Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tinh thần hợp tác của nông dân trong bối cảnh Việt Nam đổi mới

Tinh thần liên kết, hợp tác là một đặc trưng vốn có của mỗi làng xã ở Việt Nam, bởi trong mỗi cộng đồng ngoài các nhóm gia đình, dòng họ, tổ liên gia, hội đồng niên, đồng môn… Các nhóm xã hội này đã tạo dựng mối liên kết chặt chẽ nhằm tương trợ, giúp đỡ trong các khâu của sản xuất nông nghiệp, từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch; ngoài ra họ còn liên kết nhằm chia sẻ tình cảm, động viên tinh thần lẫn nhau mỗi khi gia đình, trong cộng đồng khi có việc cưới xin, tang ma, ốm đau...
Cây chanh leo mang lại thu nhập cao cho các xã viên ở huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La).

Đặt vấn đề

Tinh thần liên kết, hợp tác và gắn kết cuộc sống là bản sắc cốt lõi của các xã hội cổ truyền, mà ở đó các thành viên xã hội hợp tác với nhau dựa trên tình cảm duy tình hơn là sự tính toán duy lý (Tonnies, 1887, dẫn theo Gordon Marshall, 2010:123). Ở Việt Nam, tinh thần hợp tác là đặc trưng vốn có trong cộng đồng làng xã. Các nhà nghiên cứu khẳng định mỗi địa phương, tinh thần cộng đồng là sắc thái riêng biệt của mỗi làng xã. Tác giả Nguyễn Văn Huyên cho rằng làng Việt truyền thống giống như một quốc gia trong một quốc gia (Nguyễn Văn Huyên, 2003 [1939]: 829). Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu, “Làng được cấu trúc chặt chẽ, đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống hàng ngày và có thể đối phó với những tình huống khó khăn như thiên tai, trộm cướp hay chiến tranh. Mọi người dân trong làng có thể dựa vào thiết chế làng, tinh thần cộng đồng làng, tình cảm làng để sống mà không phải vươn ra ngoài ranh giới của làng (Trần Đình Hượu, 1996: 297). Hai tác giả Đỗ Long và Trần Hiệp cho rằng “Tính cộng đồng là một đặc trưng tâm lý xã hội của nhóm, thể hiện năng lực phối hợp, kết hợp ở sự thống nhất của các thành viên trong hành động làm cho các quan hệ qua lại của hoạt động diễn ra một cách nhịp nhàng nhất” (Đỗ Long,  Trần Hiệp, 2000:47). Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm thì khẳng định, đặc trưng số một của làng xã Việt Nam là tính cộng đồng. Ông nhấn mạnh rằng những người sống gần nhau có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau và sản phẩm của lối liên kết này là làng, xóm. Ông nói rõ thêm rằng: “Thứ nhất, để đáp ứng nhu cầu đối phó với môi trường tự nhiên, nhu cầu của nghề trồng lúa nước mang tính thời vụ cần đông người, người dân Việt Nam truyền thống không chỉ đẻ nhiều mà còn cần liên kết chặt chẽ với nhau (làm đổi công). Thứ hai, để đối phó với môi trường xã hội (nạn trộm cướp…) cả làng phải hợp sức mới có hiệu quả” (Trần Ngọc Thêm 2001: 180-183). 

