Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân

18:19 13/10/2021 GMT+7

Đó là ý kiến của đồng chí Lương Quốc Đoàn tại Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2013-2020 và triển khai Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 13/10, tại Hà Nội, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Uỷ ban Dân tộc tổ chức.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN và đồng chí Hầu A Lềnh – Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Trần Quảng

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và đồng chí Hầu A Lềnh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.

Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Quốc Huy  – Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng – An ninh (Hội NDVN) trình bày báo cáo đánh giá về thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 951 ngày 11/10/2013 giữa Hội NDVN và Uỷ ban Dân tộc giai đoạn từ năm 2013 – 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể như:

Trong giai đoạn 2013 – 2020, Hội NDVN và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp tham mưu đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình 135; Chính sách đặc thù phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020…; đặc biệt là việc phối hợp tham gia xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Về công tác tuyên truyền, công tác trao đổi thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi; công tác kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách dân tộc đã được hai cơ quan quan tâm, phối hợp chặt chẽ. Hội NDVN và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân các dân tộc về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận… của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, hội viên nông dân, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú… góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống các đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng phát triển toàn diện và bền vững… Kết quả, hàng năm 100% hội viên nông dân dân tộc thiểu số và miền núi được tuyên truyền và thông qua các hoạt động tuyên truyền, đã nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, thúc đẩy tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc; bồi đắp thêm sự tin yêu của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, miền núi. Qua đó, đã góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một trong những kết quả nổi bật trong chương trình phối hợp, đó là hai cơ quan Hội NDVN, Uỷ ban Dân tộc đã tập trung xây dựng dự án, các mô hình, các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, hai cơ quan đã phối hợp xây dựng 30 dự án phát triển kinh tế với dự tham gia của 648 hộ dân tộc thiểu số và miền núi ở 18 tỉnh, thành; hỗ trợ gần 80.000 con giống; 30 bộ máy chế biến thức ăn; hơn 5.000 cây giống…

Đặc biệt, thông qua các cấp Hội Nông dân đã tổ chức tập huấn KHKT cho trên 31 triệu hội viên nông dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi; dạy nghề cho trên 2 triệu lượt hội viên nông dân, tỷ lệ nông dân có việc làm ổn định sau học nghề chiếm trên 80%.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tích cực vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua, trọng tâm là đẩy mạnh và nâng cao phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Bình quân hàng năm, có hơn 6,2 triệu hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; gần 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu (trong đó có 20% hộ dân tộc thiểu số đăng ký và 10% số hộ đăng ký đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp); hình thành các mô hình kinh tế hộ, Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra xây dựng mô hình điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại vùng nông thôn dân tộc thiểu số.

 Phát huy những kết quả đạt được, Hội NDVN và Uỷ ban Dân tộc tiếp tục ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2025. Theo chương trình phối hợp, hai bên sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất thông qua các dự án, mô hình trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Quảng

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn – Chủ tịch Hội NDVN đã biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của hai cơ quan trong việc thực hiện chương trình phối hợp 7 năm qua. Hiện nay, với trên 1,8 triệu hội viên nông dân là người dân tộc thiểu số, trên tổng số 10,29 triệu hội viên nông dân toàn quốc, chiếm tỷ lệ khoảng 17,5%; Hội NDVN có hệ thống tổ chức đến cơ sở, thôn, bản; công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của hội viên, nông dân là nhiệm vụ quan trọng, việc làm thường xuyên của tổ chức Hội, để kịp thời phản ánh với cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền có những chính sách phù hợp với đặc thù của vùng và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

“Thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 -2025, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung đổi mới công tác tuyên truyền đến hội viên nông dân; đẩy mạnh các hoạt động nhằm hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, dần hướng tới liên kết tập trung. Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân, như: Đào tạo dạy nghề, cầm tay chỉ việc, tư vấn pháp luật về khung pháp lý; hỗ trợ vốn vay; hỗ trợ xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn; tín chấp với doanh nghiệp uy tín cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ đầu ra đối với các sản phẩm nông nghiệp”… Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện Chương trình phối hợp, đồng chí Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cũng khẳng định: Những năm qua, ngành Nông nghiệp luôn khẳng định vai trò, vị thế làm trụ đỡ của nền kinh tế; trong đó chủ thể chính là người nông dân. Xu thế hiện nay, mục tiêu phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số chính là hướng đi mới mà 2 cơ quan cần tập trung hướng tới. Làm sao để giúp bà con nông dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Trong thời gian tới, để chương trình phối hợp triển khai đạt hiệu quả cao nhất, trước hết hai cơ quan cần tiếp thu những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc để hoàn thiện các văn bản. Bên cạnh đó, có kế hoạch triển khai ngay chương trình hành động trong năm 2022.

Tuệ Anh