Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bình Thuận: Phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Ngô Phong - 07:12 20/10/2023 GMT+7
Tại nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, tỉnh xác định “ba trụ cột” kinh tế cần ưu tiên phát triển là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị.

Xác định trong giai đoạn phát triển kinh tế đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bình Thuận xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể. Từ định hướng chiến lược đó, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại, đối với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đẩy mạnh thực hiện theo hướng phát triển toàn diện và bền vững, làm cho đời sống của người dân nông thôn khá giả hơn, tiệm cận với khu vực đô thị. Trong đó, Bình Thuận coi trọng nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, phù hợp quá trình đô thị hóa. Tỉnh cũng chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống gắn với phát triển mạnh du lịch nông thôn, đẩy mạnh giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh- đẹp.

Xã đạt chuẩn Nông thôn mới của tỉnh Bỉnh Thuận - Ảnh: nguồn Sở TTTT

Liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn, đại diện ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó phát triển du lịch nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp là một giải pháp được đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo bước tiến mới cho nông thôn mới Bình Thuận. Theo đó, tỉnh chú trọng rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy trình, thủ tục đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện một số chính sách thu hút phát triển nông nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bỉnh Thuận - Ảnh NNVN

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, đối với nông nghiệp, tỉnh đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất, chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó, với yêu cầu cấp thiết, tất cả các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) gắn với tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản của tỉnh Bình Thuận.