Rõ ràng tinh thần liên kết, hợp tác là một đặc trưng vốn có của mỗi làng xã bởi trong mỗi cộng đồng ngoài các nhóm gia đình, dòng họ, còn nhiều tổ chức xã hội phi quan phương như tổ liên gia, hội đồng niên, đồng môn… Các nhóm xã hội này đã tạo dựng mối liên kết chặt chẽ nhằm tương trợ, giúp đỡ trong các khâu của sản xuất nông nghiệp, từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch; ngoài ra họ còn liên kết nhằm chia sẻ tình cảm, động viên tinh thần lẫn nhau mỗi khi gia đình trong cộng đồng có công việc cưới xin, tang ma, ốm đau, và cả liên kết tổ chức các hoạt động lễ hội của cộng đồng. Thực tế này mang đến mỗi làng xã có một sắc thái văn hóa riêng, có tính khép kín, tự trị, tự quản về hành chính, tự cấp, tự túc về kinh tế. Câu hỏi đặt ra là đặc trưng về liên kết, hợp tác của nông dân Việt Nam thay đổi như thế nào trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn? Các loại hình liên kết tương tác trong sản xuất, kinh doanh còn mang tính truyền thống (đóng, khép kín, cố kết bền chặt, dựa chủ yếu vào mối quan hệ gia đình, dòng họ, phường hội, xóm làng hay là nó đang trong quá trình thay đổi, mở rộng phạm vi và loại hình liên kết tương tác dựa trên quan hệ lợi ích và các quan hệ này đang vượt qua khỏi ranh giới không gian làng xã để liên kết với các đối tác bên ngoài? Dựa vào nguồn dữ liệu khảo sát định lượng 600 hộ gia đình tại hai xã thuộc đồng bằng sông Hồng, tiến hành năm 2015-2016, bài viết làm rõ đặc trưng về tinh thần liên kết trong sản xuất, kinh doanh của nông dân và bàn luận về thay đổi liên kết sản xuất của nông dân trong bối cảnh nông thôn Việt Nam chuyển đổi và ngày càng hội nhập ra thế giới bên ngoài.

Loại hình và không gian liên kết sản xuất của nông dân

Làng xã Việt Nam là một phức hợp của nhiều tổ chức xã hội mà trước hết là dòng họ, các mối liên kết nghề nghiệp  tín ngưỡng tôn giáo, địa vực láng giềng, xóm, giáp, đơn vị hành chính làng xã […] (Phan Đại Doãn, 2006:7). Sống trong cộng đồng làng xã, mỗi người dân, hộ gia đình phải tuân theo những quy tắc, chuẩn mực, giá trị, thiết chế xã hội đã tồn tại từ lâu đời. Chính những chuẩn mực, thiết thế này đã làm cho những gia đình sống ở nông thôn tin tưởng, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt và trong lao động sản xuất. Tinh thần liên kết này rất chặt chẽ, buộc các thành viên cá thể phải đặt lợi ích của tập thể gia đình, dòng họ, cộng đồng ở vị trí tối cao, hy sinh mọi lợi ích riêng nếu nó trái với lợi ích chung của cả tập thể cộng đồng. Tinh thần hợp tác của nông dân trong cộng đồng là sản phẩm của lịch sử xa xưa và có quan hệ mật thiết với tính cộng đồng của xã hội Việt Nam. Các bàn luận về liên kết và tính cộng đồng của nông dân Việt Nam thường gắn với đặc điểm và tiêu chí chung như: một đơn vị hành chính, một không gian cư trú, một cộng đồng kinh tế, văn hóa, tôn giáo...

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc trưng liên kết của hộ gia đình nông dân cũng đang thay đổi. Bảng 1 sẽ cho thấy sự liên kết thể hiện trong các khâu của hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông hộ tại hai xã được khảo sát. (Xem bảng 1)

Bảng 1, cho thấy hộ gia đình hai xã đã khai thác triệt để các kênh quan hệ ở cộng đồng vào các khâu/hoạt động sản xuất nông nghiệp (tư vấn hướng sản xuất; giúp đỡ vốn khởi nghiệp; mua giống cây con, phân bón, thức ăn; giúp đỡ vốn khởi nghiệp; mua giống cây con; làm đất, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm). Tuy nhiên, số liệu cho thấy mức độ quan tâm và xu hướng liên kết với các kênh quan hệ là rất khác nhau. Ở hai xã, kênh liên kết của hộ gia đình với bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng nội ngoại, hàng xóm và tổ chức chính quyền địa phương vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong các khâu của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, có tỷ lệ khá cao hộ gia đình mở rộng phạm vi/không gian liên kết trong các khâu sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, liên kết với người ngoài làng: Khâu tiêu thụ sản phẩm 44,3%; khâu mua giống cây con, phân bón, thức ăn 34,6%; đặc biệt khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch là khâu trước đây chỉ giới hạn phạm vi trao đổi trong cộng đồng thì nay có đến 51,8% ý kiến trả lời đang thực hiện liên kết hoạt động sản xuất này với người bên ngoài làng xã. Có thể nói, các con số này chứng tỏ rằng phạm vi liên kết trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình ở hai xã đang ngày càng được mở rộng. Hiện nay, các mối quan hệ liên kết này không chỉ giới hạn trong phạm vi không gian truyền thống (gia đình, dòng họ, xóm làng) mà còn mở rộng vượt qua khỏi không gian làng xã.

