiên, việc chưa thể xuất khẩu, tiêu thụ mạnh cá dứa không hẳn là do loài cá này khó nuôi, mà là do chưa được thị trường tin tưởng. Cụ thể là đã nhiều năm nay, do nguồn cá khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường khá cao nên đã có nhiều cơ sở sử dụng cá tra, cá bông lau làm… khô cá dứa Cần Giờ, làm mất uy tín thương hiệu. Mà như ai cũng biết “một lần mất tin- vạn lần mất tín” Ông Út chia sẻ.

Thiết nghĩ, để phát triển tiềm năng thủy hải sản nói chung, con cá dứa Cần Giờ nói riêng thì song song với phát triển nghề nuôi con cá này theo tiêu chuẩn sạch, ngành chức năng phải có giải pháp tiêu thụ ổn định, đứng ra bảo đảm uy tín thương hiệu cho những sản phẩm cá khô, cá dứa thật sự uy tín, thật sự sạch để người tiêu dùng- các đối tác thương mại tin tưởng, ký hợp đồng mua.

“Tuy nhiên, việc chưa thể xuất khẩu, tiêu thụ mạnh cá dứa không hẳn là do loài cá này khó nuôi, mà là do nguồn cá dứa khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường cao nên đã có nhiều cơ sở sử dụng cá tra, cá bông lau làm… khô cá dứa Cần Giờ, làm mất uy tín thương hiệu. Mà như ai cũng biết “một lần mất tín- vạn lần mất tin”.
Ông Đăng Văn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Cần Giờ.

Bài, ảnh: Vân Nguyễn