Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

TP. Hồ Chí Minh: Phát sinh 50 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 31 phường, xã

Nguyễn Thúy - 16:30 14/12/2022 GMT+7
Ngày 14/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết, trong tuần 50 (từ ngày 5 đến 11/12/2022), TP. HCM ghi nhận 1.100 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm 14,7% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 18,7% và ngoại trú giảm 10,5%. Trong tuần 50, không có trường hợp tử vong do SXH Dengue. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 23 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nhật Thịnh

Trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 50 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 31 phường, xã thuộc 13/22 quận huyện, TP. Thủ Đức, giảm 12 ổ dịch mới so với tuần 49. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 121 ổ dịch và không có phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 157 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 93 phường, xã thuộc 19/22 quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Tính đến tuần 50, thành phố ghi nhận 78.561 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng gần 7 lần với cùng kỳ năm 2021 với số ca nặng là 1.930 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 50 là 2,46% (1.930/78.561) tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Các biện pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết là do muỗi truyền, do đó để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

-Sử dụng một số biện pháp diệt muỗi như: bình xịt, thắp hương muỗi, phun thuốc chống muỗi...

-Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

-Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

-Thay rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

-Phát quang bụi rậm.

-Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.

-Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

-Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

-Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

-Đề phòng chống muỗi đốt.

-Đối với trẻ em, không cho trẻ hoạt động ở các nơi có môi trường tối tăm, ẩm thấp, ao tù nước đọng.

-Nên buông màn khi ngủ cả ngày lẫn đêm để tránh muỗi.

-Mặc quần áo dài tay.

-Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

-Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

-Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

-Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh

Bên cạnh chủ động phòng bệnh thì việc phát hiện điều trị sớm và chăm sóc dinh dưỡng rất cần thiết cho người bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Võ Trang – Bệnh viện Tràng An cho biết, bệnh sốt xuất huyết hiện chỉ điều trị triệu chứng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.

Theo đó, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bị sốt cao kèm theo đau đầu, đau khớp… nên rất mệt mỏi, chán ăn. Tình trạng sốt cao làm tăng nguy cơ mất nước nên cần bù nước đầy đủ (2-3 lít/ngày).

Người bệnh nên uống các loại nước lọc, nước canh, nước dừa tươi, nước ép trái cây (như cam, bưởi, chanh). Nước dừa chứa nhiều khoáng chất tốt giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp mất nước do sốt cao.

Các loại nước ép cam, chanh, bưởi cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.

Muốn nhanh hồi phục sức khỏe, người mắc bệnh sốt xuất huyết nên ăn các loại thực phẩm này.

Bệnh nhân sốt xuất huyết cần lượng protein cao để phục hồi nhanh chóng. Vì vậy, trong chế độ ăn của người bệnh cần tăng cường thực phẩm giàu protein như: trứng, thịt, cá, sữa… Cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Tuy nhiên, khi bị ốm sốt, người bệnh thường khó ăn, ăn không cảm thấy ngon. Do đó, các món ăn nên nấu dưới dạng lỏng và mềm như cháo, súp để người bệnh dễ ăn và dễ hấp thu hơn. Nên ăn ít một, chia làm nhiều bữa trong ngày. Các bữa phụ có thể uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng.

Người bệnh nên tránh các thức ăn, đồ uống có màu đỏ sẫm như tiết, củ dền… Những thực phẩm này dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa. 

Đối với trẻ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú như bình thường. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm, cha mẹ nên nấu đa dạng nhiều món ăn, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt… Cần cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: Cháo, súp, sữa...

Ngoài bữa ăn chính nên cho trẻ uống thêm sữa, nước cam hoặc sinh tố để bổ sung vitamin và khoáng chất.

Một trong những biến chứng hay gặp khi bị sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu. Số lượng tiểu cầu trong bệnh sốt xuất huyết giảm vì các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi vi rút gây tổn thương tiểu cầu. Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn này đã phá hủy một số lượng lớn tiểu cầu trong thời gian người bệnh bị sốt xuất huyết.

Để giúp cơ thể sản sinh lượng tiểu cầu nhiều hơn, người bệnh sốt xuất huyết nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi; kiwi, dâu tây, súp lơ xanh, rau bina), vitamin A (trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, tôm…; các loại rau có màu xanh sẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau bí; các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài… ) , vitamin  K (rau bina, măng tây, bông cải xanh, cải xoăn; các loại đậu, đậu nành…); folate (có nhiều trong trứng, măng tây, ngũ cốc, cam, rau bina và cải xoăn), sắt (có nhiều trong các thực phẩm như: thịt, tim, gan, cá, lòng đỏ trứng, các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô, trái cây khô...)

“Khi bệnh nhân được xuất viện là bệnh nhân đã qua thời kỳ nguy hiểm, nhưng ở giai đoạn hồi phục này bệnh nhân vẫn còn triệu chứng mệt mỏi, do đó khi được về nhà người bệnh cần tiếp tục theo dõi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhất là thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất; tập thể dục, ngủ nghỉ điều độ để nâng cao sức khỏe, sớm hồi phục”, bác sĩ Võ Trang – Bệnh viện Tràng An cho hay.