Khác biệt mức độ liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa hai xã

Các số liệu và phân tích trên đã cho thấy phạm vi và hình thức liên kết trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình ở Liên Bão và Ninh Hiệp, số liệu trong bảng 2 dưới đây tiếp tục cho thấy khác biệt về mức độ liên kết trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở hai xã hiện nay. ((xem bảng 2)

Trong Bảng 2, số liệu khảo sát cho thấy rõ một số nét tương đồng và khác biệt của các hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh ở hai địa phương. 

Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, các nông hộ có mức độ liên kết mạnh với các kênh trong cộng đồng (gia đình, dòng họ, các tổ chức chính quyền, hợp tác xã) để thực hiện các khâu sản xuất: Chọn giống, dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng và bảo vệ mùa màng). Điều này phản ánh các nhóm, tổ chức này trong cộng đồng vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở hai xã. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa hai điểm nghiên cứu. Do ở Ninh Hiệp sản xuất nông nghiệp giữ vai trò thứ yếu nên các liên kết của hộ gia đình với các nhóm trong cộng đồng, thậm chí cả tổ chức chính quyền, hợp tác xã rất yếu. Trong khi đó ở Liên Bão, các mối liên kết truyền thống của hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được duy trì, và hơn thế họ còn mở rộng phạm vi liên kết vượt khỏi phạm vi làng xã, huyện, tỉnh. Hiện tượng nhóm hộ làm trang trại đang mở rộng hợp tác với công ty, đại lý lớn ở các tỉnh, huyện khác nhằm phát triển hướng sản xuất của hộ gia đình.

Một số bàn luận

Các dẫn chứng và phân tích trên đã cho thấy rõ thực tế về mối liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình ở hai xã Liên Bão (huyện Tiên Du, Bắc Ninh); xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) - hai địa phương đại diện cho trình độ phát triển khác nhau ở nông thôn đồng bằng sông Hồng. Điều quan trọng là các bằng chứng khảo sát thực địa ở hai xã đã phần nào phác họa được những khía cạnh liên quan đến tính cộng đồng trong hoạt động kinh tế của hộ gia đình trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế.

Có một thực tế về sự tồn tại đa dạng các loại hình mạng lưới xã hội chính thức, phi chính thức, cấp độ trong cộng đồng và ngoài cộng đồng đang tồn tại trong các nhóm hộ gia đình nông thôn. Các nhóm hộ gia đình đã tham gia và đang phát huy nguồn lực, tính năng động để khai thác các liên kết mạng lưới nhưng chưa xây dựng mạng lưới then chốt phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh để hướng đến thay đổi đột phá về phương thức và quy mô sản xuất. 

Mặc dù có sự đa dạng về loại hình mạng lưới trong sản xuất của hộ gia đình nhưng do sự chi phối cái được và lợi ích trước mắt mà niềm tin, chuẩn mực và tính gắn kết/đoàn kết của hộ gia đình trong tham gia các loại hình mạng lưới xã hội chưa được gắn bó, chất lượng liên kết mạng lưới thấp, chưa tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của hộ gia đình và quan trọng hơn là chưa xây dựng được một vững chắc và bền vững để góp phần vào quá trình phát triển chuyển đổi cơ cấu ngành nghề ở cộng đồng nông thôn.  

Mạng lưới xã hội ở nông thôn đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, dịch chuyển cơ cấu ngành nghề, và góp phần vào tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tệ nạn xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống hộ gia đình và tăng tính gắn kết công đồng nông thôn. Mặc khác, liên kết mạng lưới xã hội cũng đang góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp/chuyên môn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cộng đồng nông thôn; hình thành nên những nhóm xã hội mới ở nông thôn (doanh nghiệp, công ty/tập đoàn sản xuất, kinh doanh), đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Điều quan trọng về mặt xã hội, ảnh hưởng tích cực của liên kết mạng lưới xã hội cũng đang góp phần làm thay đổi cấu trúc gia đình, cộng đồng và xã hội nông thôn, gia tăng cơ hội di động nghề nghiệp, vị thế xã hội cho các thành viên và hộ gia đình ở khu vực nông thôn.

Tuy nhhiên, liên kết mạng lưới xã hội của hộ gia đình cũng đang có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có biểu hiện phát triển mạnh hơn là ảnh hưởng tích cực. Tính khép kín cao, ít tin tưởng vào thành viên ngoài nhóm, tính cục bộ và bè phái trong mạng lưới xã hội, kìm hãm tự do, cản trở các cơ hội tham gia của thành viên trong và ngoài nhóm… Những ảnh hưởng tiêu cực này đang là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy và thách thức mới đối với phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập nông thôn đồng bằng sông Hồng Việt Nam trong những thập niên tới.

Có thể nói, các mối liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhóm hộ gia đình nông thôn đang bị chi phối mạnh bởi quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Ngày nay các mối liên kết truyền thống trong cộng đồng dựa vào gia đình, họ tộc nội - ngoại, làng xóm vẫn tồn tại, được duy trì trong các khâu của hoạt động sản xuất (Tính cộng đồng của gia đình vẫn tiếp tục tồn tại). Tuy nhiên, tính cộng đồng của hộ gia đình đang mở rộng hơn nhằm thích ứng với bối cảnh xã hội hiện nay. Không gian các liên kết này đã giúp các hộ gia đình có cơ hội phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh, quan trọng hơn là thích ứng trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đây cũng là phương thức ứng xử có đi có lại trong các mối quan hệ của người dân nông thôn nhằm tìm kiếm lợi ích trong các mối liên kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất nông nghiệp, trong tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh buôn bán dịch vụ để cùng nhau làm ăn có hiệu quả trong bối cảnh xã hội hiện nay. 

Như vậy, kết quả nghiên cứu về liên kết sản xuất, kinh doanh ở Liên Bão và Ninh Hiệp cũng phản ánh một quá trình đang chuyển biến của tính cộng đồng ở khu vực nông thôn, từ các mối liên kết trong cộng đồng dựa trên tình cảm sang các mối liên kết dựa trên sự hợp lý trong quan hệ trao đổi làm ăn của các chủ thể ở nông thôn hiện nay nhằm nâng cao thu nhập hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, thực tiễn phản ánh những chiều cạnh liên quan đến mở rộng phạm vi không gian liên kết, nhưng niềm tin tưởng và không tin tưởng của người dân trong các mối liên kết cả trong và ngoài cộng đồng cũng đang đặt ra những vấn đề được xem là thách thức mới trong phát triển của hộ gia đình nông thôn trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi và hội nhập. 
    
Tài liệu tham khảo
Đỗ Long và Trần Hiệp. 2000. Tâm lý cộng đồng làng xã và di sản. Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội.
MarshallGordon. 2010. Từ điển Xã hội học Oxford (Bùi Thế Cường và cộng sự dịch). Hà Nội,Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Đức Chiện. 2016. Bộ số liệu về Kết quả khảo sát định lượng đề tài cấp Bộ: Liên kết mạng lưới trong phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn hiện nay. Thư viện Viện Xã hội học.
Nguyễn Văn Huyên. 2003 [1939]. Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, tập 2. Hà Nội,Nxb Khoa học xã hội.
Trần Đình Hượu. 1996. Đến hiện đại từ truyền thống. Hà Nội,Nxb Văn hóa thông tin.
Trần Ngọc Thêm. 2001. Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Hợp tác xã – nhân tố chính trong sản xuất và xây dựng các sản phẩm OCOP
(Tapchinongthonmoi,vn) - Kể từ khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tới nay, Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể góp phần cải thiện diện mạo nông thôn mới của tỉnh; xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP được xác định là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nội lực, nâng cao giá trị gia tăng.